Nghị luận về Nhân và nhân chính

Tư tưởng đối nhân xử thế của Khổng Tử là “nhân” và “nhân chính” vậy “nhân”“nhân chính” là gì?

Nhân là gốc rễ của nhân cách con người. Khổng Tử nói: “Nhân giả ái nhân”, nghĩa là người có lòng nhân thì thương yêu con người. Người có nhân mới thương yêu người khác như thương yêu bản thân mình.

Nhân và nhân chính

Nhân chính mang nội dung rộng lớn hơn, đó là tình thương yêu đồng loại, thương yêu tất cả mọi người trong xã hội. Nhân chính là lí tưởng chính trị xã hội của Khổng Tử, có thể coi đó là lòng bác ái, “phiếm ái chúng nhân”. Kẻ cầm quyền phải “vi chính dĩ đức”, làm chính trị phải lấy đạo đức làm đầu. Nghĩa là phải trọng hiền tài, miễn giảm thuế khoá, không sử dụng bạo lực; phải lấy dân làm gốc (dân vi bản), phải làm yên vui lòng người (nhân giả an nhân); phải biết lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ (tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc).

Người có tư tưởng nhân chính coi bốn biển là anh em (tứ hải giai huynh đệ). Trong gia đình thì hiếu đễ là cái gốc của lòng nhân: con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh em hoà thuận, thương yêu, đùm bọc nhau.

Theo Khổng Tử, người có lòng nhân phải biết hi sinh lợi ích của bản thân mình vì người khác, mà không hề đòi hỏi bất kì điều gì. Người có lòng nhân phải ứng xử theo “lễ”. Khi Nhan Hồi hỏi thầy: “Người nhân ái cụ thể phải làm gì?” Khổng Tử đáp: “Phi lễ vật, thị; phi lễ vật, thính; phi lễ vật, ngôn; phi lễ vật, động” - nghĩa là: không phải lễ thì không nhìn; không phải lễ thì không nghe; không phải lễ thì không nói; không phải lễ thì không làm).

Sống giữa thời Xuân thu (thế kỉ thứ V, thứ VI trước Công nguyên, Khổng Tử chủ trương phải yêu thương muôn dân, vua chúa quan lại phải làm tròn nghĩa vụ của mình (ái nhân, an dân), không được áp bức nhân dân. Có thể nói tư tưởng, lí luận, hành động của Khổng Tử là ánh sáng, ngọn đèn toả sáng trong xã hội phong kiến. Vì thế, ông mới được tôn vinh là “Đại thành chí thánh tiên sư”.

Viết bình luận