Trình bày những cảm nhận của em về đặc điểm thứ ba của Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 đến 1975: nền Văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn

Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn là đặc điểm thứ ba của Văn học Việt Nam trong giai đoạn 1945 đến 1975. Văn học trong giai đoạn này là sản phẩm tinh thần của dân tộc ta ra đời trong bão táp chiến tranh, trong một giai đoạn lịch sử vô cùng đau thương và oanh liệt, với bao sự tích anh hùng của dân tộc, với những tấm gương yêu nước chói ngời.

Văn học mang khuynh hướng sử thi thấm đẫm tình yêu nước

Văn học mang khuynh hướng sử thi thấm đẫm tình yêu nước; là tiếng nói của cả một dân tộc với lời thề: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (Hồ Chí Minh). Là Văn học của những sự kiện lịch sử, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng. Trong đó, nhân vật trung tâm của tác phẩm là những anh hùng mang khí phách của dân tộc, đã làm nên những sự tích thần kì, được ca ngợi và ngưỡng mộ. Khuynh hướng sử thi trong Văn học bao giờ cũng có giọng văn mạnh mẽ, hùng hồn, mang âm hưởng anh hùng ca.

Năm mươi sáu ngày đêm

Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non.

Gan không núng

Chí không mòn!

Những đồng chí thân chôn làm giá súng

Đầu bịt lỗ châu mai

Băng mình qua lưới thép gai

Ào ào vũ bão...

(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu)

Cảm hứng lãng mạn trong văn học

Khuynh hướng sử thi gắn liền với cảm hứng lãng mạn. Trong chiến đấu gian khổ, hi sinh, quân và dân ta vẫn lạc quan yêu đời, vẫn hướng về ngày mai, một ngày mai thắng trận; từ trong bóng tối vẫn hướng về ánh sáng tương lai. Đó là hình ảnh cô Nguyệt trong truyện Mảnh trăng cuối rừng, tuy bị thương lúc giúp Lãm đưa xe vượt ngầm trong bom đạn vẫn cười. Đó là tư thế ung dung, dũng mãnh của người chiến sĩ lái xe trên con đường chiến lược Trường Sơn (Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Là tiếng hát cất lên giữa núi rừng chiến khu một thời khói lửa:

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo

(Việt Bắc - Tố Hữu)

Cảm hứng lãng mạn biểu hiện ở tâm lí thi vị hoá cuộc đời, miêu tả hiện thực được nhân lên nhiều lần với mơ ước, với tầm vóc, với kích thước của tương lai:

Tôi đi trên đất nước thân yêu

Không biết bao nhiều, chỉ biết nhiều

Ngói mới.

Muôn trùm hạnh phúc dưới trời xanh

Có lẽ lòng tôi cũng hoá thành

Ngói mới.

(Xuân Diệu, 9/1959)

Văn học của một dân tộc anh hùng trong một thời đại anh hùng, tất yếu phải mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn tráng lệ như vậy.

Viết bình luận