Bàn luận về tinh thần dũng cảm

Bác Hồ đã dạy thiếu nhi: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Đó là ba phẩm chất tốt đẹp cần có của mỗi người, nhất là đối với tuổi trẻ chúng ta.

Trong bài văn này, tôi chỉ bàn về tinh thần dũng cảm, lòng dũng cảm.

Vậy thế nào là dũng cảm? - Trước hết phải hiểu thế nào là dũng? - Dũng là sức mạnh và tinh thần trên hẳn mức bình thường, tạo khả năng đương đầu với sức chống đối, với nguy hiểm để làm nên những việc nên làm. Dũng thường đi đối với trí, để có trí dũng song toàn; cũng trường hợp hữu dũng vô mưu.

Bàn luận về tinh thần dũng cảm

Dũng cảm nghĩa là có dũng khí dám đương đầu với chống đối, với nguy hiểm để làm những việc nên làm. Trong ngôn ngữ dân tộc ta có những từ ngữ gần nghĩa với dũng cảm là: dũng khí, dũng mãnh, quả cảm, dũng sĩ, dũng tướng... Đó là những từ cùng trường từ nghĩa.

Dũng cảm được thể hiện ở tinh thần và hành động. Không sợ khó, sợ khổ, sợ hi sinh, là tinh thần dũng cảm. Dám đối mặt với mọi thách thức, không lùi bước trước mọi khó khăn nguy hiểm là dũng cảm. Cổ ngữ có câu ca ngợi những con người chân chính là: “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói lên sự thật với động cơ tốt đẹp là dũng cảm. Dám xông vào nơi nguy hiểm, xông vào rừng tên biển giáo của quân giặc để chiến đấu, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng,... là hành động dũng cảm. Chiến đấu hi sinh đến giọt máu cuối cùng, bắn đến viên đạn cuối cùng là hành động dũng cảm.

Tình cảm yêu nước đã phát huy cao độ tinh thần dũng cảm của nhân dân ta tạo thành khí phách anh hùng, chủ nghĩa anh hùng. Tố Hữu đã có những vần thơ thật đẹp, thật hay ca ngợi truyền thống cao quý của dân tộc:

Dân ta gan dạ anh hùng,

Trẻ làm đuốc sống, già xông lửa đồn

Các chiến sĩ Điện Biên trải qua 55 ngày đêm trong mưa bom bão đạn của giặc Pháp, đã “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, đã “lấy lưng chèn pháo”, đã “thân chôn làm giá súng, đầu bịt lỗ châu mai”, v.v... đem máu xương và chí khí dũng cảm lập nên chiến công “chấn động địa cầu”. Bài ca Điện Biên là bài ca yêu nước, lòng dũng cảm, chí khí anh hùng của quân đội ta, nhân dân ta, của tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Các trang sử vàng, các chiến công chói lọi của dân tộc ta từ xưa tới nay như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đông Đa, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử,... đều được làm nên bằng máu xương, bằng truyền thống yêu nước và tinh thần chiến đấu dũng cảm của bao thế hệ, của triệu triệu con người Việt Nam qua dòng chảy lịch sử.

Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn biểu lộ một ý chí cãm thù sôi sục lũ giặc Nguyên Mông, một tinh thần dũng cảm chiến đấu quyết xả thân trên chiến địa để bảo vệ sơn hà xã tắc. Hơn 700 năm đã trôi qua, tiếng hịch vẫn bừng bừng khí thế “Sát Thát”: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa xả thịt lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng”.

Dũng cảm được thể hiện ở tinh thần và hành động

Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là bản anh hùng ca của dân tộc ta trong thế kỉ XV. Tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân Lam Sơn đã tạo nên khí phách anh hùng quyết thắng:

Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,

Voi uống nước, nước sông phải cạn.

Đánh một trận: sạch không kình, ngạc,

Đánh hai trận: tan tác chim muông

Văn thơ yêu nước và cách mạng nói nhiều đến lòng kiên trung, ý chí sắt đá, lòng dũng cảm của các nhà chí sĩ, chiến sĩ, quyết “xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ !” (Phan Bội Châu). Họ hiên ngang trước xà lim, máy chém của quân thù. Trước mọi thử thách nặng nề của chôn lao tù đế quốc, người chiến sĩ cách mạng vẫn bất khuất hiên ngang:

Kiên trì và nhẫn nại,

Không chịu lùi một phân,

Vật chất tuy đau khổ,

Không nao núng tinh thần

(Nhật kí trong tù)

Tinh thần dũng cảm, lòng dũng cảm không chỉ được thể hiện trong chiến đấu, trước thử thách giữa cái sống và cái chết, giữa bại và thắng, giữa nhục và vinh, mà còn được biểu hiện trong sinh hoạt đời thường. Biết nhận ra thiếu sót, khuyết điểm, lỗi lầm của mình, để sửa chữa, để khắc phục tự vươn lên, hoàn thiện nhân cách của mình là dũng cảm.

Dũng cảm nhìn thấy điểm yếu của mình là một việc làm không đơn giản vì sợ mất uy tín trước đồng loại, vì mang tâm lí “dại gì tự vạch áo cho người xem lưng!” Trong học tập, ta thường bắt gặp cậu học trò này dấu dốt, cô nữ sinh kia dấu dốt, nhưng chỉ vì thiếu tinh thần dũng cảm mà không có tinh thần nỗ lực vươn lên.

Trái với tinh thần dũng cảm là gì? - Là sợ sệt, là run sợ, khiếp sợ, khiếp đảm, là phách lạc hồn xiêu, là bạt vía kinh hồn, v.v... Trong xã hội, những kẻ tham sống sợ chết là loại người hèn nhát, thường bị đối phương lợi dụng. Loại người này khi đứng trước mọi nguy hiểm chết chóc sẽ trở thành kẻ đầu hàng phản bội.

Rèn luyện tinh thần dũng cảm không hề đơn giản. Dân ta có câu: “Có gan đi lính, giỏi tính đi buôn”; gan là gan góc dũng cảm. Phải xông pha, vật lộn với cuộc sống, có vào sinh ra tử chiến đấu, dám xả thân vì việc nghĩa, biết rèn luyện ý chí như tôi thép qua lửa đỏ, và phải trải qua nhiều thời gian năm tháng mới có thể hình thành phẩm chất đức tính cao quý đó.

Những tấm gương ngời sáng như Lê Văn Tám, Kim Đồng, Vừ A Dính, Phạm Ngọc Đa... là những thiếu niên anh hùng dũng cảm. Những người bắt cướp hoặc băng qua dòng nước lũ dể cứu tài sản và tính mạng của nhân dân là những tấm gương dũng cảm, giàu đức hi sinh được ca ngợi.

Những tấm gương dũng cảm ấy mãi mãi sáng ngời trong cuộc đời và sử sách, để tuổi trẻ chúng ta noi gương học tập. Tinh thần dũng cảm khi được nâng cao sẽ trở thành bản lĩnh, khí phách : “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” như của các chiến sĩ cảm tử quân Hà Nội trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến (20-12-1946).

Bàn về tinh thần dũng cảm, ta ghi nhớ sâu sắc vào lòng, ta mãi mãi ngưỡng mộ những chiến sĩ yêu nước của dân tộc đã nêu cao khí tiết lẫm liệt trước mọi kẻ thù tàn bạo: “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”.

Viết bình luận