Nêu những nét chính về sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890-1969) là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn của đất nước ta trong thế kỉ XX.

Người đã lấy văn thơ làm vũ khí cách mạng vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Văn thơ của Người phong phú, đa dạng, sâu sắc, đẹp đẽ được viết bằng ba ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Pháp và chữ Hán.

Thời kì (1922-1925), Người đã viết hàng loạt truyện kí như Vi hành, Lời than vãn của Bà Trưng Trắc, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu,... Các tác phẩm ấy giàu tính chiến đấu, kể chuyện linh hoạt, châm biếm hóm hỉnh, thể hiện chất trí tuệ và tính hiện đại đặc sắc.

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Người có tập Ngục trung nhật kí bằng chữ Hán (1942-1943) viết khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch cầm tù. Đó là những "vần thơ thép mà vẫn mênh mông bát ngát tình", vừa cổ điển, vừa hiện đại. Ngoài ra, Bác Hồ còn có trên 30 bài thơ chữ Hán viết rải rác tại Việt Bắc và sau này. Những bài thơ như Nguyên tiêu, Báo tiệp, Thu dạ... thể hiện một hồn thơ chiến sĩ tuyệt đẹp:

Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng,

Chính thị Liên khu báo tiệp thì.

(Báo tiệp - 1948)

Yên ba thâm xứ đàm quân sự,

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

(Nguyên tiêu - 1948)

Người còn để lại gần 100 bài thơ tiếng Việt, tiêu biểu nhất là các bài: Cảnh khuya, Đi thuyền trên sông Đáy,... và nhiều bài thơ chúc tết đậm đà tính chất dân tộc.

Văn chính luận của Hồ Chủ tịch hùng hồn, đanh thép, là Lời Non Nước. Đó là Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Không có gì quý hơn độc lập tự do,...

"Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ !"

(Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến)

Hồ Chí Minh! Đẹp nhất tên Người. Văn thơ Hồ Chí Minh giàu tình yêu nước thương dân, yêu thiên nhiên, là di sản tinh thần cao đẹp của Người để lại cho nhân dân ta, đất nước ta muôn đời mai sau.

Viết bình luận