Thuyết minh về một loài hoa mà em biết
Điên điển là loại cây hoang dã, thân mềm mà dẻo, lá nhỏ lí tí, moc từng chòm từng vạt lớn trên đồng ruộng đồng bằng sông Cửu Long, từ An Giang, Đồng Tháp dài xuống Cần Thơ, Rạch Gíá, Cà Mau ruộng đồng nào cũng có. Một số nơi miệt ruộng hiếm cây, cư dân ở đó trồng điên điển theo bờ đề lấy cây làm củi. Điên điển trồng một lần có thể sử dụng được trong nhiều năm. Mùa nước dâng, người ta hái bông điên điển làm thức ăm. Nước rút, cạn mặt đồng, đốn cây gần sát gốc, phơi khô, đun nấu, gốc con lại dám chồi nảy lộc, sinh cây tái tạo chòm điên điển mới. Bông điên điển là loại hoa gần gũi nhất với người dân đồng bãi.
Mùa bông điên điển kéo dài từ đầu thu cho đến cuối thu. Dạo tháng 6 âm lịch, kéo lê nhiều cơn mưa dầm tầm tã, nước nguồn đổ xuống tràn đồng, gió chướng non hiu hiu mặt nước (người miền Bác gọi là gió heo may) một thứ gió dịu dàng gợi buồn, gợi nhớ. Dạo này bông điên điển mới trổ lứa đầu mùa. Trên những dãy cây xanh màu lá lúa, từng chúm hoa điên điển vàng lưa thưa trong cành lá. Cuối tháng 6 âm lịch, bông điên điển mới rộ lên một màu rực vàng khắp chốn đồng quê - cái nơi rất hiếm màu hoa. Nhất là sau ngày vợ chồng Ngâu nước mắt đầm đìa (tháng 7 âm lịch), bông điên điển trải rộng, trải dài một màu vàng óng khắp nơi nơi. Bờ kênh, bờ đìa, bờ ao nuôi cá, những thửa đất không cày bừa là lãnh địa riêng của bông điên điển. Bông nở từng chùm vàng cả rặng cây. Đứng xa chỉ thấy bông vàng, không thấy lá.
Bông điên điển lúc bấy giờ không chỉ mang lại cái màu vàng xao xuyến cho đồng quê đỡ tẻ, cho người đồng bãi bớt nhớ màu hoa, mà còn là một thức ăn cứu nguy trong tháng ngày lũ lụt gian nan. Người nghèo hái bông điên điển mang ra chợ bán, mua gạo muối về cho con. Nhà nghèo quá, mưa dai gió lớn không ra ngoài được để kiếm con cá, con cua, bông điên điển đó, người mẹ xào với muối cho lũ trẻ làm thức ăn với cháo.
Không biết từ lúc nào, bông điên điển đã thành thức ăn phổ biến từ đồng quê cho đến thành thị vùng châu thổ sông Cửu Long.
Làng quê sông nước miền này từ lâu đã có nhiều loại hoa trở thành thực phẩm. Bông bí rợ nấu canh cá lóc, xào gan, xào thịt. Bông so đũa nấu canh chua. Bông sàu đông trộn gỏi. Bông súng ăn với mám kho. Bông lí nấu canh... Bông điên điển so với các loại bông kia, có thể gọi là loại hoa đa dụng.
Một chùm bông điên điển rực vàng, lao xao trong gió quanh bờ ao nuôi cá, ta đâu nỡ lẳng lặng đi qua. Cái màu vàng quyến luyến kia cứ âm thầm cầm chân ta lại. Những ai sinh trưởng chốn đồng quê kênh rạch, hẳn khó quên chiếc xuồng be, cái lồng đèn nhỏ và cô thôn nữ cắm cúi hái bông điên điển trong màn đêm nhạt nhòa trước rạng đông. Và những chiếc
xuồng chở đầy bông điên điển vàng tươi hối hả bơi nhanh ra chợ làng, chợ huyện. Bông điên điển phải ra chợ trước mặt trời lên. Bởi lẽ nắng lên bông nở, sắc vàng phai và vị ngọt của bông điên điển nhạt rồi. Hình như cái duyên, cái sắc của cô thôn nữ cũng thắm nhất lúc sương sớm chưa tan?
