Thuyết minh về Bến Nhà Rồng
Tòa nhà có đôi rồng gắn trên nóc, kiểu "lưỡng long chầu nguyệt" nên thường được gọi là "Nhà Rồng", do vậy bến cảng thuộc khu vực này cùng mang tên Bến Nhà Rồng.
Nơi đây, ngày 05-06-1911, người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài, anh thanh niên ngày nào trở thành nhà cách mạng lãnh đạo đất nước đứng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Công hòa. Người thanh niên ra đi tìm đường cứu nước năm xưa chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc.
Bến Nhà Rồng hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, là một chi nhánh nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.
Bến Nhà Rồng là một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Ngôi nhà được xây dựng từ giữa năm 1862 đến cuối năm 1863 hoàn thành với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ "lưỡng long chầu nguyệt", một kiểu trang trí quen thuộc của đền chùa Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, tòa nhà đã có ba phòng trưng bày. Sau hai lần tu bổ (1990, 1995) đã có chín phòng với 1.482,62 m2 diện tích trưng bày; hai phòng kho chứa 10.927 tài liệu, hiện vật và 450 hiện vật trưng bày ngoài trời. Trong chín phòng trưng bày hiện tại, có sáu phòng trưng bày những chuyên đề cố định bao gồm những tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan tới tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ba phòng trưng bày chuyên đề thời sự.
Từ năm 1995 đến nay, bảo tàng đã tổ chức trưng bày 20 chuyên đề mang tính thời sự tại bảo tàng và 16 cuộc trưng bày lưu động tại các vùng sâu vùng xa, các quận huyện ngoại thành. Tất cả các phòng trưng bày sau những lần chỉnh lí đều được nâng lên cả về nội dung và hình thức, phối hợp nhiều yếu tố trong khâu trưng bày tạo tính hấp dẫn đối với người xem. Ngoài những hoạt động chính, bảo tàng còn tiến hành những hoạt động tuyên truyền giáo dục rộng rãi như tổ chức các hội nghị khoa học, các cuộc tọa đàm giữa các thế hệ, nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới thiệu và chiếu phim, tư liệu, hồi kí, các ấn phẩm về Chủ tịch PIỒ Chí Minh và về bảo tàng, in lịch, tổ chức kết nạp Đảng, Đoàn, Đội; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tiểu sử, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Bảo tàng còn là nơi hội họp, gặp gỡ lí tưởng của các tổ chức, đoàn thể đến sinh hoạt truyền thống, học tập, vui chơi; là nơi ra quân của nhiều phong trào cách mạng sôi nổi của thành phố.
Trong hơn 20 năm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã đón tiếp gần 20 triệu lượt khách từ khắp nơi trong nước và nước ngoài đến tham quan. Đặc biệt có hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc gia và đoàn cao cấp các nước đến thăm viếng tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ 400 tư liệu, hiện vật (năm 1980) đến nay đã có 11.372 tư liệu, hiện vật và 3.300 đầu sách chuyên đề vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ riêng từ đầu năm (2005) đến nay, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bảo tàng đã vận động nhân dân hiến tặng 2.093 tư liệu.
Với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không mệt mỏi và lòng mến khách, yêu nghề của cán bộ công nhân viên, bảo tàng đã để lại những tình cảm tôt đẹp trong lòng khách tham quan và nhân dân miền Nam. Với những thành tích như trên, liên tục từ năm 1992 đến nay, bảo tàng luôn nhận được bằng khen của Bộ Văn hóa Thông tin; của ƯBND Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt năm năm liền từ 1992 đến 1996, bảo tàng vinh dự được Chủ tịch nước tặng huân chương lao động hạng III; năm 1998, nhân dịp kỉ niệm 300 'năm Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, Nhà Rồng đã được chọn làm biểu tượng của thành phố, đồng thời ƯBND thành phố đã phối hợp với Hiệp hội Lyon của Pháp đầu tư trang thiết bị hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cho bảo tàng, công trình đã khánh thành vào ngày 21-11-1998, làm nổi bật một cách hài hòa các khối kiến trúc đem lại sức sống, năng động cho ngôi Nhà Rồng về đêm.
Viết bình luận