Nghị luận: Đừng vung phí thì giờ

Hơn 2.000 năm về trước, Khổng Tử khi nhớ lại một đời tu dưỡng học tập của mình, đã nói:

- Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ.

Nghĩa là: Lúc 15 tuổi, ta đã để chí ở việc học, lúc 30 tuổi, ta đã có vị thế tự lập, 40 tuổi, ta không có gì để nghi ngờ, 50 tuổi ta đã biết mệnh trời, 60 tuổi, ta biết nghe những điều thuận đạo lí, 70 tuổi, ta có thể sống theo điều ta muốn mà chẳng xa rời đạo lí.

Sở dĩ Khổng Tử có thể thành Thánh nhân, vĩ nhân vì ông đã sớm biết lập chí hướng, coi trọng việc học hành, tu nhân từ tuổi thiếu niên.

Năm tháng vùn vụt trôi qua như tên bắn, khi đã luông tuổi, nhiều người nhớ lại những chuyện cũ mà không khỏi đau lòng xót xa. Lúc bấy giờ có hối tiếc cũng không kịp nữa, mới cảm thấy thấm thía sự ngắn ngủi của đời người.

Đừng vung phí thì giờ

Thời gian là khách quan, công bằng nhất, bất luận vua quan, bà hoàng, ông lớn, kẻ sĩ, nông phu, nhà kinh doanh, kẻ buôn bán, đứa ăn mày... đều có một quỹ thời gian như nhau, hạn độ, sâu rộng như nhau, ngày và đêm, năm và tháng như nhau. Một ngày qua đi chẳng ai có thể níu kéo trở lại được. Thời gian như thoi đưa, như nước chảy qua cầu. Khi tóc đã điểm bạc, mặt trời đã ngả về tây, ngoảnh đầu lại bỗng giật mình thấy cuộc đời mình ngắn ngủi như khoảnh khắc, trong ảo mộng vậy.

Đối với sự vần xoay của vũ trụ, cuộc đời của mỗi người tựa như hạt muối bể, vừa nhỏ bé vừa dễ bị tiêu tan. Thế mà trong xã hội có nhiều thanh thiếu niên không biết coi trọng thời gian, sống ăn chơi đua đòi buông thả. Họ mỉm cười khi nghe ai đó nói: “ Thì giờ là vàng ngọc”! Họ lãng phí thời giờ, họ buông thả chạy theo mọi cám dỗ vật chất, nhưng lại luôn mồm nói: “Tương lai là của chúng ta!”

Cổ ngữ có câu: “Thiếu niên bất nỗ lực, lão đại đồ thương bi”, nghĩa là tuổi trẻ không chăm chỉ, cố gắng thì tuổi già sao không khỏi tiếc nuối, xót xa. Đó là một lời khuyên chí lí.

Viết bình luận