Cảm nhận về bài ca dao sau: Cày đồng đang buổi ban trưa... Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần

Ca dao là khúc hát tâm tình của người dân quê Việt Nam lưu truyền qua năm tháng thời gian, lan tỏa theo hương lúa đồng nội quê hương. Ngọt ngào biết bao những vần thơ dân dã ấy đã thấm sâu vào tâm hồn thơ bé mỗi chúng ta qua điệu ru của mẹ, tiếng hát của bà. Chúng ta yêu vô cùng những bài ca dao nói về công việc nhà nông "hai sương một nắng", ca ngợi đức tính cần cù, lòng kiên nhẫn của người dân cày quê ta. Hình ảnh người nông dân cày ruộng sao mà đáng yêu thế:

Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Ai ơi, bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Cày đồng

Hai câu đầu miêu tả cảnh cày ruộng. Câu ca dao gợi lên trước mắt chúng ta hình ảnh người nông dân đang lội bùn, tay cầm cày, theo sau con trâu, dưới ánh nắng "ban trưa" chang chang mùa hạ. Người và con trâu phải làm việc vô cùng vất vả. Mồ hôi tuôn ra như mưa. Từ tượng thanh "thánh thót" gợi tả mồ hôi rợi xuống từng giọt... từng giọt liên tiếp, gieo vào không gian âm thanh "thánh thót". "Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày" là hình ảnh so sánh bằng phương pháp thậm xưng gợi tả công việc cày đồng vất vả, cực nhọc không thể nói hết. "Mưa" làm cho lúa xanh tươi, cũng như "mồ hôi" đổ xuống luồng cày làm cho đất đai thêm màu mỡ. Nghệ thuật so sánh "mồ hôi" với "mưa" thật là sáng tạo, làm cho người đọc, người nghe thấm thía, cảm thông với bao cực nhọc của nhà nông. Thật vậy, bà con dân cày đã để biết bao mồ hôi, công sức vào luống cày, sá bừa, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, để làm ra bông lúa, củ khoai nuôi sống xã hội. Vần ca dao đã vẽ lên một hình ảnh tuyệt đẹp về người nông dân trên cánh đồng quê hương. Đó là một con người khỏe mạnh dẻo dai, cần mẫn và chịu khó:

Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Hai tiếng cảm thán "ai ơi!" vang lên một cách tha thiết, đã tạo nên âm điệu êm ái, ngọt ngào. Nhà thơ dân gian nhắn gửi mọi người gần xa một ý nghĩ với bao tình cảm đẹp. Mỗi khi "bưng" bát cơm đầy chúng ta ghi nhớ công ơn khó nhọc của người nông dân đã cuốc bẫm cày sâu, sản xuất ra lúa gạo cho nhân dân no ấm. Câu ca sâu lắng, thấm thìa:

Ai ơi, bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Câu cuối bài ca dao được tạo nên bằng nghệ thuật tương phản đặc sắc. Câu tám chữ chia làm hai vế tiểu đối cân xứng: "Dẻo thơm một hạt // đắng cay muôn phần". Tính từ "dẻo thơm" đối chọi với tính từ "đắng cay", "một hạt" đối lập với "muôn phần", làm nổi bật sức lao động sáng tạo của nhà nông. Câu ca dao đã nâng nhận thức và cảm xúc cho mọi người về giá trị của bông lúa, hạt gạo, bát cơm dẻo thơm mà ta được hưởng thụ hàng ngày thật đáng quý vô ngần. Cho nên, nhân dân ta mới gọi hạt gạo là "hạt vàng", "hạt ngọc" với tất cả lòng tự hào, trân trọng. "Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no" (Nguyễn Duy).

Cũng như phần lớn ca dao, dân ca, bài "Cày đồng đang buổi ban trưa." được viết bằng thể thơ lục bát quen thuộc. Giọng thơ nhẹ nhàng thấm thìa. Ngôn từ chọn lựa tinh tế, vừa giàu sức biểu hiện vừa đậm đà sắc thái biểu cảm: thánh thót, dẻo thơm, đắng cay, bát cơm đầy,... Các biện pháp tu từ: ví von so sánh, tương phản đối lập được vận dụng sáng tạo, để viết nên những vần thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu.

Nước ta là một nước nông nghiệp, trên 80% dân số sống bằng nghề nồng. Người nông dân Việt Nam cần cù, chất phác, hiền lành, dũng cảm và giàu lòng yêu nước. Nhà nông quê ta tượng trưng cho sức sống bền vững của dân tộc qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Gặt lúa

Với đức tính cần mẫn, dẻo dai và sáng tạo, nhà nông đã làm nên những mùa vàng bát ngát, đem đến sự ấm no cho xã hội. Mọi gia đình có bát cơm dẻo thơm, đất nước có nhiều lương thực xuất khẩu là nhờ vào công sức nhà nông. Thời điểm chiến tranh, hạt gạo mang nặng tình hậu phương, ai mà quên được: "Hạt gạo làng ta - Gửi ra tiền tuyến - Gửi về phương xa - Em vui em hát - Hạt vàng làng ta" (Trần Đăng Khoa). Yêu kính và biết ơn nhà nông, mỗi một chúng ta khắc vào tâm hồn lời nhắn gọi thiết tha đã mấy ngàn năm vang lên sau lũy tre xanh:

Viết bình luận