Nêu cảm nhận của em về bài Tư duy hệ thống - Nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy của Phan Đình Diệu
Tư duy hệ thống - nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy của Phan Đình Diệu là một bài bàn luận về một vấn đề triết học, thật không dễ đối với số đông độc giả, nhưng khá thú vị. Có khá nhiều khái niệm mới, nhiều kiến thức rất mới, đặc biệt có một số câu văn dài, rất dài, dài đến 200 chữ (câu văn trong mục 2). Phải đọc thật nhiều lần may ra mới có thể lĩnh hội được một phần nào những kiến giải, lí giải về khái niệm tư duy hệ thống mà tác giả nêu lên và luận bàn.
1. Bước sang thiên niên kỉ mới, từ những hiểu biết mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau dần dần đã hình thành một quan điểm mới, một tư duy mới về thiên nhiên cũng như về xã hội. Tư duy mới đó được gọi là tư duy hệ thống.
Tiếp thụ và kế thừa những thành tựu, những tinh hoa của các dòng tư duy truyền thống (trong các thế kỉ trước, nhất là trong thế kỉ XX), tư duy hệ thống mở ra một cách nhìn mới, một cách hiểu mới, nêu lên cách xử lí mới về các vấn đề phức tạp của thiên nhiên và cuộc sống.
2. Vậy, những ý tưởng chủ đạo trong tư duy hệ thống là gì?
- Nhìn nhận vũ trụ như một toàn thể thống nhất không thể tách rời, trong đó tất cả các đơn vị cấu thành và các hiện tượng cơ bản sinh ra từ chúng đều tác động qua lại với nhau, chúng không thể được hiểu như những đơn vị độc lập mà là những phần liên thuộc hữu cơ với nhau của cái toàn thể.
- Các tính chất và hoạt động những thành phần riêng lẻ không quyết định tính chất và hoạt động của cái toàn thể, mà ngược lại, chính cái toàn thể xác định tính chất và hoạt động của những riêng lẻ.
- Toàn thể không phải là một tổng gộp của các thành phần riêng lẻ, rời rạc mà là một chỉnh thể thống nhất gồm các thành phần tương tác với nhau, chính qua các tương tác hữu cơ đó mà toàn thể có những thuộc tính hợp trội, đó là những thuộc tính của toàn thể mà từng thành phần không thể có.
Tác giả đã đưa ra hai ví dụ để minh hoạ, để làm sáng tỏ các luận điểm trên: Độc lập, thống nhất... là những thuộc tính hợp trội của một đất nước trong toàn thể, chứ không thể là của một bộ phận nào trong đất nước đó; dân chủ, bình đẳng... là thuộc tính của một xã hội, chứ không phải là thuộc tính của từng con người riêng lẻ trong xã hội đó.
Ta có thể lạm bàn. Một dòng sông gồm có thượng nguồn, trung lưu, hạ lưu, cửa sông, lưu vực, lưu lượng, thác, ghềnh, vách núi, dòng chảy... hợp thành. Sự hùng vĩ và lợi ích của dòng sông là những thuộc tính hợp trội của miền địa lí, một vùng đất (của một quốc gia hay nhiều quốc gia), của tự nhiên, chứ không phải, không thể là của một bộ phận nào trong dòng sông đó.
Một gia đình văn hoá mới là tổng hợp các thành viên như ông bà, cha mẹ, con cháu, anh chị em trong gia đình xây dựng nên, chứ không phải chỉ do một thành viên nào tạo ra truyền thống đó.
Từ những nội dung trên đây về tư duy hệ thống, người ta có thể rút ra các hệ quả sau:
- Hai cái một riêng lẻ đứng cạnh nhau chưa phải là cái hai; cái toàn thể bao giờ cũng lớn hơn tổng gộp của các thành phần.
- Các thành phần tham gia vào, tương tác vào mà góp phần tạo nên những tính chất hợp trội của hệ thống.
- Tính chất hợp trội của hệ thống làm tăng thêm phẩm chất của những thành phần.
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Có thể nói: “hòn núi cao” là tính chất hợp trội của hệ thống “ba cây”. Và tính chất hợp trội “hòn núi cao” đã làm tăng thêm phẩm chất của mỗi cây trong ba cây sau khi đã chụm lại.
3. Ở mục 3, Phan Đình Diệu đã nêu lên và giải thích một cách ngắn gọn và tường minh 3 vấn đề sau:
- Thế nào là tư duy cơ giới? Tác dụng to lớn của nó như thế nào?
- Tại sao tư duy hệ thống ra đời?
