Hãy giải thích và làm sáng tỏ ý nghĩa của câu ngạn ngữ Hi Lạp: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào”

Đã có biết bao câu hay ý đẹp nói về việc học. Câu ngạn ngữ Hi Lạp là một trong những câu hay ý đẹp ấy từng để lại trong tâm hồn em ấn tượng sâu sắc: "Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào".

"Học vấn" nghĩa là sự hiểu biết do học tập mà có. "Đắng cay" tượng trưng cho gian khổ, khó khăn. "Chùm rễ đắng cay" là biểu tượng nói lên muôn vàn gian khổ khó khăn mà "cây" học vấn phải trải qua, phải nếm trải để mới có "hoa quả ngọt ngào". "Hoa quả ngọt ngào" nói về thành quả học tập, thành công tốt đẹp trong học tập nhờ nỗ lực mà thu hái được.

Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào

Câu ngạn ngữ Hi Lạp nêu lên một chân lí, một bài học làm người rất sâu sắc: "Cái giá của học vấn rất đắt; phải nếm trải nhiều khó khăn gian khổ trong quá trình học tập mới thu được kết quả tốt đẹp, mới có học vấn cao, mới trở thành trí thức".

Tại sao học vấn có những “chùm rễ đắng cay”?

Muốn có cơm ăn thì phải cấy cầy. Muốn nên người, muốn biết chữ thì phải học. Người nông dân phải dãi nắng dầm mưa, chân bùn tay lấm, đổ biết bao công sức mồ hôi, "ba tháng trồng cây không bằng một ngày trông quả", trông nắng, trông mưa, trông ngày trông đêm mới có cả những "bát cơm đầy dẻo thơm", mới có những mùa vàng bội thu. Đi học cũng vậy. Các nhà nho ngày xưa dấn thân vào cửa Khổng sân Trình phải đêm ngày "nấu sử sôi kinh", phải "thập niên đăng hỏa". Vì thế, Nguyễn Công Trứ coi đó là "nợ đèn sách", "nợ cầm thư" mà người con trai, đấng nam nhi phải trả: "Cái nợ cầm thư phải trả xong".

Thời nào cũng vậy, cái giá của học vấn rất đắt: "Học vấn có những chùm rễ đắng cay". Nó được đổi bằng sự thức khuya dậy sớm, miệt mài đèn sách với việc học thầy, học bạn. Ngoài sách giáo khoa còn có trang sách cuộc đời muôn hình ngàn vẻ, luôn luôn biến đổi mà chúng ta cần phải bổ sung kiến thức. Đường đến trường đến lớp đâu gần, có nhiều hôm phải đội mưa đội nắng đi học. Học ngày, học đêm. Học toán, lí, hoá, học văn, sử, địa, học vi tính, học ngoại ngữ. Càng học lên cao, nhất là chuẩn bị cho các kì thi: thi học kì, thi chuyển câp, thi tốt nghiệp, thi cao đẳng, thi đại học... đều là những cái "rễ" trong "chùm rễ đắng cay" ấy mà người học phải nếm trải.

Học tập là một cuộc đua tranh không có chặng cuối, chặng nghỉ. Có lúc sức khỏe không tốt, nhức đầu cảm cúm mà ta vẫn cố gắng đến lớp để "không bỏ bài" không kém bạn.

Nhiều du học sinh Việt Nam phải vừa học vừa làm thuê, phải đi rửa bát... nhiều tháng nằm ở xứ người mới trở thành thạc sĩ, tiến sĩ. Phải nếm trải nhiều "đắng cay".

"Học vấn có những chùm rễ đắng cay". Phải có tiền để ăn học. Phải có áo quần tươm tất mặc đến lớp. Phải có tiền mua sắm sách vở, tài liệu, dụng cụ học tập. Phải có tiền trả học phí. Đó là "chùm rễ đắng cay". Với con nhà nghèo thì "chùm rễ đắng cay" ấy không thể nào kể xiết. Có những học sinh vùng sâu vùng xa, ở nông thôn nghèo tuy học giỏi nhưng không thể đến Hà Nội và các thành phố để học cao đẳng và đại học được vì không có kinh phí. Đúng là cái khó bó cái khôn.

Con đường của tuổi trẻ là con đường học tập

"Học vấn có những chùm rễ đắng cay", nếu có thông minh, nghị lực, kiên trì bền bỉ, có chí vươn lên, sáng tạo thì mới thu hái được hoa quả ngọt ngào. Nhờ học tập rèn luyện mà sự hiểu biết được mở mang, có kiến thức văn hoá, khoa học, kĩ thuật, ngoại ngữ. Mới trở thành trí thức, có thực học thực tài, mới trở thành kĩ sư, bác sĩ, giáo sư,... đem đức tài ra phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hoa thơm trái ngọt của học vấn là do bao chùm rễ đắng cay làm nên trong nhiều năm tháng. Nhờ có "chùm rễ đắng cay""cây" học vấn mới có cành lá sum sê, mới có hoa trái "ngọt ngào".

Học tập không chỉ đi thi lấy mảnh bằng. Nhưng thi cử lại cần thiết để đánh giá học vấn người học. Mỗi lần được lên lớp, mỗi lần thi đỗ, mỗi lần đem kiến thức văn hoá, khoa học, kĩ thuật, sự hiểu biết của mình đóng góp vào sự nghiệp chung, ta mới thâm thía câu ngạn ngữ Hi Lạp: "Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào".

Con đường của tuổi trẻ là con đường học tập. Con đường học tập có nhiều khó khăn gian khổ. Để có học vấn cao, có kiến thức sâu rộng, ta phải bền bỉ học tập, phải quyết tâm "Có công mài sắt có ngày nền kim". Cái giá học vấn rất đắt, nhưng thành quả học vấn rất cao quý. Có học mới nên người. Có học mới thành tài.

Chúng ta đang sống trong thời đại tin học, thời đại kinh tế tri thức. Vì thế, ta phải nỗ lực và vượt khó để vun đắp học vấn cho mình để thi thố tài năng, để phục vụ lực cho Tổ quốc và nhân dân.

Viết bình luận