Bình luận câu nói của Hồ Chí Minh: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy

Hồ Chí Minh là một nhà chính trị, yêu nước vĩ đại nhưng đồng thời cũng là nhà văn lớn. Bác Hồ lại chính là người hơn ai hết hiểu được vai trò của văn chương đối với xã hội, lịch sử. Người luôn luôn ý thức sử dụng văn chương như một vũ khí tư tưởng sắc bén. Vì vậy, trong dịp nói chuyện với các nghệ sĩ (1951) một lần nữa Người khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Hồ Chí Minh là một nhà chính trị đồng thời cũng là nhà văn lớn

Lời khuyên nhủ của Bác Hồ vào thời điểm này có thể được xem như một chân lí. Trước tiên, chúng ta thấy được tầm quan trọng, tính chất quyết liệt của văn chương là một mặt trận như bao mặt trận khác tuy rằng không có tiếng súng, kẻ thù không trực tiếp nhưng mà tính chất phức tạp của mặt trận này đã được lịch sử chứng minh.

Mỗi nhà văn dù là thiên tài, dù chỉ một người viết lách bình thường thôi đều thuộc một giai cấp nhất định. Và những tác phẩm của họ đều được gửi gắm, trăn trở, suy nghĩ, khát vọng, những tâm tư tình cảm, cũng đồng thời thể hiện tư tưởng tình cảm với giai cấp của mình gắn bó.

Một tác phẩm văn học có thế phục vụ tốt cho một giai cấp xã hội này mà đi ngược lại với quyền lợi của giai cấp kia. Vì thế, mỗi nhà văn chính là người đại diện cho một giai cấp. Goocki đã nói: “Nhà văn là tai, là mắt, bộ máy cảm quan của một giai cấp. Nhà văn có thể không có ý thức về điều đó, song bao giờ cũng là một bộ phận của giai cấp”. Vấn đề giai cấp được khẳng định rõ ràng và dứt khoát. Mỗi nhà văn phải tự phấn đấu vươn lên chính mình và vươn lên trong giai cấp mà mình đang đấu tranh.

Trong luận điểm của mình, Bác đặc biệt chú ý đến vai trò của người nghệ sĩ. Họ cũng hoạt động trên mặt trận văn hóa với tư cách và nhiệm vụ của người chiến sĩ. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh trong suốt ba mươi năm qua những nhà văn lớn dường như là chiến sĩ. Ở nghĩa đen ta thấy chiến tranh ác liệt đã thôi thúc họ phải cầm súng bảo vệ đất nước, có người bị thương, bị tàn phế và có cả người đã hi sinh. Và bên cạnh ta phải thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, định hướng văn học phục vụ chính trị, phục vụ giai cấp, phục vụ dân tộc. Cho nên, với vai trò là nghệ sĩ càng không thể làm ngơ. Từ đó những khám phá, những sáng tạo các hình tượng nghệ thuật độc đáo, có chiều sâu để cổ vũ người đọc trong lao động, chiến đấu và xây dựng tổ quốc XHCN ra đời. Không phải ngẫu nhiên mà cảm hứng lãng mạn và sử thi quán xuyến cảm hứng văn học suốt ba mươi năm qua, không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm luôn lấy cảm hứng công dân chi phối toàn bộ. Tất cả xuất phát từ quyền lợi giai cấp công nông và quyền lợi cả dân tộc.

Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận

Nhà thơ cũng phải biết xung phong, câu thơ của Bác vào thời điểm này đúng sự thật. Nhà thơ không thể thụ động trước cuộc chiến đấu, không thể tối rúc vào vỏ rùa cứng cáp của mình mà nhà thơ phải biết xung phong, phải biết trách nhiệm, lương tâm của mình. Nhà thơ không thể là nhà đại ngôn, hoa ngữ mà nhà thơ phải biết hành động, vấn đề là không phải chỉ ngồi bàn tròn phiếm đàm, nên làm thế này thế nọ mà vấn đề chính là văn nghệ sĩ phải tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và có mặt ở mũi nhọn của nhiều trận tuyến chiến tranh. Cảnh đầu rơi máu chảy của dân tộc không cho phép người nghệ sĩ ngồi luận bàn chuyện thế gian. Không tự nguyện đứng trong mặt trận văn hóa, không hát cho đồng bào tôi nghe thì những nghệ sĩ ấy vô lương tâm vô trách nhiệm.

