Phân tích và nêu lên những cảm nhận của em về bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc của Phạm Văn Đồng

Năm 1963, ngọn lửa cách mạng miền Nam bùng cháy ngút trời. Quân và dân ta từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh vũ trang chống đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai bán nước, ngày một trở nên dữ dội, quyết liệt.

Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, Đảng và Chính phủ ta đã long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 75 năm ngày mất của nhà thơ Đồ Chiểu (3-7-1888 - 3-7-1963) tại Nhà hát lớn Hà Nội. Bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc của Phạm Văn Đồng viết trong dịp ấy, đăng trên Tạp chí Văn học, tháng 7-1963.

Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc

Có thể coi bài nghị luận này là một chân dung văn học rất đặc sắc viết về nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của đất nước ta trong thế kỉ XIX.

1. Mở đầu bài văn, Phạm Văn Đồng lấy hình ảnh "ngôi sao" để ca ngợi tầm vóc của Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ lớn của nước ta. Tác giả chỉ rõ "trong lúc này" nghĩa là khi cả dân tộc ta bước vào một cuộc chiến đấu mới chống đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai bán nước, thì phải làm cho Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc.

Tác giả nói về cách nhìn sao trên bầu trời là "phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng"; và đối với văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy. Ông chỉ ra sự phiến diện, thiên lệch của độc giả lâu nay: "Có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên, và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và văn, còn rất ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu...". Cách phản bác và biện luận của Phạm Văn Đồng vừa ôn tồn ở cách nói, vừa sắc sảo lí lẽ, nên có giá trị thuyết phục cao.

Tác giả khẳng định thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu "là những trang hất hủ ca ngại cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước chúng ta". Tác phẩm của Đồ Chiểu "ngoài những giá trị văn nghệ, còn quý ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả, và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại!".

Phạm Văn Đồng đã nhắc lại hai câu thơ: "Sự đời thà khuất đôi tròng thịt - Lòng đạo xin tròn một tấm gương!" để ca ngợi khí tiết nhà thơ của đất Đồng Nai vô cùng "cao cả, rạng rỡ".

Cách trích dẫn thơ văn và những nhận xét, đánh giá của tác giả về Nguyễn Đình Chiểu thật sâu sắc, xác đáng: "Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng"', hoặc Nguyễn Đình Chiểu coi việc viết văn "là một thiên chức" vì vậy ông "khinh miệt bọn lợi dụng văn chương để làm việc phi nghĩa”.

Có thể nói, Phạm Văn Đồng đã dùng những lời tốt đẹp nhất, những hình ảnh cao quý nhất để ca ngợi, khẳng định nhân cách, tầm vóc và giá trị của con người và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trong xã hội và trong nền văn nghệ của nước ta.

2. Phần thứ hai của bài viết, Phạm Văn Đồng đi sâu phân tích, bình luận hai kiệt tác của Nguyễn Đình Chiểu là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và truyện Lục Vân Tiên.

Tác dụng thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu mang tầm lịch sử to lớn, đã "làm sống lại trong tâm trí của chúng ta phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ từ 1860 về sau, suốt hai mươi năm trời".

Văn tế là một phần lớn thơ văn yêu nước của Đồ Chiểu. Những bài văn tế như Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, theo Phạm Văn Đồng là đã "ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước, và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân". Những bài văn tế ấy là "tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả, thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước".

Bên cạnh một số trích dẫn chọn lọc trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nói về nguồn gốc xuất thân, tính cần cù, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quả cảm của người chiến sĩ nghĩa quân, Phạm Văn Đồng còn so sánh "bài ca" của Nguyễn Đình Chiểu với bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: "Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc. Bài cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài “ Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang: Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc... muôn kiếp nguyện được trả thù kia...".

Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu

Với cách lập luận chặt chẽ, cách chứng minh sáng tỏ sau khi dẫn tiếp bài thơ Xúc cảnh, tác giả cho biết, con người Nguyễn Đình Chiểu, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu không phải là những trường hợp hi hữu; phong trào kháng Pháp sôi nổi và mạnh mẽ lúc bấy giờ ở Nam Bộ "làm nảy nở nhiều nhà văn, nhà thơ tài năng xuất chúng, bản lĩnh phi thường, mà tác phẩm là những bông hoa của một thời oanh liệt và đau thương: Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Văn Lạc, Nguyễn Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp...”.

3. Phần tiếp theo, Phạm Văn Đồng nêu lên một vài nhận xét về truyện Lục Vân Tiền của Nguyễn Đình Chiểu. Tác giả cho rằng Lục Vân Tiên"tác phẩm lớn nhất” của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam. Lục Vân Tiên"một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa!" Các nhân vật như Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga, Tiểu đồng... "là những người đáng kính, đáng yêu, trọng nghĩa, khinh tài, trước sau một lòng, mặc dầu khổ cực, gian nguy, quyết phấn đấu vì nghĩa lớn"; "họ gần gũi chúng ta và câu chuyện của họ làm chúng ta cảm xúc và thích thú".

Về văn chương, theo tác giả thì Lục Vân Tiên là một chuyện "kể", chuyện "nói"', văn "nôm na" là dụng ý của nhà thơ, nhằm "truyền bá rộng rãi trong dân gian". Có một ít "sơ sót" về văn chương do cảnh ngộ éo le của nhà thơ nên "khó sửa chữa và duyệt lại nguyên bản". Phạm Văn Đồng dẫn ra một vài câu thơ Lục Vân Tiên và ông cho biết "ông thuộc lòng nhiều vần thơ rất hay":

Kim Liên ơi hỡi Kim Liên,

Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê.

Đánh giá truyện thơ này của Đồ Chiểu, tác giả nói: "Trong dân gian miền Nam, người ta thích Lục Vân Tiền, người ta say sưa nghe kể Lục Vân Tiên, không chỉ vì nội dung câu chuyện, còn vì văn hay của Lục Vân Tiên".

4. Phần cuối văn bản, là sự đánh giá tổng quát về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu. Nếu bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc là một tấm đá hoa cương thì câu văn sau đây, là những chữ vàng óng ánh khắc trên tấm đá hoa cương ấy:

"Tóm lại, Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta. Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng".

Qua bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, Phạm Văn Đồng đã thể hiện một văn phong uyển chuyển, tinh tế và phong phú. Lí lẽ sắc bén, lập luận chặt chẽ, bình luận gắn kết với chứng minh, mà trích dẫn nào cũng chọn lọc, sáng tỏ, đầy sức thuyết phục.

Tác giả đã dành những lời tốt đẹp nhất ca ngợi nhà thơ lớn của đất Đồng Nai với lòng biết ơn và niềm tự hào sâu sắc.

Bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc là một bài nghị luận mẫu mực về tác giả và tác phẩm văn chương, nêu lên nhiều bài học quý báu, tốt đẹp cho thanh niên học sinh chúng ta.

Viết bình luận