Hình tượng người phụ nữ gợi cho em nhiều suy nghĩ nhất trong các tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)

Thơ văn Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX đã tô đậm hình tượng người phụ nữ trong quan hệ gia đình và xã hội, trong cuộc sống đời thường, trong sản xuất và chiến đấu.

Hầu như nhà văn nào, nhà thơ nào cũng để lại một vài trang, một vài tác phẩm thật hay, thật cảm động nói về người đàn bà đôn hậu, người mẹ hiền thảo, người chị, người em đẹp nết đẹp người... trong mỗi gia đình chúng ta.

Đặc biệt hình tượng người phụ nữ trong các truyện Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu),... đã để lại cho chúng ta bao ấn tượng và suy nghĩ.

Vợ nhặt (Kim Lân)

Sống trong xã hội cũ, người phụ nữ bị áp bức nặng nề, triền miên trong đau khổ. Trận đói năm Ất Dậu, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Đọc truyện Vợ nhặt của Kim Lân, lòng chúng ta quặn đau tê tái trước cảnh đám người chạy đói "xanh xám như những bóng ma”, sáng nào cũng có "ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường". Trong cái đám con gái "ngồi vêu ra" xung quanh nhà kho có "thị". Cái đói đã cướp đi hầu như tất cả của người con gái này: họ tên không, tuổi tác không, gia đình, cha mẹ, anh chị em, quê quán cũng không. Mặt lưỡi cày, áo quần rách như tổ đỉa, chỉ còn nhìn thấy hai con mắt. Đói quá, "thị" mất hết cả duyên dáng, ý tứ, giữ gìn. Chỉ mới nghe Tràng nói "rích bố cu" và vỗ vào hầu bao thế là "thị" cúi đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc. Đứng trước vực thẳm cuộc đời, "thị" đã theo Tràng về làm dâu bà cụ Tứ. Cái buổi chập choạng hôm đó, trong túp lều tồi tàn, đứng trước người mẹ chồng, hình ảnh "thị" thật đáng thương: "cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt". Bà cụ Tứ, người mẹ già nghèo khổ ứa nước mắt ra. Bà nhớ ông lão, nhớ đứa con gái đã mất, thương Tràng, thương mình cơ cực, thương người đàn bà xa lạ. "Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...", câu nói ấy của bà cụ Tứ là cả một tấm lòng bao la trước cảnh cơ hàn, tai hoạ, để lại cho ta nhiều suy nghĩ, nhiều ám ảnh.

Đọc truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, tôi thương Mị, cô gái Hmông ấy vô cùng. Người con gái đáng thương này xinh đẹp, thổi sáo hay, có bao chàng trai mê, nhưng sớm nếm trải nhiều bất hạnh. Mồ côi mẹ; món nợ truyền kiếp của nhà thống lí như một sợi dây oan nghiệt siết chặt lấy cổ Mị. Rồi Mị bị thằng A Sử đánh lừa bắt về cúng trình ma, cô trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí. Đêm nào Mị cũng khóc, cô muốn ăn lá ngón tự tử để thoát nợ đời. Mị thương cha già; Mị chết mà món nợ vẫn còn, ai cuốc nương làm ngô trả nợ cho bố.

Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)

Mị thương bố, Mị chấp nhận cuộc đời khổ nhục con trâu, con ngựa trong nhà thống lí. Hình ảnh Mị "cúi mặt, mặt buồn rười rượi" ngồi quay sợi bên tảng đá, hình ảnh Mị bị thằng A Sử trói đứng vào cột bằng một thúng sợi đay "đau nhức", suốt đêm lúc mê lúc tỉnh, lúc khóc, lúc bồi hồi tha thiết như đã nói lên bao đau khổ mà người phụ nữ bất hạnh phải nếm trải trong cuộc đời. Cuộc đời Mị thấm đầy nước mắt và máu. Trang văn của Tô Hoài làm ta thương xót nghẹn ngào.

Truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu đã đưa chúng ta đến gặp và thương người đàn bà thuyền chài rỗ mặt, thô kệch, có một sắp con. Nhà nghèo, thuyền chật đã khổ, lại khổ hơn vì bị người chồng vũ phu độc dữ hành hạ: "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng". Thế nhưng chị ta vẫn nhẫn nhục chịu đựng, vẫn tha thiết kêu van: "Quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó". Người đàn bà thuyền chài cho ta biết bao sự thực éo le ở đời, đó là thân phận người đàn bà: "Ông trời sinh ra người đàn bà là để để con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn, cho nên phải gánh lấy cái khổ". Câu nói ấy đã cho ta thấm hiểu thêm tình thương và đức hi sinh to lớn của những người vợ, người mẹ trong cuộc đời, để ta cảm thông, để ta biết ơn và kính trọng.

