Nhận xét về tác phẩm Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, có ý kiến cho rằng: Giá trị của bài phú là ở chỗ không chỉ làm sống dậy hào khí chiến thắng của trận Bạch Đằng mà còn làm sáng lên những chân lí muôn đời của dân tộc. Em hãy làm sáng tỏ ý kiến
Dàn ý chi tiết
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Trương Hán Siêu và tác phẩm Bạch Đằng giang phú:
+ Trương Hán Siêu là vị quan thời Trần, tính tình cương trực học vấn uyên thâm, vừa có tài về chính trị, vừa có tài về văn chương, ông cùng Nguyễn Trung Ngạn theo lệnh của vua Trần Dụ Tông soạn bộ Hoành Triều đại điển (nói về những điều lệ quy tắc lớn cùa triều đại) và bộ Hình thư (nói về pháp luật) để ban hành cho xã hội.
Tác phẩm của Trương Hán Siêu hiện còn 4 bài thơ và 3 bài văn, trong đó Bạch Đằng giang phú là tác phẩm đặc sắc của lịch sử văn học Việt Nam.
+ Bạch Đằng giang phú là tác phẩm xuất sắc của Trương Hán Siêu, đồng thời cũng là tác phẩm tiêu biểu của văn học yêu nước thời Lí - Trần, một đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học Việt Nam.
+ Bạch Đằng giang phú thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất và truyền thống đạo lí nhân nghĩa sáng ngời của dân tộc Việt Nam. Do đó, Bạch Đằng giang phú cũng thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp của việc đề cao vai trò, vị trí của con người trước lịch sử.
- Giới thiệu nhận định ở yêu cầu đề.
II. Thân bài
1. Sơ lược vài nét về tác phẩm
- Bạch Đằng là một nhánh của sông Kinh Thầy. Tại đây, năm 938 Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán, giết Lưu Hoằng Thao (con vua Nam Hán); năm 981 Lê Hoàn chiến thắng quân Tống và năm 1288, Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên - Mông bắt sống Ô Mã Nhi. Sông Bạch Đằng thành di tích lịch sử lừng danh và trở thành nguồn cảm hứng cho bao tác phẩm nghệ thuật.
- Trương Hán Siêu nhân dịp dạo chơi sông Bạch Đằng đã làm bài phú này. Chưa rõ bài phú viết năm nào, chi ước đoán sáng tác khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi.
- Bạch Đằng giang phú được viết theo phú cổ thể, nguyên tác viết bằng chữ Hán. Cấu tứ của tác phẩm theo hình thức đối đáp giữa chủ và khách. Khách là người yêu cảnh trí thiên nhiên, có thú du ngoạn, tâm hồn khoáng đạt, tâm huyết với lịch sử dân tộc. Khách tìm đến sông Bạch Đăng không chỉ vì yêu thiên nhiên mà còn vì lòng ngưỡng mộ nơi có chiến công oanh liệt và khát vọng tìm hiểu lịch sử dân tộc, noi gương của Tử Trường xưa (sử gia nổi tiếng Trung Quốc đời Hán). Chủ là những bô lão ở ven sông Bạch Đằng mà khách gặp, vừa là dân địa phương, vừa là những người đã từng chứng kiến, từng tham gia chiến trận. Cũng có thể nhân vật bô lão là nhân vật có tính chất hư cấu, tác giả xây dựng lên để dễ dàng bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ về đất nước, dân tộc.
2. Bài phú đã làm sống dậy hào khí chiến thắng của trận Bạch Đằng
- Cảnh sông Bạch Đằng được khắc họa hùng vĩ, hoành tráng qua cái nhìn của khách:
Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một màu.
Nước trời: một sắc,
Phong cánh: ba thu.
- Giữa lúc khách đang hồi tưởng về quá khứ thì các bô lão xuất hiện kể cho khách nghe về những trận đánh thuỷ chiến đã xảy ra nơi đây:
Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.
Các bô lão đã nhắc lại hai chiến thắng lớn theo dòng hồi tưởng, năm 1288 Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã, kế đến là chiến thắng của Ngô Quyền năm 938. Bài phú chủ yếu tái hiện trận đánh năm 1288.
- Lúc đầu ta ra quân trong thế trận giằng co, ngang tài ngang sức bất phân thắng bại, báo hiệu một cuộc thuỷ chiến ác liệt:
Thuyền tàu muôn đội,
Tinh kì phấp phới.
Hùng hổ sáu quân,
Giáo gươm sáng chói.
Trận đánh được thua chửa phân,
Chiến luỹ Bắc Nam chống đối.
Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,
Bầu trời đất chừ sắp đổi.
- Kẻ thù xuất hiện với tư thế hung hăng kiêu ngạo, cậy đông và mạnh có thể quyết sạch cả nước ta:
Kìa:
Tất Liệt thế cường,
Lưu Cung chước dối.
Những tưởng gieo roi một lần,
Quét sạch Nam bang bốn cõi.
- Cuối cùng, quân ta với lòng yêu nước, tinh thần quyết chiến, ngọn cờ chính nghĩa đã chiến thắng:
Khác nào như khi xưa:
Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay,
Trận Hợp Phi, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi.
Nghệ thuật so sánh nhằm đề cao trận thuỷ chiến Bạch Đằng ngang tầm với những trận oanh liệt nhất trong lịch sử Trung Quốc.
- Cách miêu tả trận đánh thật tình đã làm sống dậy hào khí chiến thắng của Bạch Đằng. Lời kể súc tích, ngắn gọn mà vẫn cụ thể, tỉ mỉ khiến người đọc tưởng như cuộc kháng chiến đang diễn ra trước mắt, chuyện quá khứ mà như đang xảy ra trong hiện tại. Câu văn dài gợi không khí trang nghiêm, thiêng liêng; câu văn ngắn gợi không khí gấp gáp, căng thẳng.
3. Bài phú làm sáng lên những chân lí muôn đời của dân tộc
- Trước hết, qua lời kể của các bô lão, bài phú muốn nói khẳng định vai trò, sức mạnh của con người:
Từ có vũ trụ,
Đã có giang san.
Quả là: Trời đất cho nơi hiểm trở,
Cũng nhờ: Nhân tài giữ cuộc điện an.
Hội nào bằng hội Mạnh Tân: như vương sư họ Lã,
Trận nào bằng trận Du Thuỷ: như quốc sĩ họ Hàn.
Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng,
Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.
Ta thắng giặc vì ta có thiên thời, địa lợi, trời cho nơi hiểm trở, nhưng điều quyết định là ta có nhân tài. Mượn những danh nhân và điển tích của Trung Quốc, bài thơ phú nhằm ca ngợi con ngươi Đại Việt, đặc biệt là Trần Hưng Đạo, người có tài mưu lược, phán đoán tình hình, lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến.
- Nếu lời nói của các bô lão khẳng định con người là yếu tố quyết định thì khách trong lời ca của mình đã bổ sung thêm, có người tài là cần thiết nhưng quan trọng hơn, đó là đức cao, tức là có tình nghĩa, đạo lí của dân tộc:
Anh minh hai vị thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thuở thanh bình,
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.
- Cuối cùng, bài phú muốn nêu lên chân lí về sự bất tử của những anh hùng như dòng sông kia hùng vĩ và bất biến:
Sông Đằng một dải dài ghê,
Sóng Hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông.
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh!
III. Kết luận
- Khẳng định những giá trị của Bạch Đằng giang phú.
- Chân lí mà Bạch Đằng giang phú nêu lên mãi mãi là bài học về việc giữ nước và dựng nước.
Viết bình luận