Nêu vắn tắt những đặc điểm cơ bản của thơ

Đã có nhiều định nghĩa về thơ. Nhưng hầu như các thi sĩ Đông Tây, kim cổ, các nhà lí luận phê bình chưa có một ý kiến thống nhất nào cả. Nhưng hầu như ai cũng nghĩ và cho rằng “Thơ là nữ hoàng của nghệ thuật”, “Thơ là nghệ thuật của ngôn từ”, “Thơ là hồn người, là tình người, là khúc ca của cuộc đời, là tiếng reo vui của chim trời, của hoa lá, v.v...”. Nhà phê bình văn học Nga lại nói: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó là nghệ thuật”, v.v...

Nêu vắn tắt những đặc điểm cơ bản của thơ

Một sự thật hiển nhiên là căn cứ vào những bài thơ hay, ta có thể chỉ ra được một số đặc điểm cơ bản của thơ.

Lời thơ phải đẹp, tinh luyện và hàm súc. Câu thơ không thể viết thành dây cà dây muống, không thể viết từ đồng quang sang đồng rậm. Nói rằng lời thơ đẹp có nghĩa là có ý đẹp, có hình tượng đẹp, có ngôn từ trang nhã. Thơ không dung nạp cách nói, cách viết tục tằn, thô lỗ...

Câu thơ của Nguyễn Trãi:

Chĩnh vàng chẳng tiếc danh thì tiếc,

Bia đá hay mòn nghĩa chẳng mòn.

là một câu thơ đẹp. Những câu thơ sau đây, theo ý tôi là những câu thơ đẹp:

Long lanh đáy nước in trời,

Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.

(Nguyễn Du)

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!

(Tố Hữu)

Thơ phải có tư tưởng, tình cảm đẹp. Thơ phải là bài ca yêu quê hương đất nước, thể hiện tình thương, ca tụng lao động, ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình yêu trăng, tuyết, mây, hoa, v.v... Những tình cảm ấy được các thế hệ nhà thơ nói mãi, nói nhiều mà độc giả vẫn cảm thấy mới, thấy hay. Tại sao thơ tình của Xuân Diệu được các bạn trẻ yêu thích? Tại sao thơ của chú bé Trần Đăng Khoa viết từ thuở lên mười lại được hàng triệu độc giả ngâm ngợi?

Hạt gạo làng ta

Có vị phù sa

Của sông Kinh Thầy

Có hương sen thơm

Trong hồ nước đầy

Có lời mẹ hát

Ngọt bùi hôm nay...

(Hạt gạo làng ta)

Thơ phải có tư tưởng, tình cảm đẹp

Bà nội tôi vân hát ru cháu:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen,

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

Tiếng võng kẽo kẹt và lời thơ hoà quyện trong giọng ru của bà đã nâng tâm hồn chị em tôi từ những ngày thơ bé. Bà đã dạy con cháu biết yêu thơ, hiếu thảo, chăm chỉ học hành, siêng năng lao động. Thơ đã trở thành hành trang của chị em tôi.

Thơ phải có vần điệu, nhạc điệu thì mới gọi là thơ, mới là thơ đích thực. Thơ không vần điệu, thơ trúc trắc... thì khó đi vào lòng người. Trong giờ giảng văn, mỗi lần nghe cô giáo đọc thơ, bình thơ, cả lớp tôi, ai cũng thích, ai cũng lấy làm thú vị.

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ

Non xa khởi sự nhạt sương mờ

Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò

(Đây mùa thu tới)

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

(Tràng giang)

Một đặc điểm nữa của thơ là phải có thể cách. Thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ hát nói, thơ tứ tuyệt, thơ bát cú, thơ tự do, đó là những thể cách của thơ, của những thể thơ đã được định hình qua thời gian hàng ngàn năm qua, dòng chảy hàng trăm năm qua tâm hồn nhân loại. Nếu không nắm được thi pháp thì không thể viết được thơ hay.

Tóm lại, lời thơ phải tinh luyện, nội dung thơ phải có tư tưởng tình cảm đẹp, thơ phải giàu vần điệu, nhạc điệu, thơ phải đúng thể cách. Đó là bốn đặc điểm cơ bản của thơ mà tôi cảm nhận được. Chắc là thế giới thơ mênh mông còn có nhiều đặc điểm khác nữa.

Tôi rất tâm đắc với ý kiến sau đây của Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767): “Để trong lòng là chí, ngụ ra ý là thơ. Người có sâu cạn, cho nên thơ có mờ có tỏ, rộng hẹp khác nhau... Người làm thơ không ngoài lấy trung hậu làm gốc, ý nghĩa phải hàm súc, lời thơ phải giản dị”. Học văn phải yêu thơ. Học văn, cảm thụ thơ phải cảm hiểu được những đặc điểm cơ bản của thơ thì mới thú vị, mới tiến bộ.

Viết bình luận