Phân tích một số bài ca dao hay về tình yêu nam nữ và giao duyên trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có những bài ca dao trữ tình rất hay thuộc chủ đề tình yêu nam nữ, hôn nhân hay gia đình. Những vần ca dao này được truyền tụng trong dân gian đời này qua đời khác với nhiều mến chuộng.

Thời gian qua mau, hàng năm mọi người đều cảm thấy mình tăng thêm tuổi đời. Trai trưởng thành phải lo lấy vợ, gái thành niên phải nghĩ đến việc lấy chồng. Nhưng lấy ai và ai lấy vẫn là một vấn đề, Tuy rằng ngày xưa những hội hè đình đám không thiếu cơ hội cho những cuộc gặp gỡ trai gái vì cái khó vào thời đó là làm thế nào để tỏ tình, phải ăn nói làm sao để có thể phóng cho người mình mến chuộng cái tín hiệu giao duyên khởi đầu.
Tuy rằng trong thi ca cũng đôi lần có diễn tả:

Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

hoặc:

Đêm qua mận mới hỏi đào
Vườn xuân đã có ai vào hái hoa?

hay là:

Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.

Dân ca trên thuyền

Ngoài ra, còn có những câu ca dao rất hay, tuy mộc mạc nhưng vẫn đầy vẻ trữ tình bóng bẩy:

Đường xa thì thật là xa,
Mượn mình làm mối cho ta một người.
Một người mười tám đôi mươi,
Một người vừa đẹp vừa tươi... như mình.

Cái anh chàng này thật là dí dỏm. Khởi đầu còn dè dặt ấp úng mượn cớ đường xa và làm mối để sau đó vào ngay việc chính nói rõ ngay ước muốn của mình là có được một người yêu cỡ mười tám đôi mươi, vừa trẻ vừa tươi đẹp như cô gái mà chàng ta đang nói chuyện. Tuy không có vẻ tỏ tình nhưng thật sự chàng ta đã tỏ tình. Cô gái tất nhiên phải hiểu là chàng thật sự muốn tỏ tình với mình nhưng ngại ngùng nên nói vòng vo vì ngại gặp những lời cự nự nếu chẳng may bị từ chối. Trong mọi cuộc tỏ tình như đã nói ở trên đây, cái khó khăn nhất là lời nói đầu tiên. Khó lắm chàng mới được dịp trực tiếp gặp nàng. Với những dịp như thế, chàng phải tìm ngay ra một cớ nào đó để mở lời đầu tiên này. Trong bài ca dao "Tát nước đầu đình", tình yêu chân thật đã giúp chàng trai tìm ra một cớ, đó là xin lại chiếc áo bỏ quên. Nhờ cái áo mà chàng trai nói được lời khó khăn đầu tiên ấy.

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin.
Hay là em để làm tin trong nhà.
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ dã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh lại trả công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

Bài "Tát nước đầu đình" đã diễn tả cuộc giao duyên hồn nhiên chân thành nơi thôn dã, qua những lời lấp lửng tài hoa duyên dáng của những người sống nơi đồng nội. Tứ thơ lại đặc sắc tài tình với các mạch thơ đầy uyển chuyển bất ngờ. Bài "Tát nước đầu đình" tuy là một câu chuyện được tạo dựng nhưng vẫn đầy đủ dí dỏm ý vị và hấp dẫn.

Nhưng những cuộc giao duyên không phải khi nào cũng có kết cuộc tốt đẹp cả. Trong kho tàng văn học dân gian còn lắm ca dao trữ tình diễn tả tình yêu nam nữ mà trong đó những thương mến, nhớ nhung, than thở, oán trách đều tràn đầy thiết tha say đắm:

Anh đến tìm hoa, thì hoa đã nở,
Anh đến bến đò, thi đò đã sang sông.

Cô gái này đã mượn lời ca dao trên đây để biện minh việc nàng phải lấy chồng, không thể chờ đợi vì chàng trai quá chậm trễ.

Anh đến tìm hoa nhưng hoa đến ngày thì hoa phải nở. Anh đến bến đò nhưng đò đầy thì phải sang sông. Duyên em đen thì em phải lấy chồng! Biết anh khi nào đến mà đợi! Anh không thể chê trách nàng được. Nàng cũng không có gì phải nuối tiếc ân hận!

Bài Trèo lên cây bưởi hái hoa là lời thổ lộ về mối tình tan vờ, chuyện không thành:

Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay!

Ngày trước từng có yêu thầm, nhớ trộm chàng trai, nàng ngỏ lời trách móc:

Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?

Một mớ trầu cay chỉ đáng giá ba đồng, vả lại gia đình em đâu có đòi hỏi gì cho cam. Chỉ tại anh hay gia đình anh không đến hỏi, nên bây giờ em mới phải lâm vào cảnh đau khổ hiện tại.

Lời nói của nàng tuy nhẹ nhàng nhưng buồn thấm thía, chứa đựng bao tiếc nuối ngậm ngùi:

Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Để rồi như phẫn uất vì tình cảm dồn nén bấy lâu, nàng thổn thức nói những lời như trách móc:
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Hình ảnh "cá cắn câu" và "chim vào lồng" như diễn tả kiếp đọa đày hiện tại của cô gái, dẫu nay không có hạnh phúc cũng phải chung thủy với người chồng hiện tại. Lời than thảm thiết của cô gái khiến ai nghe được không khởi bàng hoàng xao xuyến.

Một câu ca dao khác diễn tả tâm sự một chàng trai nọ rời làng xóm mình ra đi để tạo điều kiện thực hiện mộng ước lứa đôi với người anh hằng ấp ủ thương yêu. Nhưng lúc anh thành đạt trở về làng cũ thì cảnh cũng như người đều đã đổi thay:

Ngày đi lúa chửa chia vè,
Ngày về lúa đã đỏ hoa đầy đồng.
Ngày đi em chửa có chồng,
Ngày về em đã tay bồng tay mang.

Thật là phũ phàng khi gặp lại nàng, nàng chẳng nhừng đã có chồng mà đã trở thành một thiếu phụ hai con với nhan sắc tàn phai tiều tụy, khiến nỗi buồn thất vọng của chàng trai càng não nề khôn tả, và người thiếu phụ cũng không khỏi chạnh lòng than thở:

Tay lau nước mắt ướt nhèm,
Tại anh chậm bước nên em... có chồng.

Giao duyên người Nùng

Những bài ca dao trên đây nói về những cuộc giao duyên, dầu có được thể hiện dưới nhiều tình huống tâm trạng có khác nhau đi nữa, nhưng cũng đều tuyệt vời diễn tả nỗi khát vọng tình yêu lứa đôi với những lời tỏ tình có khi xa xôi bóng bẩy, lâp lửng, có khi mộc mạc bộc trực hoặc những thở than oán trách. Đó chính là cái hay, cái đẹp trong ca dao về tình yêu nam nữ và giao duyên trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.

Viết bình luận