Quan niệm của em về một bài thơ hay

Hiện nay có hiện tượng "lạm phát thơ", các tao đàn, "thi hội", "câu lạc bộ thơ", mọc ra nhan nhản; đi đâu, đến đâu, ta cũng nghe giới thiệu: "nhà thơ A", "nữ thi sĩ B",... thật ồn ào, nhưng rất buồn là có ít người đọc thơ, các tác phẩm thơ in ra chỉ để biếu, để cho! Thậm chí có người còn chép miệng nói: "Thơ thẩn gì?", "Chỉ là câu văn xuôi dở chấm xuống dòng", hoặc: "Thơ chi mà thô tục rứa hỉ!", v.v...

Quan niệm của em về một bài thơ hay

Vì thế nêu lên vấn đề "Quan niệm về một bài thơ hay" trong đời sống văn học hiện nay là một vấn đề khá lí thú.

Tôi không bàn đến chuyện thơ dở mà chỉ xin nói lên một vài ý kiến về thế nào là một bài thơ hay.

Thơ hay phải có ngôn từ đẹp, lời thơ đẹp. Ngôn từ trau chốt, bóng bẩy, giàu sức gợi và biểu cảm. Cảnh như được vẽ ra, tình như được bày ra. Rất trang nhã và thanh tao. Lời thơ không nên cầu kì, khó hiểu. Nghe ai đó nói đến cái "bóng chữ" mà kinh cả người. Tại sao thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan,... chỉ mới đọc lên là ta cảm thấy thích thú? Một số bài thơ của Nguyễn Bính, Tố Hữu, Hoàng Cầm, Xuân Quỳnh, Trần Đang Khoa... được học thời tiểu học, trung học cơ sở đến nay vẫn làm ta yêu thích. Đó là do lời thơ đẹp:

Nước biếc non xanh thuyền gối bãi,

Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu

(Bảo kính cảnh giới - 26)

Long lanh đáy nước in trời,

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Nước biếc trông như tầng khói phủ,

Song thưa để mặc ánh trăng vào

(Thu vịnh - Nguyễn Khuyến)

Thơ hay phải giàu âm điệu nhạc điệu. Thanh điệu, vần điệu, nhịp điệu, nhạc điệu trầm bổng, du dương, khoan thai, nhẹ nhàng, hùng tráng, mạnh mẽ, dồn dập,... tạo nên nhạc điệu, âm điệu, vần điệu của thơ. "Thơ không vần như chân không hài, như tai không không hoãn" - đã có người ví von như thế. Đọc một bài thơ mà vần điệu kém, tôi có cảm giác vác nặng mà leo dốc giữa trưa hè.

Đọc một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, các vần thơ vang lên nghe thật thích, các tiếng trắc bằng phối hợp hài hòa nghe sao mà êm tai hấp dẫn lạ.

Xin được đọc một bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan mà bất cứ ai trong chúng ta đều thuộc.

Qua Đèo Ngang

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Dừng chân đứng lại trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng ta với ta.

Thơ hay lại phải hay, phải đẹp về tư tưởng, tình cảm

Có những bài thơ, đoạn thơ, ta chỉ đọc một lần, chỉ nghe một lần là ta nhớ mãi. Nhạc của thơ cứ ríu rít, giăng mắc tâm hồn ta. Những bài thơ giàu vần điệu, âm điệu nếu được phổ nhạc càng hấp dẫn lôi cuồn.

...Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau - rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn bão tố

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố

(Thuyền và biển - Xuân Quỳnh)

Trở về đón gió heo may

Cái se lạnh làm say lòng người

Dù xa cách biệt phương trời

Vẫn tha thiết nhớ một thời ấu thơ

Còn đây phố cũ rêu phong

Lắng nghe lịch sử ngàn năm vọng về.

Hồ Gươm sóng vỗ xô bờ,

Ơi hàng liễu... có đợi chờ nhớ thương...

(Trích bài thơ Trở về Hà Nội của Đinh Thế Vinh

Nhạc sĩ Vũ Cẩm phổ nhạc)

Vì thế, thơ có ngâm lên mới hay. Nếu không biết đọc thơ sẽ làm giảm đi nhiều cái hay của thơ.

Thơ hay lại phải hay, phải đẹp về tư tưởng, tình cảm. Tứ thơ phải mới lạ, sáng tạo. Thơ "con cóc", thơ "ống tre", thơ "chuột chù",... sao gọi là thơ. Tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, tình bạn, tình đồng chí, tình yêu thiên nhiên... là những tình cảm đẹp, đã có biết bao bài thơ hay nói đến, đọc mãi không chán. Tư tưởng tình cảm trong thơ như truyền lửa cho tâm hồn độc giả. Có những bài thơ như xốc ta đứng dậy, vươn tới. Thơ là ánh sáng, là bài ca hi vọng.

Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.

(Thuật hứng - 5, Nguyễn Trãi)

Con ra tiền tuyến xa xôi,

Yêu bầm yêu nước cả đôi mẹ hiền

(Bầm ơi - Tố Hữu)

... Bao giờ thống nhất nước nhà

Thầy về dạy học, lại qua đường này.

Nhìn con đường rợp bóng cây

Bỗng em lại thấy dáng thầy đi qua...

(Hỏi đường - Trần Đăng Khoa)

Thơ hay, theo tôi là thơ ngắn, hàm súc, đa nghĩa. Thơ hay dễ thuộc, dễ nhớ. Thơ dài lê thê, trúc tra trúc trắc thì không thể gọi là thơ hay.

Những bài thơ hiện diện trên sách Ngữ Văn, theo tôi là những bài thơ hay và đẹp.

Quan niệm về thơ hay thơ đẹp chắc là còn nhiều ý kiến mới lạ, khác lạ. Thơ hay được nhiều người yêu thích như trắng sáng, hoa đẹp.

Viết bình luận