Phân tích đoạn thơ sau trong bài Bài thơ về những tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. "Không có kính không phải vì xe không có kính... Như sa như ùa vào buồng lái"

Mở đầu bài thơ là hình ảnh ít thấy: “xe không có kính”. Kết thúc bài thơ là một hình ảnh giàu cảm xúc và ý chí: “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Phải chăng tiểu đội xe không kính ấy lăn bánh thông đường mau lẹ được nhờ những trái tim cầm lái? Chuyện thật vô lí. Xin hãy lắng nghe lời người chiến sĩ lái xe, hãy đọc thơ và suy ngẫm...

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

Tiểu đội xe không kính

Lời kể hay lời giới thiệu đoàn xe? Ngôn ngữ mộc mạc, nhịp điệu khoan thai mà gợi tả rõ nét. Cứ y như một đoàn xe đang lừng lững tiến lại. Những chiếc xe kì lạ “không có kính chắn gió” - mà thật anh hùng, đang vượt qua chặng đường nguy hiểm, quân thù đánh phá ác liệt: “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”. Trên những chiếc xe ấy, các chiến sĩ đang vững tay lái. Vừa nhấn ga xe lăn bánh ra trận, các anh vừa kể chuyện mình, về đồng đội:

Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.

Đó là những câu thơ tả thực, chỉnh xác đến từng chi tiết. Không có kính chắn gió bảo vệ, xe lại chạy nhanh, nên người lái xe phải đối mặt với biết bao khó khăn nguy hiểm. Nào là gió vào xoa mắt đắng, nào là con đường chạy thẳng vào tim, rồi sao trên trời, rồi chim dưới đất đột ngột, bất ngờ như sa, như ùa - rơi rụng, va đập, quăng ném vào buồng lái, vào mặt mũi, thân mình. Dường như chính nhà thơ cũng đang cầm lái, hay ngồi trong buồng lái của những chiếc xe không kính nên câu chữ mới sinh động, cụ thể, ấn tượng, gợi được cảm giác chân thực đến thế. Cảm giác, ấn tượng căng thẳng, đầy thử thách song người chiến sĩ không run sợ, hoảng hốt. Trái lại, tư thế các anh vẫn hiên ngang, tinh thần các anh vẫn vững vàng...

Xe không kính

Các anh vẫn “Ung dung buồng lái ta ngồi - Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. Hai câu thơ có nhịp thật cân đối: 2/2/2. Đó là sự thăng bằng của chiếc xe đang lăn bánh, sự thanh thản bình tĩnh, tự tin của người lái. Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng... nhìn thấy... thấy... những điệp từ ấy cứ nhấn đi nhấn lại, biểu hiện sự tập trung cao độ của người lái. Hai khổ thơ mở đầu tả thực những khó khăn gian khổ mà những chiến sĩ lái xe Trường Sơn đã trải qua. Trong khó khăn, các anh vẫn bình tĩnh, tự tin, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, gan góc đưa hàng ra tiền tuyến. Không có kính chắn gió bảo vệ, đoàn xe vẫn lăn bánh bình thường. Lời thơ nhẹ nhõm, trôi chảy như những chiếc xe vun vút trên đường, có- chỗ nhịp nhàng, trong sáng như văng vẳng tiếng hát vút cao, vui vẻ.

Viết bình luận