Từ ông hoàng thơ mới bế tắc ở giai đoạn sau, Xuân Diệu nói tôi cùng xương, cùng thịt với nhân dân, cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu. Từ một lối riêng, Xuân Diệu đến với cuộc đời chung, những tác phẩm của Xuân Diệu đã nói lên những ý hướng ngoại đó: Riêng chung, Cầm tay, Tôi giàu đôi mắt. Và Chế Lan Viên cũng có ý mở rộng lòng đón gió thời đại:

Bài thơ anh làm một nửa mà thôi

Còn một nửa do mùa thu làm lấy.

Chứ không phải như đôi mắt của Hoàng, đôi mắt thiển cận nhìn nhân dân và cuộc kháng chiến mà nhân dân đang tiến hành là việc của ai, là những trò lố đáng cười...

Lời nói của Bác đã nói lên lập trường kháng chiến. Cuộc chiến đấu đã vào thời điểm sinh tử. Cho nên quyết tư cho Tổ quốc quyết sinh không chỉ dành cho người biết cầm súng mà phải ở tận tư chất của nhà văn. Câu nói này kêu gọi, thúc giục họ dùng ngòi bút để phá bom đạn, cường quyền và cứ lần chần, lừ chừ là mình lỡ cơ hội phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, là có tội với quê hương, với Tổ quốc.

Quả thật, Bác không thể nói gì khác hơn và nhiều hơn vào thời điểm này. Đất nước lâm nguy thì mọi người tham gia kháng chiến, văn nghệ sĩ cũng tham gia theo lời kêu gọi kháng chiến của Bác: Toàn dân, toàn trí, tự lực cánh sinh, trường kì kháng chiến... Lời nhắn nhủ văn nghệ sĩ ở thời điểm bây giờ là một chân lí chính xác. Nam Cao cũng đã từng phát hiện rằng trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng, thời điểm tiếng kêu la phát ra từ những kiếp lầm than thì không thể, không được phép ngồi ca ngợi, mơ tưởng nhừng người đàn bà đẹp trên xích đu hay mơ màng chuyện quá xa hiện thực.

Chân lí này phần nào có tính phổ quát. Ta cũng thấy những tác phẩm phản phong của văn học dân gian đã tố cáo, đả kích bêu rếu giai cấp thống trị. Các loại truyện cười, truyện cổ tích có nội dung đấu tranh xã hội cao. Và những câu tục ngữ, ca dao chính là công cụ đấu tranh của người nghèo bị áp bức, bóc lột:

Bao giờ dân nổi can qua

Con vua thất thế lại ra quét chùa.

Đánh đuổi thù trong giặc ngoài là cực kì quan trọng, cho nên không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam phần lớn những nhà chính trị đều là những nhà văn lớn. Họ kêu gọi, tập hợp nhân dân đi theo tiếng nói đầy sức thuyết phục của mình.

Hịch tướng sĩ lôi cuốn người nghe bằng trái tim sôi sục yêu nước của Trần Quốc Tuấn, và những áng văn hào hùng, sảng khoái như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, lời kêu gọi tha thiết của Phan Bội Châu là những chứng minh hùng hồn.

Tính chiến đấu của người nghệ sĩ

Dòng văn học cách mạng 1930 - 1945 đã để lại trong lòng người đọc rất nhiều điều: buồn thương, đau đớn êm đềm... nhưng không ai không nhớ lời kêu gọi của Phan Bội Châu:

Dậy! Dậy!...

...Đúc gan sắt để dời non lấp bể

Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ.