Bông điên điển đã nắm níu ta bằng cái sắc hây hây vàng trong nắng nhẹ, dâng hiến cho ta vẻ đẹp trinh nguyên ẩn giấu, chưa hề biết đến sự nâng niu, tô điểm của con người. Cái đẹp hoang sơ thuần phác thật dễ thương.
Bông điên điển đến với ta bằng sắc vàng thắm thuỳ mị, yêu kiều, chạm khắc vào kí ức những con người sinh ra trên đồng bãi, một mùa hoa vàng lung linh trên nước. ít có loại hoa nào ta vừa cảm nhận bằng nhãn quan, mĩ cảm, lại vừa bằng cái dư vị khó quên. Nó đi vào đời sống thực một cách tự nhiên, giành chắc cảm tình mọi người dân đồng bãi đến cả thị dân.
Vài năm trở lại đây, ở nhiều thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ, Vĩnh Long - không kể An Giang, nơi nổi danh nghề mắm - những điểm dừng nghỉ dọc lộ 4, đã mọc lên nhiều quán mắm kho. Cả trong những nhà hàng sang trọng cũng rao mời: Đặc sản lẩu mắm. Mắm kho không thể thiếu bông điên điển, trừ khi đã hết mùa. Đĩa rau ghém kèm với mắm kho, bao giờ bông điên điển cũng đứng đầu, sau đó mới đến các loại rau khác (bông súng, dưa leo, rau dừa, ngò ong, rau nhút...) có phải vì bông điên điển vẫn có vị ngọt hơn lại vừa có sắc, đã ngon miệng lại còn ngon cả mắt?
Ăn mắm kho, bông điên điển hòa hợp với vài thứ rau, nhưng ăn cá linh kho lạt, thì bông điên điển độc chiếm vị trí trong bữa ăn, không cần thứ rau khác chen vào.
Muôn đổi "gu", những nhà khá giả hoặc thị dân lại xào bông điên điển với thịt ba rọi, hoặc gan heo, kèm theo giá, hẹ. Khiêm tốn một chút, người ta thay thịt và gan bằng tiết heo. Vừa ngon lại vừa ít ngán.
Bánh xèo, một loại bánh phổ cập từ làng quê ra đến tỉnh thành, nhân bánh gồm đậu xanh nấu nhuyễn trộn thịt nạc, nếu thiếu bông điên điển người chiên bánh có thể thay bằng giá. Nhưng giá chỉ là loại "vàng Tây" thế tạm "vàng y" mà thôi. Bánh xèo nhân bông điên điển mới "chính hiệu" là bánh xèo.
Ở làng quê nhiều bông điên điển, hoặc gặp hôm ế chợ, các bà nội trợ khéo tay, đưa bông điển vào hũ làm dưa, để nhiều ngày, bông điên điển lại hiến thêm một hương vị khác, có thể sánh với dưa cải, dưa hành.
Loài hoa nào cũng có sắc hương riêng, vẻ đẹp riêng của nó. Bông điên điển là loại hoa đồng nội, không rực rỡ như hoa mai, không kiêu sa như hoa Tuy-líp, không vương giả như hoa hồng. Bông điên điển đưa đến ta một màu vàng đằm thắm, một vẻ đẹp hiền hậu đồng quê, một vẻ đẹp dãi dầu gió mưa, lụt lội. Nó còn mang cái -vị riêng hấp dẫn vào những bữa ăn của người dân thôn dã, cả nhưng người sống thành thị.
Mùa bông điên điển nhằm mùa mưa dông, lũ lụt. Sức hung hãn của nước xoáy nước tràn, của gió bão chưa hề diệt nổi loài cây điên điển vàng tươi mỗi sáng, mỗi chiều chờ đợi con người đến ngắm, đến hái về ăn.
Bông điên điển thật đáng yêu, đáng nhớ. Một loài hoa lẫm liệt trong phong ba. Có phải vì thế mà lắm người xa quê, "cứ đến mưa dầm lại nhớ đến mùa bông điên điển...", để rồi viết những trang "Nhớ mùa bông điên điển ngọt ngào, thắm thiết".
Viết bình luận