Bình giảng bài thơ Báo tiệp (Tin thắng trận) của Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn trong thời đại chúng ta. Thơ chữ Hán là phần tinh tuý nhất trong sự nghiệp thơ ca của Người.

Sau “Nhật kí trong tù”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại chùm thơ chữ Hán viết tại chiến khu Việt Bắc trong 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược: “Nguyên Tiêu”, “Thu dạ”, “Báo tiệp”, “Tặng Bùi Công”... Đó là những bài thơ mang cảm hứng trữ tình, biểu hiện một hồn thơ chiến sĩ tuyệt đẹp.

“Nguyệt thôi song vấn: - Thi hành vị?

Quân vụ nhưng mang vị tố thi.

Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng

Chính thị Liên khu báo tiệp thì”.

Bình giảng bài thơ Báo tiệp (Tin thắng trận) của Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh sáng tác bài thơ này vào năm 1948, một đêm trăng đẹp giữa núi rừng chiến khu, khi cuộc kháng chiến của quân dân ta đang diễn ra vô cùng ác liệt. Câu thơ mở bài hết sức tự nhiên. Trăng đẩy cửa sổ hỏi thi nhân: “Thơ xong chưa”? (thi thành vị?) Trăng xuất hiện đột ngột, thân tình. Tiếp theo là câu trả lời của Bác: “Vẫn còn bận việc quân, chưa làm thơ được” (Quân vụ nhưng mang vị tố thi).

“Trăng vào cửa sổ đòi thơ,

Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”.

Sự khất thơ của Bác là hoàn toàn hợp lí. Vì bận việc quân nên chưa có thơ. Trăng hãy vui lòng chờ một dịp khác. Cuộc đối thoại giữa Bác với trăng chứa đựng bao tâm tình của đôi bạn tri âm, tri kỉ.

Năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang năm thứ ba, quân và dân ta đang gặp bao khó khăn, gian khổ. Việc quân việc nước thu hút tâm trí lãnh tụ suốt đêm ngày. Nhiều bài thơ của Bác đã nói lên điều đó:

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự”.

(Giữa dòng bàn bạc việc quân)

(Nguyên tiêu, 1948)

“Quân cơ, quốc kế thương đàm liễu”.

(Việc quân, việc nước bàn xong)

(Đối nguyệt)

Trở lại bài “Báo tiệp”, trăng đã xuất hiện, nhưng đối với thi nhân “đêm nay”, thơ cũng chưa xong được. Trong tù, không có hoa, có rượu, chỉ có trăng cũng đã thành thơ. Trong hoàn cảnh kháng chiến, phải cần có thêm một vài yếu tố nữa. Câu “chuyển” trong bài tứ tuyệt nói về tiếng chuông ngân lên trên lầu núi, làm lay động giấc mộng đêm thu:

“Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng”.

Tiếng chuông làm Bác “chợt tỉnh giấc thu” chính là tiếng chuông báo tin thắng trận. Âm thanh ấy ngân nga mãi trong lòng người đang đêm ngày mong đợi tin vui từ các chiến trường bay về. Các thi liệu: “nguyệt”, “song”, “sơn lâu”, “chung hưởng”, “thu mộng” hòa quyện với thực tế cuộc sống kháng chiến bộn bề, gian khổ - tạo nên màu sắc vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa thực vừa hư ảo, gợi cảm.

“Trăng nay” đến với Bác nơi núi rừng chiến khu

Tiếng chuông trong đêm khuya làm cho không gian núi rừng chiến khu thêm tĩnh lặng và thiêng liêng. Nó gợi ta nhớ đến một tứ thơ của Trương Kế, đời Đường:

“Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”.

(Phong kiều dạ bạc)

Tiếng chuông là một thi liệu được nói đến nhiều trong thơ cổ: “Thính vũ” (Nguyễn Trãi) “Nhớ núi Đọi” (Nguyễn Khuyến)... Trong “Nhật ký trong tù”, Bác cũng viết:

“Chùa xa chuông giục người nhanh bước,

Trẻ dẫn trâu về tiếng sáo bay”.

(Hoàng hôn)

Mỗi một tiếng chuông là một nỗi niềm. Tiếng chuông trong bài thơ “Báo tiệp” báo tin vui thắng trận. Giấc mộng đêm thu trở thành một giấc mộng đẹp. Tỉnh mộng, Bác đón tin vui:

“Chính thị Liên khu báo tiệp thì”.

(Ấy tin thắng trận Liên khu báo về)

Tiếng chuông vang ngân trên lầu núi là một nét vẽ hàm súc, cổ điển, lấy động để tả tĩnh, làm cho cảnh đêm trăng chiến khu trở nên tĩnh lặng, trang nghiêm.

Trong thời kỳ khói lửa, có niềm vui nào lớn hơn niềm vui thắng trận? Nỗi lo việc quân việc nước đã được giải tỏa. Tin thắng trận đã trở thành nguồn cảm hứng vút lên thành thơ. Người bạn trăng đã có thơ rồi. Trăng cùng với tin thắng trận đã đem lại cảm hứng thơ trong tâm hồn thi nhân.

Cấu trúc của bài thơ rất đặc biệt. Lúc đầu trăng đến đòi thơ. Vì bận việc quân nên Bác chưa có thơ. Tiếp theo tiếng chuông reo trên lầu núi báo tin thắng trận. Thế là trăng đã thành một bài thơ trăng rất hay ra đời. Trăng với thi nhân chan hòa trong niềm vui sướng: cảnh đẹp thơ mộng, vừa có thơ, vừa có tin vui thắng trận.

Bác đã viết nhiều vần thơ nói về tin vui thắng trận. Mỗi vần thơ là một bước đi lên của dân tộc. Mỗi tin thắng trận là một chặng đường lịch sử, đầy máu và hoa. Sức mạnh nhân nghĩa Việt Nam in dấu son đậm đà trong vần thơ Bác:

“Tin vui thắng trận dồn chân ngựa”.

(Tặng Bùi Công)

“Tin mừng thắng trận nở như hoa”.

(Mừng xuân, 1967)

“Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao”.

(Không đề, 1968)

“Tin thắng trận” (Báo tiệp) là một trong những bài thơ tứ tuyệt đặc sắc của Bác Hồ. Tâm hồn lãnh tụ chan hòa với tâm hồn thi sĩ. Cuộc đối thoại giữa trăng với thi nhân tạo nên vẻ đẹp trữ tình, trong sáng và hồn nhiên đầy chất thơ. Thi liệu chọn lọc, tinh tế trong biểu hiện và biểu cảm. Đọc bài thơ “Tin thắng trận”, ta thêm yêu tâm hồn lãnh tụ: trong kháng chiến gian khổ vẫn lạc quan yêu đời yêu thiên nhiên, yêu vầng trăng đẹp. “Trăng xưa” đến thăm Bác trong cảnh lao tù, cùng chia sẻ với Bác nỗi đau mất tự do. “Trăng nay” đến với Bác nơi núi rừng chiến khu để cùng với Bác vui mừng đón tin thắng trận. “Tin thắng trận” là một bài thơ trăng rất độc đáo của nhà thơ Hồ Chí Minh. Tiếng chuông trong bài thơ như một tín hiệu báo tin một giai đoạn mới của cuộc kháng chiến đã mở ra, quân và dân ta đang xốc tới với sức mạnh vô địch:

“Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu,

Thề diệt xâm lăng, lũ sói cầy”.

(Đăng sơn - Xuân Diệu dịch)

Viết bình luận