- Tại sao cần có một sự công bằng tỉnh táo đối với tư duy cơ giới?
a. Tư duy cơ giới
- Tư duy cơ giới bắt nguồn từ nền văn minh Hi Lạp cổ đại, và được phát triển mạnh mẽ từ thế kỉ XVII sau những phát minh vĩ đại của các nhà bác học lớn như Ga-li-lê (nước Ý), Niu-tơn (nhà toán học và triết học nước Anh),... sáng lập nên các khoa học về chuyển động và hấp dẫn, mở đầu một thời đại mới của khoa học hiện đại.
- Phương pháp khoa học chủ yếu của tư duy cơ giới là quan sát, suy luận logic và thực nghiệm về các ngành khoa học tự nhiên, rồi tiếp theo đó là khoa học về sự sống và các khoa học về kinh tế, xã hội; nó đã làm phong phú thêm kho tàng tri thức của nhân loại.
- Với quan điểm phân tích, tư duy cơ giới đã chỉ rõ: muốn hiểu toàn thể thì phải hiểu chi tiết từng thành phần; nó đã hướng khoa học đi sâu vào các thành phần chi tiết của các hệ thống vật chất, các quan hệ bộ phận của các thành phần trong các quan hệ kinh tế, xã hội.
- Tư duy cơ giới sử dụng rộng rãi lô-gích hình thức, và tất định luận trong các quan hệ nhân - quả giữa các hiện tượng, các phương pháp toán học định lượng với các mô hình quan hệ tuyến tính.
- Việc sử dụng các phương pháp trên đây, tư duy cơ giới đã giúp khoa học và công nghệ đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Thật vậy, sáng tạo nên một giống lúa mới, chữa trị một căn bệnh cho người và súc vật, bình giảng một bài văn, bài thơ, giải quyết một hiện tượng trong đời sống xã hội, các phát minh của nhiều nhà khoa học được giải Nô-ben trước đây,... đều đã và phải sử đụng tư duy cơ giới.
Tư duy cơ giới đã thúc đẩy và phát triển văn minh nhân loại.
b. Tại sao lại có và cần có tư duy hệ thống?
- Bước sang thế kỉ XX, nhất là khi đứng trước ngưỡng cửa của thiên niên kỉ mới, con người cần nhận thức sâu sắc hơn các đối tượng phức tạp trong thực tế như cấu trúc vật chất ở mức dưới nguyên tử, sự hình thành và phát triển của vũ trụ, sự trồi sụt thất thường của các thị trường tài chính, v.v... Trước những vấn đề nóng bỏng do khoa học và cuộc sống đặt ra như vũ trụ từ đâu ra, sự sống từ đâu đến, con người với trí tuệ, tâm linh, xuất phát từ đâu..., hoặc toàn cầu hoá, kinh tế thị trường, v.v... đòi hỏi phải có tư duy mới, cách xử lí mới. Nhiều người nói đến sự hất lực, sự cáo chung của tư duy cơ giới? Ta hãy xem kiến giải của Phan Đình Diệu như thế nào? Tác giả chỉ rõ:
- Trong khoa học, để mở đường cho đổi mới tư duy, cho việc bắt đầu một hành trình thám hiểm mới “cần có những đôi mắt mới”: “Cũng là những vùng đất cũ, cũng là thiên nhiên và cuộc sống ấy, nhưng cần được thám hiểm mới hằng những đôi mắt mới của tư duy và trí tuệ con người”. Đây là một ý kiến đúng và tiến bộ. Không thể bảo thủ, trì trệ, “không thể ngủ yên trên giường chật”! Cuộc sống vận động không ngừng, khoa học phát triển không ngừng, cho nên phải đổi mới tư duy.
- Tư duy hệ thống “đòi hỏi từ bỏ là từ bỏ cái địa vị độc tôn duy nhất của tư duy cơ giới chứ không phải gạt bỏ hoàn toàn khả năng sử dụng cách tư duy đó trong những phạm vi mà nó còn được chứng tỏ là thích hợp và cần thiết”. Đây cũng là một ý kiến đúng, “một sự công bằng tỉnh táo” nêu lên quan điểm kế thừa và kế thừa có chọn lọc tư duy cơ giới trong xã hội và trong khoa học.
- Chân lí luôn luôn được điều chỉnh. Mâu thuẫn trong cuộc sống luôn nảy sinh, vì thế “từ bỏ vai trò độc tôn của tư duy cơ giới sẽ cho phép ta không đồng nhất bất kì một lí thuyết "khoa học" nào với chân lí; và bất kì một lí thuyết nào cũng có thể bị bác bỏ hoặc sửa đổi mỗi khi gặp mâu thuẫn với thực tế".
