Thuyết minh về một lễ hội mà em biết

Hội đua ghe ngo là một hoạt động thể thao trong Lễ Ooc-Om-Bok, lễ hội truyền thống nhằm tôn vinh thần Mặt trăng của người Khơme Sóc Trăng. Diễn ra vào ngày rằm tháng Mười (âm lịch) hàng năm, đua ghe ngo đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống vãn hóa của người Khơme. Sau lễ cúng trăng và thả đèn nước đêm 14, sáng hôm sau cả khúc sông Maspero (Sóc Trăng) náo nức chào đón các đội ghe ngo về dự hội đua.

Đua ghe ngo

Đến trưa, trước khi con nước dâng, hàng nghìn người tụ tập kín cả hai bờ sông hồ hởi chờ lệnh xuất phát. Hòa trong tiếng trống, dàn nhạc ngũ âm rộn rã, một hồi còi vang lên réo rắt báo hiệu lệnh xuất phát. Đó là lúc từng cặp ghe đua với trăm đôi tay chèo lực lưỡng đồng phục tươm tất đồng loạt khom người vung chèo đều tăm tắp theo nhịp tu huýt, phèng la đẩy chiếc ghe nhanh về phía trước. Tiếng trống, tiếng loa hòa trong tiếng reo hò thúc giục rộn ràng cả mặt sông.

Ghe ngo là một loại thuyền độc mộc, dài khoảng 30m, được trang trí họa tiết rồng, sư tử, hổ sặc sỡ. Mỗi ghe đua có từ 54 đến 60 tay chèo được tuyển chọn từ những thanh niên trai tráng, lực lưỡng nhất của các phum sóc. Họ ngồi thành cặp dọc theo chiều dài thân ghe, mạnh mẽ vung chèo theo nhịp của, người điều khiển. Tay chèo làm bằng gỗ nhẹ hoặc vật liệu tổng hợp không thấm nước, bản rộng và mỏng để tăng sức cản. Lái có tác dụng định hướng chuyển động của cả ghe và người cầm lái thường phải là một ngư ông kinh nghiệm trong vùng.

Tương truyền, hội đua ghe ngo xuất phát từ nhà chùa, nơi cứ rằm tháng Mười hàng năm lại treo đèn kết hoa Ăngkovát để thỉnh kinh Phật. Các ghe thỉnh kinh về sẽ đua tranh xem ghe nào về trước, phổ truyền kinh đặt trên lá thốt nốt. Ban đầu, hội đua ghe chỉ có ở Sóc Trăng, sau lan truyền ra nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau...

Lễ hội đua ghe ngo

Từ năm 2002, với chủ trương duy trì và phát huy truyền thống văn hóa, thể thao dân tộc, đua ghe ngo đã chính thức trở thành một môn thể thao đỉnh cao. Tôn trọng truyền thống của người Khơme Sóc Trăng, môn thi này được tổ chức ở con sông cầu Quay, với sự tham gia của hơn 20 đội khắp các tỉnh Tây Nam Bộ. Môn thi được chia làm 4 nội dung: nam 1200m, nam 800m, nữ 800m và nữ 600m.

Viết bình luận