Hãy giải thích câu nói sau đây của A-mi-xit: “...Sách vở của con là vũ khí, lớp học của con là chiến trường... Hãy coi sự ngu dốt là thù địch. Bố tin rằng con luôn luôn cố gắng và sẽ không bao giờ là người lính hèn nhát trên mặt trận gian khổ ấy”
A-mi-xit (1846-1908) là người chiến sĩ suốt đời chiến đấu vì độc lập, tự do của nước Ý và hiến thân cho cuộc đấu tranh không ngừng vì công bằng xã hội và hạnh phúc của nhân dân lao động. Ông còn là một nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết theo thể du kí. Nhắc đến A-mi-xit, người đọc mãi mãi không bao giờ quên cuốn sách Những tấm lòng cao cả. Hơn một thế kỉ nay hầu như khắp các trường học trên hành tinh đều lấy tác phẩm của ông làm sách đọc cho học sinh, góp phần hình thành nhân cách tuổi thơ. Dưới hình thức những mẩu chuyện kể, những bức thư cha gửi cho con, mẹ gửi cho con,... A-mi-xit đã thể hiện một lối kể chuyện hấp dẫn, thú vị, khéo léo đưa vào mỗi bức thư một bài học giáo dục tư tưởng, tình cảm nhẹ nhàng, thấm thía.
Câu văn dưới đây trích trong một bức thư của bố gửi con, nói về vấn đề học tập và tinh thần học tập:
“Sách vở của con là vũ khí, lớp học của con là chiến trường... Hãy coi sự ngu dốt là thù địch. Bố tin rằng con luôn luôn cố gắng và sẽ không bao giờ là người lính hèn nhát trên mặt trận gian khổ ấy”.
Đoạn văn trên đây, lời nói trên đây của A-mi-xit thể hiện tình thương và niềm tin của người bố đối với đứa con yêu của mình về vấn đề học tập. Bố đã chỉ rõ cho con hiểu một cách sâu sắc “Sách vở của con là vũ khí, lớp học của con là chiến trường”. Khi lớp học là chiến trường thì việc học tập của con là cuộc đấu tranh sinh tử để giành chiến thắng, bản thân con là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận ấy - mặt trận của trí tuệ và tài năng, mặt trận để hình thành nhân cách văn hóa. Khi lớp học là chiến trường, việc học tập là một mặt trận thì sách vở của con, những dụng cụ học tập của con đều là vũ khí chiến đấu sắc bén và lợi hại để giành thắng lợi. Sách vở, ngọn đèn... là những thứ thiết thân, là hành trang của con đi tới ngày mai. Cây bút, quyển sách chia sẻ ngọt bùi với con trong những năm dài học tập ở lớp, ở trường, ở nhà..., cùng với con vươn lên chiếm lấy đỉnh cao văn hóa, khoa học kĩ thuật.
“Sách vở là vũ khí, lớp học là chiến trường”, cách nói của A-mi-xit thật độc đáo, sâu sắc biết bao! Trên chiến trường ấy không có sự đổ máu, không có sự hi sinh, không có gươm giáo bom đạn, nhưng diễn ra vô cùng sôi động, liên tục và quyết liệt trong nhiều năm tháng. Phải trả giá bằng mồ hôi, trí lực và quyết tâm. Phải thi thố tài năng và lòng kiên nhẫn. Trí tuệ, tài năng, nhân cách, học vấn... của con sẽ phát triển cùng với vũ khí là sách vở, trên lớp học là chiến trường của con và các bạn con. Qua đó, A-mi-xit muốn nhắc nhở mỗi chúng ta phải cần cù, chăm chỉ quyết tâm, có ý chí cầu tiến bộ trong học tập. Mỗi một học sinh phải biết quý mến, trân trọng sách vở, cây bút... vì nó là vũ khí, là người bạn hiền thân thiết của tuổi thơ. Văn hào Mắc-xim Gorki cũng có nói: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới!”.