(Bài ca chúc Tết thanh niên)

Để có cuộc tổng diễn tập đầu tiên tiến tới Cách mạng tháng Tám, có biết bao bài ca, bài thơ cách mạng ra đời. Và những nhà văn chiến sĩ không thể phê phán bằng vũ lực, khi vào tù họ lại tiếp tục phê phán bằng vũ khí văn chương. Có lẻ Đảng ta mạnh, phát triển và làm nên những trang sử hào hùng là nhờ những chiến sĩ tự xác định:

Nếu mai đây có chết một thân tôi

Hai mươi tuổi tim đang dạt dào máu.

(Tố Hữu)

Đến khi Cách mạng thành công rồi bước vào giai đoạn chống Pháp, trong đời sống văn nghệ cũng đã hình thành nhiều lớp nhà văn - chiến sĩ, những nhà văn hăng hái tham gia vào sự nghiệp cách mạng, dùng ngòi bút phục vụ cách mạng một cách tận tụy, hết mình. Nhà văn không những cho máu mà còn biết hiến hết máu cho mảnh đất quê hương, cho rừng núi, non sông Việt Nam. Họ - có thể là những học sinh trẻ tuổi xếp bút nghiên, từ giã học đường - đi theo tiếng gọi kháng chiến.

Phần lớn những văn nghệ sĩ tự nguyện lột xác mình cất cái tôi cũ của mình để đến với nhân dân. Dù phải sống cực khổ, ăn uống đạm bạc có khi thật sự thiếu thốn nhưng họ vẫn bám trụ với Việt Bắc, đấu tranh hết mình ở Việt Bắc chứ không bỏ hàng ngũ, bỏ đồng đội ra đi.

Biết bao người đã gắn bó với cuộc kháng chiến và cũng không ít người vì kháng chiến đã ngã xuống. Nam Cao đã hi sinh trên đường về quê hương trong vùng địch hậu. Nguyễn Thi với những trang văn ngồn ngộn, hình ảnh cuộc chiến đấu của dải đất Nam Bộ đã bỏ mình ở góc phố Sài Gòn trên đường Minh Phụng, khi chết tay còn nắm chặt khẩu AK... và những người khác nữa bỏ quên đời ở Tây Bắc, Việt Bắc, ở khắp các chiên trường lớn nhỏ. Không còn nghi ngờ gì nữa, ta khẳng định chính họ đã được sinh ra để phục vụ ai và sống vì ai. Hồi Lê Anh Xuân đã ngã xuống như những chiến sĩ trên đường bay Tân Sơn Nhất và để lại Dáng đứng Việt Nam bất khuất anh hùng... Họ đã ra đi mãi mãi và để lại những trang văn in dấu một thời. Cái nhiệt tình công dân tạo nên cảm hứng sáng tạo và sự hi sinh của những nhà văn chiến sĩ là rất to lớn, vô giá. Họ là thế đấy! Chiến đấu với bệnh tật, với cái chết đang kề cận mà Nguyễn Minh Châu vẫn phục vụ Tổ Quốc, nhân dân, viết Phiên chợ Giát ở quê hương. Nguyên Hồng ẩn mình nơi rừng sâu Yên Thế viết về anh hùng Hoàng Hoa Thám... Rồi hàng loạt những nhà văn tiền chiến đã tham gia cách mạng, từ chối những phòng văn sang trọng ở Hà Thành như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Xuân Diệu... Họ đã vác ba lô theo bước chân anh vệ quốc. Cùng chính vì thế mà hôm nay đọc lại Trận phố Ràng (Trần Đăng), Tây Tiến (Quang Dũng)... chúng ta thấy văn học nghệ thuật quả là tham gia vào mặt trận theo cách riêng của mình.

Quan điểm Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận vẫn rõ ý nghĩa lâu dài khi chúng ta xác định trách nhiệm và tính chiến đấu của người nghệ sĩ. Bác muốn khẳng định rõ cho tất cả tầm quan trọng và tính quyết liệt của địa hạt này. Và Bác cũng khuyên nhủ những họa sĩ, cũng như những vãn nghệ sĩ, những người tham gia lĩnh vực này phải có đôi mắt cách mạng, tinh thần cách mạng sắc bén và đúng nghĩa.

Viết bình luận