Bình giảng bài ca dao Tát nước đầu đình

Tát nước đầu đình còn được nhiều người gọi là Bài ca xin áo. Đây là bài ca tỏ tình, là tiếng hát giao duyên của anh trai cày sau lũy tre xanh thuở nào. Trai gái làng quê xưa đã tình tự, đã giao duyên, đã hát ghẹo nhau nơi sân đình, nơi gốc đa, để rồi chín nhớ mười thương", để rồi "Yêu nhau cởi áo cho nhau - về nhà dối mẹ, qua cầu gió bay". Có ngàn vạn mối tình thì cũng có ngàn vạn cách tỏ tình "dịu ngọt":

Gặp đây Mận mới hỏi Đào,
Vườn Hồng đã có ai vào hay chưa?
Đôi ta được gặp nhau đây,
Khác gì chim phượng gặp cây ngô đồng.

Tát nước

Tình yêu làm cho trái tim biết hát, làm cho "con mắt có đuôi", để rồi cùng "xe chỉ luồn kim". Anh trai cày trong bài ca dao Tát nước đầu đình đã từ chuyện "hôm qua" mà nói chuyện "hôm nay" và chuyện trăm năm "sau này". Chuyện hôm qua là chuyện anh mải miết làm ăn mà đãng trí nên mới để..., thật chàng đáng trách mà lại rất dễ thương:

Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên cái ảo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin.:.

Cái cớ mà chàng trai cày bịa ra thật đậm đà, đáng yêu. Cô thôn nữ mà anh gặp "xin áo" hôm nay chính là người từng "để thương, để nhớ, để sầu" cho anh đã bao lâu rồi. Anh lấy cớ "mất áo" để bắt chuyện. Sen làm gì có cành, đó chỉ là một cách duyên cho đậm đà, cho tình tứ. Cô thôn nữ xinh giòn ấy đã bị buộc vào một cảnh ngộ "khó xử":

Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà.

Đã từ lâu lắm rồi, từ những ngày xửa ngày xưa, cái áo từng được trai gái yêu nhau dùng "để làm tin trong nhà", một chút kỉ vật của mối tình đầu dẹp:

Anh về để áo lại đây,
Đêm khuya em đắp, gió tây lạnh lùng.

hoặc:

Áo xông hương của chàng vắt mắc,
Đêm em nằm em đắp lấy hơi.

Chiếc áo đã trở thành "cái cầu" thương nhớ, giao duyên. Thật là hồn nhiên, tự nhiên: quên áo sau khi tát nước, chuyện mới xảy ra hôm qua ở đầu đình. Cô thôn nữ chắc là đã "Lặng nghe lời nói như ru - Chiều thu dễ khiến nét thu ngại ngùng" (Truyện Kiều). "Em được thì... Hay em để...", nhẹ nhàng thế thôi, dịu ngọt thế thôi, em bỏ đi sao đành? Ớ cái tuổi hoa, tuổi nụ, cô thôn nữ sao mà chẳng "xôn xao" trong lòng trước ánh mắt, tấm lòng đầy tin cậy của chàng trai? "Em" làm sao nỡ bỏ đi khi nghe "anh" thổ lộ gia cảnh: áo anh không rách, nó chỉ "sứt chỉ đường tà", nhưng "áo anh sứt chỉ đã lâu", bởi lẽ "vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu".

Không phải thổ lộ để cầu xin một chút thương hại. Anh đã gợi lên trong lòng thiếu nữ một tình thương. Cô xúc động khi nghe anh nói. Anh đang cận một người như cô để săn sóc mẹ già, cần một người đẹp đôi như "em" để xây dựng một tổ ấm gia đình. Chàng trai đã đến với thiếu nữ bằng tất cả tấm lòng tin yêu chân thành, chân thật, với tất cả nỗi lòng khao khát tình yêu hạnh phúc gia đình. Anh là một con người siêng năng chịu khó. Anh là một đứa con hiếu thảo! Anh là một trai tơ "vợ anh chưa có". Tiếng nói của anh, gia cảnh của anh "đánh thức" trong lòng thiếu nữ biết bao tình yêu thương "trong buổi mới lạ lùng" ấy. Và cô hiểu rằng, anh không thể thiếu cô trong cuộc đời và cô phải đến với anh bằng tất cả tấm lòng yêu thương.