Những người phụ nữ như Mị, như "thị", như người đàn bà làng chài, như cô Hiền,... có biết bao phẩm chất tốt đẹp. Mị thương cha, thương mình bao nhiêu lại thương người bấy nhiêu. Cái đêm hôm ấy đêm gì..., khi ngồi sưởi bên bếp lửa, Mị liếc mắt nhìn sang thấy "một dòng nước mắt" lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ đang bị thống lí Pá Tra trói bằng hai cuộn dây mây vì tội để hổ bắt mất một con bò. Mị căm thù cha con thống lí: "Chúng nó thật độc ác". Mị thương người đàn bà bị trói chết trong cái nhà này! Lòng Mị xót xa: "Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết". Nhiều người ca ngợi Mị có sức sống tiềm tàng. Nhưng cao đẹp hơn nữa là Mị đã dũng cảm dùng dao nhỏ cắt dây trói cứu A Phủ và cũng là để tự cứu mình. Tình thương đã cho Mị sức mạnh để tự giải phóng, để giành lấy tự do và hạnh phúc. Mị và A Phủ đã dìu nhau chạy trốn khỏi Hông Ngài, Mị và A Phủ đã tìm đến Phiềng Sa, họ nên vợ nên chồng, họ có mái ấm gia đình hạnh phúc, họ trở thành chiến sĩ du kích. Đọc truyện "Vợ chồng A Phủ", tôi vừa thương Mị, vừa cảm phục Mị nhiều lắm.

Người đàn bà làng chài thô kệch, rỗ mặt giàu lòng thương con, chị ta cho biết "vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con... được ăn no...", vợ chồng, con cái "sống hoà thuận vui vẻ". Bà cụ Tứ chỉ có bát cháo cám đắng chát đón mừng nàng dâu mới mà nói toàn chuyện vui, chuyện sau này... Còn người vợ mà Tràng "nhặt” được đã nói lên một sự thật ở đời: dù kề bên cái chết vẫn dào dạt tình thương, vẫn khao khát một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Một người Hà Nội (Nguyễn Khải)

Đọc truyện Một người Hà Nội, nhân vật cô Hiền là hiện thân cho bao phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, người phụ nữ Thủ đô. Cô Hiền xuất thân từ một gia đình giàu có, xinh đẹp, thông minh, gần ba mươi tuổi cô mới lấy chồng. Chồng cô là một ông giáo tiểu học hiền lành. Cô Hiền có "gương mặt đặc biệt tư sản","một cách sống rất tư sản", nhưng cô không bóc lột ai. Cô là "nội tướng" trong gia đình, đã cùng chồng nuôi dạy năm đứa con trưởng thành. Là người mẹ, cô Hiền dạy các con "biết tự trọng, biết xấu hổ" cả trong ăn mặc, nói năng, ứng xử. Cô là một phụ nữ rất có ý thức về mình. Cô nói với người cháu: "Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ". Ngày thường, cô Hiền và các bạn cô có thể sống giản dị, mặc áo bông ngắn, quần thâm, đi dép hoặc đi guốc,... nhưng lúc tiếp khách, lúc dự tiệc thì "lược giắt trâm cài, hoa hột lấp lánh" như diễn viên trên sân khấu. Phong cách sống, quan niệm sống của cô Hiền rất chuẩn mực, rất đẹp. Cô đã nói với người cháu: "Xã hội nào cũng phải có một giai tầng thượng lưu của nó để làm chuẩn mực cho mọi giá trị". Phải chăng mọi giá trị mà cô Hiền nói đến là mọi tinh hoa tốt đẹp của văn hoá dân tộc ta, của sự thanh lịch người Hà Nội. Cô Hiền là hình ảnh người phụ nữ mang ý thức công dân rất cao. Vợ chồng cô không ra trận đánh giặc được thì đã có con trai vào Nam chiến đấu. Cô đã nói rõ lòng người mẹ trong thời loạn: "Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng". Khi đứa con thứ hai tình nguyện ra trận, cô nói với người cháu: "Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó". Sôdng giữa thời chiến tranh, tâm thế của cô Hiền rất đẹp, rất đàng hoàng: "Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thi có hay hớm gì".

Cách sống, cách ứng xử của cô Hiền thật đẹp. Nhiều nữ sinh khi học truyện Một người Hà Nội cảm thấy thú vị, muốn tôn thờ nhân vật cô Hiền. Cô Hiền là một trong những hình ảnh tốt đẹp về người phụ nữ Hà Nội, người phụ nữ Việt Nam mà chúng ta cảm thấy gần gũi, thân thương.

Nhắc đến người phụ nữ, chúng ta hãy cúi đầu nghiêng mình trước hương hồn chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu,... Chúng ta tự hào về bà mẹ Suốt, về những cô gái thanh niên xung phong, những cô gái Đồng Lộc,... những tấm gương "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của nhân dân ta thời chống Mĩ.

Trở lại bốn truyện ngắn trên đây, ta thấy các tác giả khắc hoạ hình ảnh người phụ nữ một cách chân thực, cảm động, tạo nên tinh thần nhân đạo và tính nhân văn sâu sắc.

Người phụ nữ Việt Nam trong cuộc đời, trên trang văn là biểu tượng cho mọi đức tính quý báu của con người Việt Nam. Người phụ nữ đã trở thành câu ca tiếng hát. Người chị, người vợ, người mẹ là cái nôi của cuộc sống và tình thương để chúng ta mang nặng ơn sâu và mãi mãi tự hào.

Viết bình luận