Bài Sóng của Xuân Quỳnh có đoạn: "Ôi con sóng ngày xưa (...) Cả trong mơ còn thức". Hãy phân tích đoạn thơ để làm nổi rõ sức gợi cảm phong phú, bất ngờ của hình tượng "sóng" trong sự liên hệ, đối sánh vơi nhân vật trữ tình "em"

Sóng là bài thơ tình tuyệt bút của Xuân Quỳnh (1942-1988). Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn thiên trường gồm có 38 câu thơ. Qua hình tượng "sóng", Xuân Quỳnh đã thể hiện niềm khao khát của người thiếu nữ muốn được yêu, được sống trong một tình yêu hạnh phúc thủy chung.

Bốn khổ thơ dưới đây trích trong phần đầu bài thơ. Hình tượng "sóng" trong sự liên hệ đối sánh với nhân vật trữ tình "em" đã đem đến cho tâm hồn ta bao gợi cảm phong phú bất ngờ:

Ôi con sóng ngày xưa

.......................

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức.

Sóng là hiện tượng muôn đời của đại dương bao la

Sóng là hiện tượng muôn đời của đại dương bao la. Còn vũ trụ, đất trời thì còn có đại dương; đại dương còn thì còn "muôn trùng sóng bể". Sóng là sức sống vĩnh hằng, kì diệu của biển, trường tồn trong dòng chảy thời gian: "Ôi con sóng ngày xưa - Và ngày sau vẫn thế". Từ "ôi" cảm thán cất lên đầy xúc động ngây ngất của một nỗi niềm. Sóng của biển cũng như tình yêu là chuyện muôn đời của lứa đôi, là "khát vọng" của trai gái xưa nay. Sóng reo, sóng vỗ trên biển cả mênh mông cũng như "con sóng" tình yêu biến hóa vô cùng, lúc thì "dữ dội và dịu ếm", lúc thì "ồn ào và lặng lẽ", làm cho trái tim tuổi trẻ rung động, xao xuyến, "bồi hồi":

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ.

Hình tượng "sóng" trong những vần thơ ngọt ngào thiết tha đầy gợi cảm mang tính nhân vãn. "Trước muôn trùng sóng bể" của đại dương mênh mông, lớp lớp sóng liên hồi, vô tận, thiếu nữ "bồi hồi" nghĩ về quy luật của sự sống, về sự trường tồn của đại dương, về nguyên nhân kì diệu nào mà có "sóng lên". Rồi thiếu nữ bâng khuâng nghĩ về mối nhân duyên của mình, về tình yêu của "em" "anh". Điệp ngữ: "Em nghĩ về... Em nghĩ về...", kết hợp với câu hỏi tu từ: "Từ nơi nào sóng lên?" đã làm cho giọng thơ nồng nàn, say đắm, cảm xúc bâng khuâng triền miên dào dạt dâng lên. Hình tượng "sóng" và sự liên tuởng phong phú được diễn tả một cách thi vị:

Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?.

Hỏi sóng rồi hỏi gió: "Gió bắt đầu từ đâu?" Rồi thiếu nữ lại tự hỏi trái tim mình, tự hỏi lòng mình: "Khi nào ta yêu nhau". Đó là tâm trạng của "em", của bất cứ chàng trai cô gái nào trong tình yêu. Và phải là mối tình đầu mới có câu hỏi ấy. Tình yêu đã đến với "em" tự bao giờ, nhưng cái khắc khoải "thắm lại" của hai tâm hồn "anh""em", đâu dễ trả lời. Ông chúa thơ tình Xuân Diệu đã viết: "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu"... Tuy không trả lời được câu hỏi: "Khi nào ta yêu nhau?", nhưng cái khoảnh khắc thần tiên của mối tình đầu mãi mãi được ghi sâu trong lòng người:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Nghìn năm chưa dễ đã ai quên?

(Thế Lữ)

Sức gợi cảm của hình tượng "sóng" thật phong phú và bất ngờ. Sóng tồn tại trong trạng thái "động", trong mọi không gian "dưới lòng sâu" hay "trên mặt nước", tầng tầng lớp lớp "muôn trùng sóng bể". Có sóng ngầm và nhấp nhô sóng biếc. Sóng được nhân hóa, sóng thao thức suốt đêm ngày trong mọi thời gian: "Sóng nhớ bờ", trong mọi trạng thái: "Sóng không ngủ được". Sóng được cảm nhận bằng thính giác, bằng thị giác, bằng tri giác và cả bằng tâm hồn. Hình tượng "sóng" càng trở nên thơ mộng gợi cảm:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được.

Sóng của biển cũng như tình yêu là chuyện muôn đời của lứa đôi

cấu trúc song hành, đối xứng: "dưới lòng sâu // trên mặt nước", "ngày // đêm", "nhớ bờ // không ngủ được" và điệp ngữ "con sóng" đã làm cho ngôn ngữ thơ cân xứng hài hòa, âm điệu, nhạc điệu thơ nhịp nhàng, uyển chuyển, say đắm và ngọt ngào. Nhạc của thơ, vị ngọt tình yêu như được hòa quyện trong không gian, trong thời gian, và cả trong lòng người.

Xuân Quỳnh có lúc mượn "thuyền""biển" làm ẩn dụ để nói lên nỗi nhớ thương của lựa đôi:

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau rạn vỡ...

(Thuyền và biển)

Từ hiện tượng "sóng nhớ bờ", nữ sĩ liên tưởng đến nỗi nhớ "em nhớ đến anh", một nỗi nhớ da diết, triền miên, bồi hồi khôn xiết kể, cả trong cõi thực và cả trong cơn mơ, trong ý thức và cả trong tiềm thức:

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức.

Sóng là quy luật vận động của vũ trụ, của đại dương. Tưởng tượng "sóng nhớ bờ" rồi liên hệ, đôi sánh với "em", với nỗi niềm "lòng em nhớ đến anh..." thật bất ngờ, thú vị. Ca dao nói nhiều về nỗi nhớ của trai gái làng quê. Có nỗi nhớ day dứt khôn nguôi: "Nhớ ai nhớ mãi thế này? - Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn". Có nỗi nhớ bồn chồn, ngẩn ngơ: "Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ - Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai". Có nỗi nhớ bồi hồi: "Nhớ ai bổi hổi bồi hồi - Như đứng đống lửa, như ngồi đống than". Qua đó, ta mới cảm thấy nỗi nhớ của "em", nhân vật trữ tình trong bài thơ Sóng: "Lòng em nhớ đến anh - Cả trong mơ còn thức" là sâu sắc, bất ngờ, mới mẻ.

Năm 1962, thi sĩ Xuân Diệu viết bài thơ tình "Biển", trong đó hình tượng "sóng" là ẩn dụ về chàng trai đa tình, yêu say đắm, nồng nhiệt:

Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi...

Bài thơ "Biển" là một thử thách lớn đối với Xuân Quỳnh. 5 năm sau, bài Sóng ra đời, ẩn dụ "sóng" nói về thiếu nữ trong mối tình đầu với bao phẩm chất tốt đẹp. Đó là sáng tạo, có thể nói là "bất ngờ".

Người thiếu nữ trong bài thơ Sóng đã "tự hát" về nỗi khao khát được yêu thương, được sống thủy chung trong tình yêu hạnh phúc. Hình tượng "sóng" gợi lên bao cảm xúc mạnh mẽ, nồng nàn, phong phú và bất ngờ. Sóng thật mãnh liệt. Em thật nồng nàn say mê bởi lẽ với em thì tình yêu là "khát vọng".

Viết bình luận