Cái áo "sứt chỉ đường tà" đã đi trọn "một vòng đời" khi anh nhẹ nhàng, nửa kín nửa hở nói: "Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng". "Cô ấy" là cô nào, một cách nói bọng gió dễ nghe. Chữ "cùng" là cách nói "buông", nghĩa là cùng ăn, cùng ở, cùng nên vợ nên chồng. Anh đang chăn đơn gối chiếc, thiếu kẻ sửa túi nâng khăn. Anh còn mẹ già: "mẹ già bằng ba lần cửa", "Mẹ già như chuối ba hương - Như xôi nếp mật, như đường mía lau". Từ chỗ gọi bằng "em" khi xin áo, chàng trai cày đã chuyển sang nói bóng gió: "cô ấy" khi mượn khâu áo "sứt chỉ đường tà":

Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho.

Anh là một con người chu tất, trọn vẹn trong ứng xử. Anh sống nhân hậu, tình nghĩa thuỷ chung. Chàng trai nói về chuyện "trả công", nói về chuyện "giúp cho". Rất hậu hĩnh. Chỉ khâu cái áo sứt chỉ đường tà mà anh sẽ "giúp cho": "một thúng xôi vò", "một con lợn béo", "một vò rượu tăm". Cùng với lời nói, đến đây khóe mắt, đuôi mày, nụ cười, mái tóc... như đều biết thổ lộ tâm tình, đều cùng tham dự vào cuộc tỏ tình, giao duyên. Mỗi lúc một hé lộ, cánh cửa tâm tình mở rộng dần ra. Từ "một" đã thành "đôi" tự bao giờ rồi":

Giúp cho đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đáp, đôi trằm em đeo.

Bài ca dao - bức thông điệp cầu hôn - đã thấm sâu vào tâm hồn thiếu nữ khi bên tai nàng một tiếng nói chân tình ngân lên:

Giúp cho quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

Trả công khâu áo bằng một lễ cưới to tát, sang trọng, có cheo cưới đàng hoàng. Anh đã nói rất dễ thương một điều "rất khó nói" xưa nay. Anh trai cày đã đến với thiếu nữ bằng một nỗi ước mong chân thành. Các điệp ngữ: "giúp cho... giúp cho... giúp cho..." tạo nên một ngữ điệu nồng nàn, ý vị, thiết tha, biểu lộ một ước mơ tốt đẹp nên vợ nên chồng mà anh trai cày đang hướng tới.

Tát nước 2

Con chim khoe giọng hót - Hoa thì khoe sắc khoe hương. Anh thợ mộc Thanh Hoa khoe tài chạm trổ... "một đèn anh để đợi chờ nàng đây". Còn anh trai cày lại mượn chuyện bỏ quên cái áo "sứt chỉ đường tà".. Trai gái làng quê xưa đã tỏ tình, đã giao duyêa.. đậm đà như vậy. Lao động, hạnh phúc lứa đôi, cuộc sống êm ấm hạnh phúc "chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa"... là ước mong, khát vọng muôn đời của họ. "Bài ca xin áo" đâu chỉ là chuyện "Tơ tằm đã vấn thì vương - Đã trót dan díu thì thương nhau cùng", mà còn cho thấy: cheo cưới là thuần phong mĩ tục, là nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc. Chân thành, tế nhị... trong tỏ tình, ước mong nên vợ nên chồng của anh trai cày trong bài ca dao Tát nước đầu đình thật đáng yêu, đáng trân trọng.

Viết bình luận