“Khóc Tiểu Thanh nhưng thật ra Nguyễn Du đã làm “điếu văn” trước cho mình...”. Phân tích ngắn gọn bài Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du để làm sáng tỏ nhận định trên

“Khóc Tiểu Thanh nhưng thật ra Nguyễn Du đã làm “điếu văn” trước cho mình. Ông cảm thấy cô đơn, trơ trọi trên thế gian, cảm thấy như phận mình cũng chính là phận đời của Tiểu Thanh và ngược lại. Hơn nữa bài “điếu văn” này chính là thái độ của Nguyễn Du đối với chế độ phong kiến lúc bấy giờ: lên án cái xã hội thối nát đã chà đạp lên quyền sống, quyền được hạnh phúc, được yêu thương của con người... Giá trị nhân đạo và hiện thực vì vậy càng thêm sâu”. Phân tích ngắn gọn bài Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du để làm sáng tỏ nhận định trên.

Bài làm

Dường như mọi số kiếp tài hoa mà bạc mệnh luôn được Nguyễn Du dành cho tấm lòng nhân đạo mênh mông. Tiểu Thanh là người vợ lẽ của thương gia họ Phùng. Nàng bị vợ cả giam lỏng ở Côn Sơn bên Tây Hồ, nàng đau khổ mà chết trong tuổi xuân cô độc lạnh lùng. Nguyễn Du đã soi bóng số phận mình vào trong đó.

Phân tích ngắn gọn bài Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du

Hai câu thơ đầu nói lên sự thay đổi của vườn hoa Tây Hồ nơi Nguyễn Du đọc câu chuyện về nàng Tiểu Thanh. Nguyễn Du đã đối lập sự vật của ngày xưa với hôm nay: Trước đây, không gian ở hồ Tây có một vườn hoa rực rỡ, hương sắc. Còn bây giờ nó là bãi gò hoang như nghĩa địa. Trong khung cảnh điêu tàn ấy, Nguyễn Du ngồi đọc truyện Tiểu Thanh, ông ngồi đọc một mình đề mà thương xót cho vong hồn của nàng.

Tiểu Thanh là ai? Đời nàng thế nào mà Nguyễn Du phải rơi lệ? Nhà thơ đã lựa chọn hai chi tiết tiêu biểu trước lúc chết của Tiểu Thanh rồi họa chân dung: nàng Tiểu Thanh mất khi còn xuân sắc (son phấn), và tài năng đang rộ nở trên những áng thơ văn (văn chương).

Ở hai câu luận, Nguyễn Du gọi đời Tiểu Thanh là nỗi hờn đớn đau; không phải ngày xưa mà cho đến bây giờ, không phải nàng Tiểu Thanh phận gái mà ngay cả những người như Tố Như. Nguyễn Du như không thể hiểu ý trời.

Hai câu kết đã đặt ra một câu hỏi ứa máu: Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, người đời ai khóc Tố Như chăng. Như vậy, sau ba trăm năm chết oan ức Tiểu Thanh đã có một người hiểu và thông cảm (hiểu hơn cả là kẻ nhận mình là chồng). Dù sao nếu có linh hồn, Tiếu Thanh có thể ngậm cười chín suối. Còn Nguyễn Du liệu sao ba trăm năm ông đã chết có ai nhỏ nước mắt cho ông không? Câu hỏi chứa đựng một nỗi đau âm thầm, như ngầm chỉ trích xã hội mất hết nhân tính thời bấy giờ.

Thực ra không cần đợi đến ba trăm năm, chỉ mới hai trăm năm sau ngày Nguyễn Du mất, trong không khí sôi sục của cuộc chiến kháng chống Mỹ, thế hệ mới tiến bộ đã hiểu và đã cùng Nguyễn Du nở nụ cười.

“Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”.

(Tố Hữu)

Viết bình luận