Bàn luận về ý kiến sau đây của thi hào Ta-go (Ấn Độ): "Yêu là tên gọi khác của sự hiểu nhau"

Ta-go là một nhà thơ vĩ đại của Ấn Độ - tác giả châu Á đầu tiên được giải Noben văn học. Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, ông đã dành rất nhiều trang thơ hay cho đề tài tình yêu. Những trang thơ đặc sắc ấy cũng chính là sản phẩm kết tinh từ quan điểm “Yêu là tên gọi khác của sự hiểu nhau" của Ta-go.

Có lẽ phải hiểu từ "yêu” trong câu văn của Ta-go một cách rộng hơn, đầy đủ hơn. Đó là tình thương yêu giữa con người với con người, yêu thương bạn bè, yêu thương đồng bào, yêu thương đồng loại, trong đó có tình yêu lứa đôi.

Yêu là tên gọi khác của sự hiểu nhau

Tại sao Ta-go nói: "Yêu là tên gọi khác của sự hiểu nhau"? Không hiểu nhau thì sẽ trở thành người xa lạ, thậm chí có thể trở thành đối lập nhau, đối địch nhau. Hiểu nhau là sự cảm thông, hiểu được hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, sở thích của nhau. Nếu không hiểu nhau thì sẽ không có tình yêu, tình thương. Tâm đầu ý hợp sẽ tạo nên tình bạn tâm giao, tình vợ chồng son sắt, thủy chung.

Râu tôm nấu với ruột bầu,

Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.

(Ca dao)

Nghèo mà đầm ấm hạnh phúc vì vợ chồng "hiểu nhau".

Tại sao, thời ấu thơ cắp sách đến trường, trong hàng trăm hàng ngàn học sinh cùng trang lứa, lại có những đôi bạn rất thân nhau? Thật đơn giản vì họ hiểu nhau, quý nhau, thương nhau.

Trong tiếng Việt có những từ ngữ như bạn tri âm, bạn tri kỉ, bạn tâm giao, bạn kết nghĩa... nói lên thật rõ, thật đầy đủ của sự hiểu nhau trong tình bạn, trong yêu thương nhau.

Vở chèo Lưu Bình - Dương Lễ, đã nói lên thật cảm động về sự "hiểu nhau" đã làm nên một tình bạn thủy chung.

"Yêu là tên gọi khác của sự hiểu nhau", đó là một ý kiến sâu sắc, là bài học nhắc nhở ta biết sống và biết yêu. "Còn gì đẹp trên đời hơn thế? - Người yêu người, sống để yêu nhau" (Tố Hữu). Yêu không chỉ hiểu nhau mà còn phải tôn trọng nhau, quý trọng nhau thì tình yêu ấy mới bền đẹp.

Viết bình luận