Nghị luận: Sự bình thường xa xỉ
“Từ lúc biết con bệnh, tôi không còn là một người bình thường. Mọi người trong nhà cũng thay đổi hẳn cách suy nghĩ. Tôi sống khiêm nhường hơn, quan tâm đến mọi người hơn, bớt bon chen trong cơ quan, bớt cao giọng khi ngồi tán dóc, bớt đi những tham vọng và kế hoặch to lớn trong cuộc đời”. Anh đã tâm sự như vậy với các phụ huynh cùng nhóm có con tự kỉ.
Chồng đang là một trong những lãnh đạo thuộc diện quy hoạch ở một cơ quan. Vợ là tiến sĩ giảng dạy tại trường đại học. Cháu trai đầu là sinh viên xuất sắc tại một trường đại học ở Singapore. Sự thăng tiến trong công việc và kinh tế gia đình của hai vợ chồng cũng như thành quả học tập của cậu con lớn khiến gia đình anh luôn tự hào về học thức, địa vị ở mức “trên cả bình thường”. Song sự bất bình thường đã xuất hiện khi anh phát hiện cậu con thứ hai mắc chứng tự kỉ. Cả gia đình anh vạch hẳn một kế hoạch sống và phấn đấu để trở thành một gia đình bình thường với một đứa con bình thường. Sự bất bình thường mà bây giờ anh mới thấy là xa xỉ đến thế.
Vì một gia đình có một đứa con tự kỉ sẽ không có những bữa ăn trật tự, không có những giấc ngủ đúng giờ, không có những buổi đi ra ngoài mà không phải cử người canh thằng bé luôn sẵn sàng lẫn mất vào đám đông hay điềm nhiên giật đồ, chạy vào nhà ai đó nghịch phá. Mọi sinh hoạt có thể bị đảo lộn, mọi thú vui bị cắt bỏ, mọi giây phút và tiền bạc phải dồn vào việc dạy dỗ và giúp con có thể thành một đứa trẻ bình thường.
...Khi tôi tới đón con sau buổi học đầu tiên ở lớp tiền tiểu học, cô giáo chào tôi với cái nhìn thiểu não: Nó quá vô tổ chức, nó viết chữ quá to so với ô li quy định, nó không chịu ngủ trưa... Nó không giống một đứa trẻ bình thường, nhất quyết phải ngoan ngoãn và lịch sự.
Xung quanh chúng ta có biết bao đứa trẻ như vậy? Trong cuộc sống có biết bao người khác thường đến mức không có cơ hội hoà nhập cuộc sống bình thường. Xã hội bình thường liệu có dung nạp những người không bình thường?
Người bình thường sẽ chỉ làm những việc bình thường như chúng ta đang làm đây. Người không bình thường sẽ làm những chuyện không bình thường, song chưa chắc đã dở hoàn toàn. Một ông bố khác lại bảo thế. Singapore nếu không có những ý tưởng “điên rồ” thì mãi mãi chỉ là một làng chài. Nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trong lịch sử loài người, Albert Einstein, lên 4 tuổi vẫn chưa biết nói, nổi tiếng là một sinh viên vô kỉ luật, gặp khó khăn trong quan hệ với người khác. Thực tế chứng minh thế giới này phát triển lên nhờ những việc không bình thường chứ không phải những việc bình thường.
Nhờ sự điên rồ, từ tay trắng, ông Soichiro Honda đã biến một xưởng sửa chữa xe máy với nhà kho chỉ 24 mét vuông trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới. Từ ý tưởng điên rồ là tải tất cả những gì có trên mạng xuống máy tính của mình, Larrry Page và Sergey Brin đã dựng lên người khổng lồ Google chỉ có 100.000 đôla Mĩ trên mặt bằng một gara cũ. Chính Page vẫn không ngừng khuyên các bạn trẻ: “Nếu thế giới đang đi theo một hướng thì phải có con đường khác. Hãy quan tâm tới điều không thể, hãy thử làm những gì mà hầu hết mọi người chưa nghĩ tới”.
Giữa thiên tài và kẻ tâm thần đôi khi chỉ là một khoảng cách nhỏ.
Chính vì vậy mà những người không bình thường và những điều không bình thường cần phải được nền giáo dục hướng tới những việc có ích, dù rất khó khăn. Năm học mới lại đến, có biết bao nhiêu đứa trẻ lại đi qua “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh” (Tôi đi học - Thanh Tịnh) để vào đời. Biết bao cha mẹ lấy cái đích giống nhau để thúc ép con bước tới: học giỏi, trở thành tiến sĩ, giáo sư, kiếm được nhiều tiền... Nhưng sự thật là nhiều đứa trẻ đã, đang và sẽ không bình thường. Có nghĩa với lối sống, luật lệ và cách giáo dục thông thường. Chúng cần một phương pháp đột phá khác!
Viết bình luận