Bình giảng hai dòng thơ trong đoạn Trao duyên mà anh chị thích nhất

Đoạn trích “Trao duyên” trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du xứng đáng là những dòng tuyệt bút để chứng minh cho khả năng miêu tả tâm lí siêu phàm của thiên tài Tiên Điền.

Có lẽ trong Truyện Kiều hiếm có một lời độc thoại của một nhân vật kéo dài đến ba mươi tám dòng như thế. Ba mươi tám dòng mà lại là bức tranh tâm trạng không đơn giản xuôi chiều mà rất biến động tạo nên kịch tính và gây xốn xang cho người đọc.

Bình giảng hai dòng thơ trong đoạn Trao duyên

Có thể phân chia sự chuyển biến trong nội tâm của Kiều theo một lược đồ sau đây:

  1. Sự tỉnh táo: Kiều đang bàng hoàng với nỗi riêng của mình, đang khóc than cho “nợ tình chưa trả" thì Thúy Vân thức dậy, ý nghĩ “trao duyên” cho em đã lóe lên như gỡ được mối tơ lòng. Và vì thế, Kiều đã rất sáng suốt để “cậy em", để ép em “chịu lời”, “thay lời non nước" giúp mình.
  2. Chuyển sang quá trình khủng hoảng; đó là hai dòng: “Chiếc thoa với bức tờ mây - Duyên này thì giữ, vật này của chung”.
  3. Khủng hoảng: Lí trí của Kiều gần như không kiểm soát nổi tình cảm. Kiều nói những điều ruột gan của mình, thấy con người phân thân của mình từ tương lai hiện về như một bóng ma.
  4. Một khoảnh khắc tỉnh táo: Kiều ý thức được mình đang sống trong thời điểm hiện tại “bây giờ”, nhận thức được hoàn cảnh bi đát của mình: “Trâm gãy gương tan”.
  5. Sự khủng hoảng đã lên tới tột đỉnh: Kiều quên hiện tại, quên người đối thoại (Vân) mà tâm sự với chàng Kim Trọng, mặc cảm vì sự phản bội và nàng đã ngất đi do quá xúc động.

Như vậy, theo tôi, trước lúc dâng lên hai đợt sóng của sự khủng hoảng tâm lí, Nguyễn Du đã sử dụng hai dòng lục bát để cho thấy quá trình chuyển biến nội tâm đầy phức tạp của Kiều. Ở đây, ta thử bàn lại hai dòng:

“Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ, vật này của chung”.

Có lẽ hai dòng này diễn tả một tâm trạng đang nằm ở tuyến lưỡng phân: sự tỉnh táo và sự khủng hoảng. Nguyễn Du đã cho Kiều nói với Vân theo một thứ ngôn ngữ rất mờ, nhiều tầng hàm ẩn.

“Chiếc thoa với bức tờ mây” là kỉ vật, là những sự vật, là “vật này” cho nên rõ ràng. Nhưng, “Duyên này thì giữ, vật này của chung” thì lại hết sức mơ hồ. Ta có thể xác nhận đây là hai thông báo: Duyên này thì giữ - Vật này của chung.

Trong hoàn cảnh cụ thể này, Kiều đã hoán vị, đã gọi tên chính danh cho hai kỉ vật “chiếc thoa với bức tờ mây” là duyên, vì thế, trao kỉ vật là giây phút nghiêm trọng, bởi thực ra là trao duyên. Và vì trao duyên cho Kiều nên thiếu bình tĩnh đã “tự mâu thuẫn”, thay vì “khôn ngoan hết mực nói năng phải lời” để cho lí trí làm chủ thì giờ đây nàng đã để cho vô thức lấn át và sau đó vô thức làm chủ.

Đang trao “chiếc thoa với bức tờ mây” nghĩa là đang trao duyên, nghĩa là từ đây đoạn tuyệt với mối tình đầu. Vậy thì “duyên này em giữ” là điều không cần phải bàn cãi. Trao duyên nhưng đâu dễ trao lòng. Vì thế “duyên này em giữ”. “Giữ” chỉ là bảo vệ bảo tồn còn vấn đề sở hữu nó, nó có phải của em hay không lại là chuyện khác. Đấy, Kiều trao duyên vẫn là trao cái phần xác của tình yêu ấy thôi. Là nhờ giữ kỉ vật chứ cô đâu có trao cái lõi gốc, cái tinh thần thiêng liêng trong kỉ vật ấy.

Duyên ở đây là chiếc thoa với bức tờ mây. Thế thì “vật này” là cái gì? là những cái gì? Ai cũng có thể nhận diện ra nó. Cảnh này thì cũng cội này mà ra thôi. “Vật này” lại cũng là “chiếc thoa với bức tờ mây”. Tại sao cùng hai sự vật ấy mà lại tách ra thành duyên và vật. Duyên là cái trừu tượng, trao duyên là trao lí thuyết, là chưa trao. Khi cái duyên nó đậu lại, nó kết đọng lại trong kỉ vật thì nó mới thực sự khơi gợi một niềm tin tưởng bộn bề của hạnh phúc khổ đau. Nó là đứa con của tình yêu, vì thế trao cho ai cũng rất rớm máu và ứa lệ. Kiều không chịu đựng nổi ý nghĩ là mình phải mất mối tình vô giá của mình. Vì thế nhập nhằng trong hữu thức và vô thức nên nàng không muốn trao.

