Bàn luận câu ca dao về truyền thống văn hóa của người kinh đô Thăng Long xưa: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Ngày nay, trong thanh niên đang hình thành lối sống ăn chơi đua đòi. Họ chạy theo những thị hiếu nhất thời, những màu sắc lòe loẹt lạ mắt của nếp sống xô bồ mà lầm tưởng là hiện đại. Họ quên đi những, truyền thông tốt đẹp của dân tộc. Họ thường đánh giá con người bằng vẻ bề ngoài mà không nghĩ đến phẩm chất tâm hồn bên trong. Để nhắc nhở con cháu biết sống đẹp, các bậc cao niên ở Thủ đô nước ta thường hay nói tới câu ca dao xưa với lòng tự hào:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Sông nước Tràng An

Nói rằng chẳng thơm, nói rằng không thanh lịch chỉ là cách nói phủ định để khẳng định một nét đẹp của người Thăng Long - Hà Nội: nét thanh lịch.

Hoa nhài là một loài hoa giản dị, mộc mạc, với sắc trắng ngần. Nó không lộng lẫy kiêu sa như hoa hồng, và cũng không rực rỡ như hoa phong lan. Nhưng sắc trắng của hoa mới thanh cao làm sao. Trắng là màu sắc bên ngoài, đồng thời cũng gợi ra sự trong trắng bên trong: sự kín đáo, dịu dàng của hương thơm. Hương hoa nhài không sực nức nồng nàn mà chỉ thoang thoảng, nhưng lâu bền.

Còn Tràng An, vốn là kinh đô xưa của mười hai vương triều phong kiến Trung Quốc. Là đất kinh kì nhiều đời vua nhất Trung Quốc, nên Tràng An là nơi hội tụ kết tinh của những nét đẹp văn hóa cả nước, rồi sau trở thành bản sắc truyền thống của Tràng An, không đâu sánh bằng. Lâu dần Tràng An trở thành biểu tượng của nét đẹp kinh kì, được sử dụng như một danh từ chung, đồng nghĩa với kinh kì, kinh đô nói chung của cả nước, vùng lân cận Trung Quốc như nước ta. Bởi vậy, cụm từ người Tràng An trong câu ca dao có nghĩa là người kinh đô, người Thăng Long. Người kinh đô Thăng Long có lối sống rất tao nhã, thanh tao, cử chỉ rất văn minh, lịch sự. Lối sống đó đã trở thành bản sắc, dù có đi xuôi đi ngược, vào Nam ra Bắc, bản sắc đó cũng không thay đổi. Dù ở đâu người ta vẫn có thể nhận ra người Hà Nội, cũng như người ta nhận ra hương nhài giữa rừng hương.

Ở đất kinh kì này, phụ nữ thì trang phục thanh nhã, dáng đi nhẹ nhàng, lời lẽ giản dị mà lịch sự, nổi tiếng cả nước về vẻ xinh tươi, đoan trang, dịu hiền mà vẫn lanh lợi, tinh anh. Người đàn ông thì thông minh nhạy bén trong giao tiếp, lịch sự với những người khác phái và cũng có một sự ưa nhìn không kém.

Ngày nay, tiếp thu nhiều luồng ánh sáng văn minh trên thế giới, người Hà Nội đích thực vừa vẫn thanh lịch, vừa thông minh, sắc sảo hơn.

Nhưng trong quá trình mở cửa cũng không ít những văn hóa đồi trụy du nhập vào Thủ đô ta, làm xuất hiện không ít những lối sống kém văn hóa, xóa đi nét đẹp của con người kinh thành.

Vậy để gìn giữ những truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta để lại, mỗi chúng ta phải làm gì?

Điều này tùy thuộc vào bản thân mỗi người, tùy thuộc vào sự cố gắng để trở thành người Tràng An thanh lịch. Trong gia đình, chúng ta cần kính trọng người trên, nhường nhịn kẻ dưới. Trong quan hệ với hàng xóm, láng giềng, mỗi người đều cần tôn trọng lẫn nhau, cần cư xử đúng mực, ăn nói hành động lịch sự, nhã nhặn. Có việc gì xích mích xảy ra cũng phải bình tĩnh giải quyết, không nên cãi cọ, chửi bới, ẩu đả. Ra ngoài thì ăn mặc sao cho đứng đắn. Đi làm, đi học thì nên mặc theo quy định của cơ quan, nhà trường. Ngày nghỉ, đi chơi, đi dự lễ hội hoặc theo lễ phục dân tộc, hoặc theo y phục mới nhưng cần lựa chọn cho thích hợp với dáng người, lứa tuổi... Tránh đua đòi, ăn chơi theo mẫu mốt không thích hợp.

Tràng An

Chúng ta thế hệ con cháu cần phải giữ gìn nét thanh lịch của cha ông ta để lại và hơn thế nữa là những truyền thống, phong tục tốt đẹp, không để chúng phôi phai dần theo ngày tháng. Chúng ta cần cố gắng tự rèn luyện để đất nước có thể tự hào với truyền thống mà qua chặng đường lịch sử dài vẫn giữ được và lấy đó làm cơ sở để xây dựng một xã hội tươi đẹp, hạnh phúc, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu.

Viết bình luận