Giới thiêu về một di tích lịch sử gắn liền với quá khứ hào hùng của dân tộc

Nằm ở xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), trên đồi Khau Tý có "Phủ Chủ tịch" đầu tiên ở Việt Nam.

Đồi Khau Tý ngát xanh lại thêm trữ tình bởi dòng suối Đình chảy quanh, e ấp dáng vẻ sơn nữ. Tại nơi này (khi đó là An toàn khu) vào ngày 20-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tám chiến sĩ được Bác đặt tên (Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi) đã xây dựng "Phủ Chủ tịch" đầu tiên để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Khau Tý

Thời gian đó, Bác đến xóm Thẩm Doọc, ở nhà ông Ma Đình Tương - Chủ tịch huyện. Những chiến sĩ của Bác đã cùng những thanh niên dân tộc xẻ ván làm sàn, dựng lán vách nứa, lợp mái bằng lá cọ để làm nơi Bác ở và làm việc. Bác đã trồng cạnh lán vầng hoa dâm bụt, như để gợi nhớ hình ảnh quê hương. Nay, vầng hoa ấy đã thành cổ thụ, cao những 3m.

Theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chính tại Điềm Mặc vào thu đông năm 1947, Bác đã viết bài thơ "Cảnh khuya". Ông Tạ Quang Chiến (người trong số các chiến sĩ được Bác đặt tên, nay ở Hà Nội) còn nhớ, vào khoảng tháng 10-1947, giữa lúc quân Pháp ồ ạt tấn công Việt Bắc, tại đồi Khau Tý, Bác đã viết cuốn sách Sửa đổi lề lối làm việc với bút danh X.Y.Z.

Tại Điềm Mặc còn có nhiều di tích mà bạn khó thể bỏ qua như nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, nơi ra đời nhiếp ảnh cách mạng (ở đồi Bản Bắc), di tích Tỉn Keo, bảo tàng An toàn khu, nơi Bác Tôn làm việc (nhà ông Nguyễn Văn Lá)... Bạn có thể ngược lên xã Phú Đình dạo chơi thác Khuôn Thác bảy tầng. Nếu bạn nghỉ đêm trên nhà sàn của Ban quản lí di tích sẽ còn được cơ hội nghe những thiếu nữ dân tộc hát then, hát lượn, sli trong tiếng đàn tính của nghệ nhân Dương Văn Sang. Nếu may mắn hơn, bạn còn được xem nghệ nhân Ma Quang Chóng cùng phường rối Tày Thẩm Doọc duy nhất ở vùng Việt Bắc biểu diễn. Vào ngày 4, ngày 9, chợ Điềm Mặc họp, bán nhiều nấm hương, măng khô, mật ong,... là những thứ quà dân dã du khách thường mua về.

Đến Khau Tý bây giờ, sau khi tới bên tấm bia đá khắc ghi sự kiện gần năm tháng Bác sống và làm việc ở nơi này, du khách có thể vào nhà sàn ông Ma Đinh Soạn trò chuyện, rồi xin phép ông lên đồi Khau Tý hái măng. Măng vầu có nhiều ở đầu mùa xuân. Du ngoạn trong rừng vầu, vừa đi vừa hỏi chuyện xưa với dân địa phương, dưới ánh mặt trời dẻ quạt chiếu xiên, cũng là điều thú vị. Đi hái măng, bạn nên đi chân đất để dễ phát hiện chồi măng nhú. Những chỗ măng nhú, đất thường nứt rạn và bạn chỉ cần dùng dao hoặc thuổng gạt nhẹ lớp lá vầu khô rồi đào sâu độ 20 - 30cm là thấy măng. Cây măng lá tím, bẹ vàng đầy lông. Loại măng này tước vỏ là có thể ăn sống được, rất ngọt.

Khau Tý 2

Khi trở về nhà sàn, du khách sẽ được bà con người Tày hướng dẫn cách xào măng cháy cạnh hoặc luộc măng chấm với mẻ vàng ngầy ngậy, chua chua. Măng có thể chế biến thành món măng nhương (khoét ruột nhồi thịt rồi hầm)-hoặc nấu cá bống suối... Uống rượu men lá và thưởng thức các món đó, rồi ăn cơm gạo bào thai Định Hóa, bảo đảm bạn khó có thể quên được hương vị đặc biệt trong chuyến du lịch ở nơi chỉ cách thành phố Thái Nguyên chưa đầy 30km.

Viết bình luận