Chứng minh tính nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Nền văn học Việt Nam sau năm 1945 không chỉ giàu tính chiến đấu mà còn giàu tính nhân đạo. Hai tính chất này không tách rời nhau bởi vì cuộc chiến đấu của dân tộc hơn ba trăm năm nhằm mục đích khẳng định con người, mặt khác, muốn bảo vệ, thương yêu con người, người ta phải dấn thân vào chiến đấu. “Vợ nhặt” được hoàn thành vào thời gian sau năm 1955 dựa trên một bản thảo cũ viết ngay sau Cách mạng tháng Tám bị thất lạc. Khoảng cách mười năm đó đã giúp tác giả thể nghiệm sâu sắc tư tưởng của tác phẩm, làm cho nó trở thành một tác phẩm mang những giá trị nhân đạo hết sức sâu sắc và phong phú.
Bước vào câu chuyện, người đọc đã cảm thấy bất ngờ bởi chính cái nhan đề “Vợ nhặt”. Tại sao không phải là nhan đề gì khác? Chính cái nhan đề đó đã gây ấn tượng đầu tiên và gợi ra một hoàn cảnh bi thảm của người phụ nữ...
Truyện ngắn “Vợ nhặt”, sau khi độc qua một lần, người đọc có lẽ sẽ cảm thấy tình huống truyện khá lạ. Truyện kể về nhân vật Tràng, một con người nghèo khổ, xấu xí lại còn là dân ngụ cư. Giữa lúc thiên hạ đói khát lại có vợ. Và việc một người như Tràng có vợ giữa lúc thế thời khắc nghiệt đó đã gây ra một sự ngạc nhiên cho mọi người, cho mẹ Tràng và ngay chính cả bản thân Tràng.
Truyện được đặt trong bối cảnh là vào nạn đói ở miền Bắc năm 1945, một nạn đói thảm khốc được hiện lên qua hàng loạt hình ảnh, đó là những đứa trẻ vốn chỉ biết vui chơi, nô đùa nay ngồi ũ rũ nơi xó tường. Người lớn vốn khỏe mạnh nhanh nhẹn nay da dẻ xanh xám với những bước đi dật dờ như những bóng ma. Nơi nơi người chết như ngả rạ nằm ngổn ngang giữa lều chợ không kịp chôn. Cái đói, cái khắc nghiệt đã thấm vào cả cảnh vật, đó là con đường khẳng khiu bé nhỏ, những ngôi nhà lúp xúp xiêu vẹo, rồi màu đen của màn đêm tăm tối, màu xanh xám của xác người chết và da người sống. Chốc chốc trong không khí lại vang lên những tiếng khóc vì người chết, tiếng lũ quạ kêu và cả mùi ẩm thối của rác rưởi, mùi gây của xác người. Khung cảnh đó đã tái hiện chân thực một bức tranh ảm đạm thê lương của xóm ngụ cư trong nạn đói.
Không chỉ dừng lại ở đó, nạn đói kia còn có thể khiến người con gái trong truyện vốn dĩ hiền hậu, rón rén, e thẹn trở nên ăn nói chua ngoa, chỏng lỏng, liều lĩnh. Quả thật trong nạn đói đó, không ai tin là mình có thể sống sót qua được cả. Giữa lúc đó, Tràng lại nhận cô gái kia làm vợ, cưu mang cô rồi đưa cô về nhà. Người ta thường nói cái đói làm con người ta mất giá, một cô gái phải theo không một người đàn ông không quen biết chỉ vì bốn cái bánh đúc. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, với tấm lòng nhân hậu, nhà văn nhìn thấy khát vọng được sống tha thiết của cô gái, và ông cũng cảm thông niềm khát khao được có vợ của Tràng. Anh chàng liều lĩnh tặc lưỡi: Kệ, cứ đón cô ta về đã.
Tràng đưa cô gái về nhà, mọi người trong xóm thấy vậy thì đều lạ lắm. Họ đứng cả nhìn ra và bàn tán. Có người thì chợt rạng rỡ nhưng cũng có người thở dài: “biết có nuôi nổi nhau sống qua cái thì này không?”. Và họ cùng nín lặng. Hai người dìu dắt nhau về nhà, có lẽ Tràng là người vui vẻ nhất, khi thì phởn phơ, khi thì tủm tỉm, khi thì bật cười chứng tỏ anh chàng đang rất hạnh phúc. Đi cạnh cô gái gầy gò cơ xác, anh không hề coi thường cô gái đã theo không mình vì bát bánh đúc. Anh cũng không hề có cảm giác lên mặt khi trong túi đang rích bố cu mà ngược lại, anh còn cảm thấy nhờ có cô mà anh đã quên hết cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe doạ... Bởi Tràng đã nhìn thấy ở cô gái một nguồn ấm áp, tươi sáng tỏa rạng đời mình. Còn cô gái, cô cũng không hề có chút mặc cảm nào về thân phận bị nhặt của mình. Trên con đường về, khi thì cô giễu anh, khi thì cô mắng anh khỉ gió, rồi lại đánh đét vào lưng anh và khoặm mặt lại với anh. Cô vẫn cảm thấy bản thân tự hào như bất cứ cô gái nào, họ đã thực sự hướng về nhau, quý mến nhau như một đôi tình nhân khi bắt đầu làm quen.