Chiếc thoa với bức tờ mây Duyên này thì giữ, vật này của chung

Đây là giây phút trang nghiêm. Cuộc trao duyên như là một sự kí thác, như người cha trao di chúc cho con trước lúc lâm chung, như vị giáo sư trao y bát cho kẻ kế nghiệp mình trước lúc viên tịch. Tôi tin rằng Kiều nhi mặt đầm đìa nước mắt không phải đưa kỉ vật cho em một cách qua quít. Nàng như đang mở khăn ra trân trọng cầm từng kỉ vật để nâng niu, để hồi ức, để cay đắng xác nhận nó là duyên. Nàng đang đưa từng kỉ vật cho em: Đây là chiếc thoa; đây là bức tờ mây... sao mà cào xé tâm can!

Vậy là cách trao của Kiều đã làm rõ thêm tâm trạng của Kiều: duyên mà em giữ giúp chị nó ở trong chiếc thoa, còn bức tờ mây này là của chung.

Ta biết, hai kỉ vật này đã ghi dấu mối tình Kim - Kiều từ buổi đầu gặp gỡ thề nguyền: “chiếc thoa”“cành kìm thoa” mà Kiều đã “giả vờ quên” trên cành đào ngày ấy rồi sau đó đã được chàng Kim trao lại “với khăn hồng trao tay”. Còn “hức tờ mây” là bức “Tiên thề cùng thảo một chương” để rồi hai anh chị cùng nhau cắt món tóc mây chia đôi, để rồi giữa đêm trăng vằng vặc hai người nói lời kết giao thiêng liêng.

Trong hai kỉ vật “chiếc thoa” vốn là của Kiều còn “bức tờ mây” lại là kí thác thiêng liêng của hai người. Một cái được gọi là duyên còn một được gọi là vật. Sự gọi tên ở đây không phải là không có ý nghĩa. Cái trừu tượng thì em giữ, còn cái cụ thể, cái máu thịt của tình yêu là của chung.

Của chung này là của ai? Có thể xác nhận là của Vân - Kiều - Kim hoặc Vân - Kim hoặc Kiều - Kim hoặc Vân - Kiều. Cách nói này đã tạo ra một vùng mờ tuyệt vời để mở ra biên độ liên tưởng tới vô bờ bến.

Cách phân tích nào cũng có cái hay riêng của nó. Những câu thơ thế này sẽ mở ra một thao trường cho sự suy nghĩ và cảm thụ.

Nếu nói: “Vật này là của em và Kim Trọng” - thì quá rõ ràng, xét về góc độ lí trí và cái đã thuyết phục em ở trên kia thì rất phù hợp. Nghĩa là Kiều còn rất tỉnh táo. Mà nếu còn tỉnh táo thì Kiều không nên nói theo lối mơ hồ này - Vân có thể phản ứng hoặc sẽ khó chịu khi thấy mình bị xúc phạm.

Còn nói rằng: “Trước đây của chị và Kim bây giờ có cả em nữa là ba, ba chúng ta đều có quyền sở hữu vật chung này” - thì không ổn, tình yêu cho dù là chị em đi nữa nó không thể hạnh phúc khi có sự tham gia của kẻ thứ ba.

Tôi cho rằng “của chung” ở đầy trong tâm thức Kiều vẫn xác định là của mình và chàng Kim. Trước hết, tờ mây đã gợi cho nàng cái “công trình” của hai người “cùng thảo” cùng đính ước ngày nào. Lời “thệ hải minh sơn” này thực tế chỉ là của chung của Kim - Kiều mà thôi.

Một cách phân chia rạch ròi: chiếc thoa -> duyên này thì giữ; bức tờ mây -> vật này của chung.

Đã đẩy hai sự vật về hai phía. Nghĩa là em nhận cái này và nhận cái kia.

Ta cần lưu ý tâm trạng Kiều đang biến động theo chiều hướng mất dần sự tỉnh táo. Con người chung tình không muốn trao duyên đang dậy. Vì tỉnh nên Kiều còn nói được tế nhị: “của chung” gây nên nhiều phán đoán không định hình. Vì khủng hoảng nên Kiều đã lôi kéo Vân vào sự chao đảo thắc thỏm với từ “của chung” này: chị hay em?

Nếu phân tích ở đoạn sau: trong cơn khủng hoảng Kiều đã tự bạch con người của mình bằng vô thức thì ta sẽ thấy mọi sự đã có hạt nhân từ việc xác định “của chung” này là của Kim với mình.

Kiều trao duyên nhưng không muốn em nên vợ nên chồng với Kim:

- Dầu em nên vợ nên chồng (thì) xót người mệnh bạc chị ắt răng, tin chắc rằng cái tâm, cái lòng của chàng Kim chẳng quên chị, chẳng quên “của chung” này.

- Lòng chàng chẳng quên thì ta chỉ mất người chứ không mất tình yêu, ta đã trao “chiếc thoa với bức tờ mây” nhưng của tin vẫn còn, nghĩa là duyên vẫn còn. “Phím đàn với mảnh hương nguyền” đâu phải là vật cầm trao, nó là dư âm ngày ấy còn đọng lại. Vì thế gọi là trao duyên nhưng Kiều chỉ trao vật chứ không và không thể trao tình.

Viết bình luận