Thật vậy, cái hôm qua đúng nhưng hôm nay có thể trở nên lỗi thời. Ví dụ, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã thay thế cơ chế bao cấp quan liêu trước đây. Sự phán xét của thời gian và lịch sử rất nghiêm khắc và công bằng bởi lẽ chân lí khoa học là chân lí cuộc sống, cho nên "bất kì một lí thuyết nào cũng có thể bị bác bỏ hoặc sửa đổi mỗi khi gặp mâu thuẫn với thực tế".
Phần thứ ba này, qua những biện luận sắc sảo, biện chứng của tác giả về tư duy hệ thống, điều thấm thía nhất đối với chúng ta là bài học về cách nhìn mới bằng đôi mắt mới, bài học về kế thừa có chọn lọc, bài học phải trả giá nặng nề về sự thần thánh hoá, sự bảo thủ, trì trệ trong nhận thức.
4. Phần thứ tư, tác giả luận giải về đối tượng chính của khoa học hệ thống.
- Đó là hệ thống phức tạp gồm nhiều thành phần tương tác với nhau, nhiều quan hệ là phi tuyến, có nhiều vòng phản hồi, cả phản hồi âm và phản hồi dương.
- Tính trật tự và tổ chức là những thuộc tính cơ bản của các hệ thống. Do các quan hệ phi tuyến mà một mô hình tất định cũng có thể xảy ra hỗn độn bất thường, có thể có khả năng tự tổ chức để chuyển sang một trật tự mới có tính tổ chức cao hơn. "Điều đó cho ta một chìa khoá để tìm hiểu bản chất của các quá trình tiến hoá trong tự nhiên và xã hội".
- Các thành phần tham gia hệ thống cần có khả năng thích nghi, cạnh tranh sinh tồn, phải hợp tác để cùng tồn tại và tiến hoá.
Các khái niệm, các danh từ khoa học, triết học mà Phan Đình Diệu nêu lên quả là quá khó đối với số đông chúng ta. Các ý tưởng như sự hỗn độn của hệ thống, tính trật tự và tổ chức của các thành phần tương tác trong hệ thống, khả năng thích nghi, khả năng hợp tác để cùng tồn tại và cùng tiến hoá là những kiến thức mà chúng ta có thể cảm nhận. Những kiến thức trên đây có thể giúp chúng ta lí giải và soi sáng các hiện tượng đã và đang xảy ra trên đất nước ta trong thời đổi mới.
- Tiền đồ và tác dụng của khoa học hệ thống như thế nào? Tuy nó còn ở trong giai đoạn đầu của sự phát triển, nhưng tác giả cho biết: "Nhiều nhà khoa học xem rằng thế kỉ XXI sẽ là thế kỉ khoa học về sự phức tạp và khoa học mới đó sẽ cung cấp cho con người nhiều hiểu biết mới sâu sắc hơn về tự nhiên và cuộc sống". Đây là một dự báo lạc quan.
5. Phần thứ năm, tác giả nói đến vai trò của nghệ thuật trong việc nhận thức bằng khoa học, sự hỗ trợ của nghệ thuật để đổi mới tư duy.
- Với tư duy hệ thống, "phải trên cơ sở của khoa học hiện đại mà tiếp thu những quan điểm về nhận thức của các triết thuyết truyền thống, kết hợp các tri thức khoa học với các tri thức thu được bằng trực cảm, kinh nghiệm; kết hợp các khả năng lập luận khoa học và cảm thụ nghệ thuật...".
- Tư duy hệ thống và nhà khoa học hiện đại cần thơ mộng, tưởng tượng. Phan Đình Diệu bất ngờ viết nên những dòng, những câu bay bổng đầy chất thơ:
"Càng nhiều tri thức thì càng có thêm trí tưởng tượng, và ngược lại, càng giàu tưởng tượng thơ mộng thì sẽ nảy sinh nhiều ý tưởng bất ngờ cho sáng tạo khoa học".
- Cuối văn bản,tác giả tha thiết kêu gọi và cầu chúc: "Bước vào thiên niên kỉ mới, mỗi chúng ta cần đổi mới tư duy", để... "biến Trái Đất - Tổ quốc chung của chúng ta thành nơi phát triển hài hoà cho mỗi cá nhân được tự do phát huy mọi thiên hướng và tài năng của mình".
Phan Đình Diệu đã cung cấp cho chúng ta bao nhiêu kiến thức về tư duy hệ thống, nêu lên cho chúng ta bài học về đổi mới tư duy.
Phải đọc thật kĩ, đọc nhiều lần, tuổi trẻ chúng ta, sẽ thấy mình "lớn lên" cùng những kiến thức, những vấn đề mà tác giả đã nêu lên, đã luận giải trong bài "Tư duy hệ thống - nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy".
Viết bình luận