Tìm hiểu tâm sự và chí hướng của Phan Bội Châu qua những câu thơ sau đây: "Đã khách không nhà trong bốn bể... Mở miệng cười tan cuộc oán thù"

Trong những lần vào tù ra khám, những nhà cách mạng thường dùng văn thơ để ghi lại tâm sự và chí hướng của mình.

Chúng ta có thể tìm hiểu tâm sự và chí hướng của nhà cách mạng Phan Châu Trinh qua bài “Đập đá ở Côn Lôn”, “ngồi tù ở ngục Santé”. Qua tác phẩm “Thi tù tùng thoại”, chúng ta cũng có thể hiểu được nỗi lòng cùng tâm hồn của nhiều nhà cách mạng khác.

Ngục tù Quảng Đông

Trên đường bôn ba nơi hải ngoại để mong thực hiện lí tưởng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp, trong những lần vào tù ra khám, Phan Bội Châu cũng đã ghi lại tâm sự và chí hướng của mình qua nhiều văn thơ. Đoạn thơ sau đây trích trong bài “Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông” giúp ta hiểu được khá nhiều tâm sự và chí hướng của nhà cách mạng họ Phan:

Đã khách không nhà trong bốn bể,
Lại người có tội giữa năm châu
Dang tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Năm 1913, khi trong nước xảy ra vụ ném bom ở Thái Bình và khách sạn Hà Nội, thì tại tỉnh thành Quảng Đông - nới mà nhà cách mạng Phan Bội Châu đang hoạt động - có quân lính gây chiến, Long Tế Quang được lệnh kéo binh đến để nhận chức Đô đốc tỉnh Quảng Đông, Pháp âm mưu mua chuộc Long Tế Quang để ông này bắt giam Phan Bội Châu vào ngục.

Cuộc đời vào tù ra khám không thể làm nản lòng, thối chí một người đã quyết hi sinh vì đại cuộc như Phan Bội Châu.

Đứng ra chủ trương và lãnh đạo trong phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp, Phan Bội Châu đã thấy trước tất cả những gian lao nguy hiểm đang chờ đón mình.

Tuy nhiên, trong bao năm lưu lạc nơi đất khách, theo đuổi một lí tưởng cao cả, mang trong mình một sứ mạng thiêng liêng: cứu dân, cứu nước, nhà cách mạng không khỏi chạnh lòng nghĩ đến tấm thân trôi nổi, rày đó mai đây không nơi nương tựa. Giữa cảnh mênh mông và vô cùng rộng lớn của trời đất thế mà Phan Bội Châu không tìm được một mái nhà để sưởi ấm lòng người viễn khách trên bước đường li hương:

Đã khách không nhà trong bốn bể.

Trong những ngày còn ở tại quê nhà, Phan Bội Châu phải lén lút hoạt động để tránh sự dò xét của thực dân Pháp. Cho đến khi ra hải ngoại và mỗi lần trở về nước, ông đều phải giữ bí mật hành tung.

Không có cơ hội hoạt động ở quê hương, trốn ra hải ngoại, Phan Bội Châu cũng chẳng được may mắn hơn., ông đã yêu cầu các chính khách Nhật và Trung Hoa giúp cho phương tiện trong việc đòi lại chủ quyền của đất nước. Những người này hứa sẽ sẵn sàng giúp và hứa hẹn rất nhiều nhưng đó chỉ là những lời nói suông. Năm 1908, sau khi kí thương ước với Pháp, Chính phủ Nhật đã ra lệnh trục xuất tất cả những nhà cách mạng Việt Nam trên đất Nhật. Phan Bội Châu cùng các bạn đồng chí sang Trung Hoa để tạm tránh và tiếp tục việc mưu đồ đại sứ, nhưng nơi đây nhà cầm quyền Trung Hoa cũng chẳng để cho ông và các bạn đồng chí được yên.

Ở trong nước, Phan Bội Châu đã bị thực dân phong kiến đặt ra ngoài vòng pháp luật, ra nước ngoài ông cũng vẫn bị theo dõi. Đâu đâu ông cũng phải hoạt động một cách âm thầm, lén lút.

Nhân vụ ném bom ở Thái Bình và khách sạn Hà Nội, thực dân Pháp lên án xử tử 4 người làm cách mạng trong đó có Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Bủa lưới khắp trong nước để bắt cho kì được Phan Bội Châu, thực dân còn thương thuyết các nước lân bang để truy nã ông một cách gắt gao.

