Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của tác giả Viễn Phương

Bài thơ bắt đầu bằng câu thơ tự sự:

Con ở miền Nam ra thăm, lăng Bác

Con và Bác, cách xưng hô ngọt ngào, thân thương, rất Nam Bộ. Nhà thơ đã cố tình thay đi một từ, ở tựa đề bài thơ là “viếng”, ở câu này là “thăm” mong giảm nhẹ nỗi đau mà không che được nỗi bùi ngùi của cảnh tử biệt sinh li. Tình thơ gần gũi mà trắc trở, lời thơ giản dị pha chút ngậm ngùi. Câu thơ thứ hai miêu tả không gian của lăng Bác, hình ảnh hàng tre là hình ảnh đầu tiên nhà thơ bắt gặp:

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát.

Viếng lăng Bác

Cứ như thế, tứ thơ tuôn trào và trôi đi trong một cảm xúc kì lạ, vừa rất thực như bước chân nhích dần của dòng người ngày ngày vào thăm lăng Bác, vừa bồng bềnh như. trong mơ, như trong nỗi thương nhớ khôn nguôi. Nó làm cho bài thơ có một không khí và giọng điệu rất lạ, không giống bất kì một bài thơ nào khác viết về Bác. Đó là ấn tượng về nỗi đau và nỗi nhớ Bác khôn nguôi của những người con miền Nam bao năm chịu mọi thử thách của chiến tranh để thực hiện nguyện vọng tha thiết của người: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi”.

Khổ thơ thứ hai cũng bao trùm không khí vừa thực vừa ảo. Thực là hình ảnh mặt trời đi qua trên lăng, là ngày ngày dòng người vào lăng viếng Bác. Song ảo là hình ảnh mặt trời trong lăng rất đỏ. Ví Bác với “Mặt trời cách mạng” làm cho lũ dơi đế quốc bay chập choạng dưới chân người vào lúc đêm tàn, như Tố Hữu đã viết. Song nhận ra lúc người nằm trong lăng vẫn là một vầng trăng sáng dịu hiền để sóng đôi và trường tồn cùng với mặt trời của thiên nhiên là sáng tạo riêng của Viễn Phương. Cũng vậy, nhà thơ đã đẩy hình ảnh rất thực về đoàn người viếng Bác thành hình ảnh rất mộng (dòng người đi trong thương nhớ), thành hình ảnh bất ngờ, độc đáo (kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân).

ở khổ thơ thứ ba, bằng tình cảm, tác giả dường như thấy Bác vẫn còn ở cùng ta: Bác nằm trong giấc ngủ bình yên, giữa một vầng trăng sáng dịu hiền. Nhưng lí trí nhắc đến sự thật của cảnh chia li âm dương đôi ngả. Sự hòa trộn giữa tình cảm và lí trí tạo nên một hình ảnh tượng trưng nói tới sự mất mát và nỗi thương nhớ một cách độc đáo:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim

Trong ba khổ thơ trên, thực tại và mong ước, lí trí và tình cảm đan xen nhau tạo nên một loạt hình ảnh như thực, như mơ, diễn tả cảm xúc chân thành của tác giả đối với Bác kính yêu.

Đến khổ thơ cuối cùng, nhà thơ trở về với thực tại:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Thương Bác đấy nhưng không xa rời sự nghiệp Người để lại cho lớp lớp con cháu. Ý chí ấy làm lời thơ trở nên mạnh mẽ, dứt khoát. Điệp ngữ “muốn làm” mở đầu ba câu thơ liên tiếp như lớp sóng dồi trong lòng nhà thơ, khẳng định chí hướng thuỷ chung với cách mạng, khẳng định sự gắn bó của miền Nam với Bác. ở đây chúng ta gặp lại hình ảnh cây tre, vốn đã được nói đến trong khổ thơ đầu của bài thơ. Hình ảnh tạo nên cấu trúc vừa trùng lặp lại vừa phát triển của ý thơ. Nếu ở khổ thơ đầu, từ hình ảnh thực của rặng tre bên lăng Bác, nhà thơ đẩy lên thành hình ảnh tượng trưng cho cả dân tộc kiên cường bất khuất đứng quanh người, thể hiện rõ ý chí và nguyện vọng của Người, thì ở câu thơ cuối sự vận động của ý thơ lại theo chiều ngược lại. Từ sự mong muốn trong tâm tưởng luôn được ở bên cạnh Bác, nhà thơ đi đến những hình ảnh cụ thể, thể hiện ý đó, nào “con chim hót quanh lăng Bác”, nào “đóa hoa tỏa hương đâu đây” và cuối cùng là “cây tre trung hiếu chốn này”.

Viếng lăng Bác 2

Bài thơ tưởng kết thúc trong sự xa cách về không gian đâu ngờ lại tạo nên sự gần gũi trong tình cảm và ý chí. Người bước chân ra đi nhưng lòng ở lại. Như thế cuộc ra thăm lăng Bác của những người con miền Nam đâu có kết thúc.

Viết bình luận