Thật thú vị khi tác giả đã để hai con người đó đi về trước sự chứng kiến của dân làng. Hình ảnh đó cho thấy sự thách thức quyết liệt của khát vọng sống còn và khát vọng hạnh phúc trước mọi sự tuyệt vọng và tê liệt vì nạn đói. Ở đoạn này, tác giả đã khẳng định sự sống và ý chí sống còn của con người, trân trọng và yêu mến hành động của họ.
Nhưng giá trị nhân đạo của tác phẩm không chỉ có thế. Qua chi tiết đôi vợ chồng mới ra mắt người mẹ già và sau một đêm thành vợ chồng, nhà văn còn khẳng định một điều, tình yêu của cuộc sống sẽ thắng được chết chóc, cuộc sống sẽ thay đổi...
Trước nạn đói khủng khiếp kia, bà mẹ cũng thất vọng và hoài nghi như bao người: “biết có nuôi nhau qua được cơn đói khát này không?” rồi bà thở dài. Người mẹ đó đã sống một đời trong sự nghèo khổ. Người mẹ bao giờ cũng là người hiểu con mình nhất, như nhà thơ người Nga Êxinhin đã viết:
“Ánh sáng diệu kỳ vào lúc hoàng hôn
Xin cứ tỏa trên mái nhà của mẹ”.
Thế nhưng lúc đầu khi nhìn thấy người đàn bà lạ trong ngôi nhà của mình, bà đã không hiểu gì cả. Bà ngỡ ngàng phân vân với nhiều câu hỏi “sao có người đàn bà nào ở đây nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Ai thế nhỉ? Bà đưa tay dụi mắt rồi quay lai nhìn con tỏ ý không hiểu. Rõ ràng nạn đói ác nghiệt đã khiến người mẹ quên đi sự linh cảm, thấu hiểu con của một người mẹ. Trong nạn đói, tính mạng bị đe dọa, con người hầu như mất hết tình cảm lí trí. Và khi bà đã hiểu ra, cảm tính của một người mẹ trong người bà trỗi dậy. Bà thương con, ai oán xót xa cho con mình, cho cả bản thân mình. Bà nhận ra trong việc này con mình là người may mắn nhất: người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Theo lẽ thường khi con người ta lấy vợ phải làm lễ cúng bái tổ tiên, làm dăm ba mâm rượu đãi họ hàng làng xóm nhưng trong hoàn cảnh thế kia, làm sao có khả năng đấy. Bà chợt cảm thấy tủi thân cho nàng dâu mới, rồi bà lại thương quý cô gái chịu phận “vợ nhặt” kia. Bà thương nàng dâu tội nghiệp, hướng mọi tình cảm của mình về phía nàng dâu. Trong đêm đen xám xịt của nạn đói, vẻ đẹp tâm hồn của hai mẹ con là hai đốm sáng lung linh, đã thể hiện một vẻ đẹp nhân đạo cao quý của con người Việt Nam.
Sau một đêm dài tăm tối, hai con người đã nên vợ nên chồng bắt đầu một cuộc sống mới. Tuy vẫn trong cơn đói khát nhưng mọi vật dường như đã được tiếp thêm một luồng sinh khí mới. Ngôi nhà sạch sẽ, gọn gàng, ang nước đầy ắp, người vợ trẻ hiền hậu đảm đang còn Tràng thì chợt cảm thấy thương yêu gắn bó với ngôi nhà của hắn lạ lùng. Hắn chợt thấy hắn nên người, hắn thấy hắn phải có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này. Một niềm tin vào tương lai đã gieo rắc vào trong lòng mỗi người. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp nhà cửa cho quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn. Chưa bao giờ trong nhà mà mẹ con lại đầm ấm hòa hợp đến thế. Nhưng bữa cháo, bữa rau và nhất là nồi chè cám đắng ngắt đã đưa họ trở về với thực tại. Chỉ có lòng yêu thương, hi vọng thì không thể nào giúp họ vượt qua cơn đói khổ này. Họ phải làm gì?
Hình ảnh và tin đồn về Việt Minh phá kho thóc xuất hiện, và muốn họ phải hành động, hành động bằng chính sức lực của mình, hình ảnh Việt Minh, đoàn người đã vượt qua sự mặc cảm đói nghèo, tủi hờn để khẳng định sự sống. Khác với các tác phẩm văn học hiện thực phê phán trước đó, tác giả đã mở cho họ một con đường sống nhưng ông đã không dễ dãi trong việc miêu tả gia đình Tràng tham gia cách mạng, nhưng logic cuộc sống sẽ cho thấy họ không còn con đường nào khác.
Tóm lại, “Vợ nhặt” đã thể hiện lòng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của những người nghèo đói, giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn khốn cùng. Với tình huống truyện đặc sắc, giọng văn mộc mạc giản dị, giàu sức gợi cảm. Qua tác phẩm “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã bộc lộ được giá trị nhân đạo của tác phẩm và nêu bật được bản chất của cuộc sống: Sự sống sẽ chiến thắng cái chết, cái tàn bạo. Trong cái chết, sự sống vẫn nảy mầm; trong nghèo đói, hạnh phúc vẫn vươn lên; trong bế tắc, tương lai vẫn mở hướng.
Viết bình luận