Vậy khắp năm châu, đâu đâu Phan Bội Châu cũng là kẻ có tội.

Lại người có tội giữa năm châu.
Nhưng Phan Bội Châu đã làm gì nên tội? Phải chăng ông đã thiết tha yêu nước và mong mỏi đòi lại chủ quyền quốc gia trong tay thực dân? Thực dân không muốn cho nước Việt Nam được tự do, Phan Bội Châu tranh đấu đòi tự do. Thực dân rêu rao khai hóa dân tộc nhược tiểu nhưng kì thật chúng muốn cho Việt Nam mãi mãi là thuộc địa của chúng. Vì lẽ ấy, cường quyền và pháp luận của thực dân đã lên án Phan Bội Châu.

Bốn câu thơ trong bài “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” trên đây không những đã nói lên tâm sự của nhà cách mạng Phan Bội Châu mà còn cho chúng ta biết thêm chí hướng của ông nữa.

Chí hướng của Phan Bội Châu là chí hướng của một người luôn luôn mưu việc ích nước lợi dân. Lí tưởng này đã có ngay trong người của Phan Bội Châu từ lúc ông còn là một thư sinh. Khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi bôn đào (năm 1885), Tôn Thất Thuyết liền hạ chiếu cần vương. Lúc bấy giờ chỉ là một thư sinh vừa 18 tuổi, Phan Bội Châu hăng hái hưởng ứng phong trào kháng Pháp bằng cách lập ra “sĩ tử cần vương đội”. Kịp đến lúc trưởng thành, ông đã quên thân mình, quên chữ công danh, đi khắp trong nước để vận động công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Vì muốn thực hiện việc kinh bang tế thế mà Phan Bội Châu phải lưu lạc nơi xứ người, chịu muôn ngàn cay đắng, vào tù ra khám. Tuy nhiên, nhà ái quốc chân thành họ Phan, trước những đe dọa của thực dân, vẫn “ôm chặt bồ kinh tế”:

Dang tay ôm chặt bồ kinh tế.

Nhưng lí tưởng của Phan Bội Châu không phải chỉ dừng lại khi ông đã hoàn thành sứ mạng giành lại chủ quyền cho đất nước, ông còn muốn tiến xa hơn nữa, chủ trương dùng võ lực để đánh đuổi kẻ thù cướp nước ta khỏi lãnh thổ, nhưng Phan Bội Châu không hề có tư tưởng “kì thị chủng tộc”.

Ông muốn tiến đến một xã hội mà trong đó loài người không còn thù oán, giận ghét nhau. Là một nhà nho uyên thâm, ông muốn thực hành câu của thánh hiền “dĩ đức báo oán”. Kẻ thù đối xử tàn ác với mình nhưng với độ lượng quân tử, với lòng nhân ái, mình phải dùng sự ôn hòa, đức độ để đối xử với họ, thù oán nhờ đó sẽ được xóa tan.

Gặp lúc hoạn nạn người quân tử không nên trách trời, hờn giận người mình phải xét nét lỗi mình, suy ngẫm để sửa chữa những khuyết điểm.

Nhà ngục Quảng Đông

Trên đường tranh đấu, là một chiến sĩ cách mạng tiên phong, Phan Bội Châu thấy cần phải thực hành phương châm “bớt thù thêm bạn” để gây thêm uy lực cho mình, những sự oán thù, hiềm khích cũng sẽ được giải quyết một cách ôn hòa.

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Lí tưởng của nhà cách mạng Phan Bội Châu được thể hiện qua bốn câu thơ trên là lí tưởng đại đồng, nhân ái mà chúng ta có thể tìm được nơi các bậc hiền triết trên thế giới.

Tâm sự và chí hướng của Phan Bội Châu trong bốn câu thơ trên là tâm sự của một nhà ái quốc đã gặp nhiều nỗi gian truân trên bước đường thực hiện, lí tưởng cứu dân cứu nước và chí hướng của ông là chí hướng của một anh hùng lúc nào cũng muốn đem tài kinh bang tế thế của mình để làm nên những việc phi thường, lưu lại cho hậu thế những chiến công hiển hách.

Với những lời thơ hào hùng, Phan Bội Châu đã tỏ ra có một tác phong của người quân tử “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.

Viết bình luận