Người bố lại dạy bảo con: “Hãy coi sự ngu dốt là thù địch” - Đó là một lời tuyên chiến, một khẩu lệnh chiến đấu! Đã cắp sách đến trường thì không được học tập một cách lười biếng, thiếu cố gắng, không chịu đào sâu suy nghĩ. Không thể học chăng hay chớ. Không biết xấu hổ trước sự thua kém bạn bè trong học tập? Tuổi trẻ phải có lòng tự trọng, có chí tiến thủ, có tinh thần ganh đua, biết học giỏi, học giỏi hơn nữa. Phải luôn luôn tự ý thức được rằng ngu dốt là thù địch. Kẻ ngu dốt chẳng làm nên tích sự gì. Sự ngu dốt là đồng hành của phường giá áo túi cơm. Có biết căm thù sự ngu dốt thì mới có động lực để vươn lên, phát triển tài năng, mở rộng tầm hiểu biết, coi “học vấn là một bộ phận khăng khít của cuộc sống chúng ta” (Lê-nin).
Nếu câu: “Hãy coi sự ngu dốt là thù địch” - lời bố dạy rất nghiêm khắc, thì câu văn tiếp theo biểu lộ tất cả tình thương, niềm tin của người bố đối với con: “Bố tin rằng con luôn luôn cổ gắng và sẽ không bao giờ là người lính hèn nhát trên mặt trận gian khổ ấy”. Vì lớp học của con là chiến trường, việc học tập của con đầy thử thách gian khổ, cho nên phải nỗ lực học hành, học tập với ý thức đua tài đọ trí với chúng bạn. Câu ngạn ngữ này phải chiếm lĩnh tâm hồn con: “Thua thầy một vạn, không bằng thua bạn một li. Thua thầy chẳng kể làm chi. Nếu mà thua bạn ắt thì hổ ngươi!”. Học tập là một quá trình khổ công bởi biển học rộng bao la mà sự hiểu biết của con người có giới hạn, cho nên học sinh phải đổ nhiều mồ hôi, nhiều trí lực và tâm huyết. Phải xác định vị trí của người học sinh trong lớp học là người lính. Không thể là người lính hèn nhát vì như thế sẽ làm hổ thẹn gia thanh, làm đau lòng bố mẹ. Phải là người lính dũng cảm, tài ba. Phải là người lính giành vinh quang, chiến thắng. A-mi-xit, với tư cách người bố đã nói với con những lời chứa chan tình yêu thương, tin cậy và khích lệ. Bố biết con hơn ai hết nên mới nói: "Bố tin rằng con luôn luôn cố gắng và sẽ không bao giờ là người lính hèn nhát trên mặt trận gian khổ ấy". Học tập là lẽ sống và nghĩa vụ cao cả của tuổi trẻ. Phải học hết mình, học tập thông minh sáng tạo, học tập vì một mục đích đúng đắn. Học để làm người, học để lao động, học để phục vụ đất nước và nhân dân. Từ cảm nhận ấy mà chúng ta càng thêm thấm nhuần lời cha dạy để học tốt, học giỏi.
Từ câu nói trên đây của A-mi-xit, chúng ta nghĩ về nhiệm vụ học tập và trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương.
Thời cắp sắch đẹp biết bao! Hãy là người lính dũng cảm và tài ba trên chiến trường học tập. Phải biết coi sự ngu dốt là thù địch mà cố gắng học hành. Hơn bao giờ hết, lời dạy của Bác Hồ kính yêu lại giục giã, động viên học sinh chúng ta vươn lên trong học tập vì một mục đích cao cả thiêng liêng như vậy:
"Non sông Việt Nam có trở nên uẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính một phần lớn là nhờ ở công học tập của các cháu".
Học để trở nên tài giỏi. Học tập còn là nghĩa vụ của thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.
Viết bình luận