Phân tích và làm sáng tỏ ý nghĩa câu nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học)

Nguyễn Bá Học (1957-1921) là nhà giáo từng viết văn viết báo khá nổi tiếng trong hai thập niên đầu thế kỉ XX. Trong bài báo Lời khuyên học trò, ông có viết:

“Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Lòng người ngại núi e sông

Hình ảnh “ngăn sông cách núi” biểu trưng cho sự khó khăn, trở ngại trên đường đời. “Lòng người ngại núi e sông” là sự nản lòng, thoái chí, ngại khó của người đời. Câu nói của Nguyễn Bá Học nêu lên một lời khuyên khá sâu sắc: Đường đời tuy khó khăn cách trở, nhưng khó khăn hơn vì lòng người thiếu nghị lực, ngại khó khăn.

Đường đi khó. Đó là một sự thật hiển nhiên. Đường đi có muôn vàn khó khăn. Quan sơn muôn dặm. Có bao đèo cao, núi cao, sông sâu, thác dữ, vực thẳm. Phải vượt qua nghìn dặm đường xa, nắng lửa mưa chan, bão tố, tuyết đóng băng đầy trời, cái rét cắt da cắt thịt mùa đông, cái nóng như lửa nung mùa hè. Đói khát phải trải qua, ốm đau, chùn chân mỏi gối phải chịu đựng. Còn thú dữ, còn lũ cướp đường, v.v... Quả là đường đi khó. Lí Bạch đời Đường (Trung Quốc) có bài thơ Hành lộ nan (Đường khó đi) và bài Thục lộ nan (Đường xứ Thục khó đi). Bài trước, Thi tiên viết:

Băng đầy sông, khó nỗi vượt Hoàng Hà

Tuyết mù trời, không đường lên Thái Hàng.

(Hoàng Tạo dịch)

Bài sau, Thi Tiên lại chỉ rõ:

Đường Thục đi khó, khó hơn đường lên trời!

(...) Đất sụt, núi lở, tráng sĩ chết

(...) Sớm lánh cọp dữ

Tối lánh rắn dài

Mài nanh, liếm máu,

Giết người như chặt gai...

(Ngô Tất Tố dịch)

Giữa thế kĩ XIX, Cao Bá Quát viết bài thơ Sa hành đoản ca (Bài ca ngắn đi trên bãi cát), người đọc cảm thấy đầy lệ rơi và tiếng thở dài hắt ra. Con đường mưu sinh đã khó, con đường danh lợi càng khó khăn hơn.

Bài học về lòng quyết tâm, rèn luyện ý chí, nghị lực

Ngục trung nhật kí của Hồ Chí Minh cũng có bài thơ Tẩu lộ (Đi đường) nói lên cái gian khổ trong muôn nghìn cái khó:

Đi đường mới biết gian lao,

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.

(Nam Trân dịch)

Cái khó đi đường đối với người chiến sĩ cách mạng là bị tù đày, bị quân thù hãm hại, bắn giết; tính mạng nghìn cân treo sợi tóc; phải nếm trải bao cay đắng tủi nhục trên đường đi đày:

Năm mươi ba cây số một ngày,

Áo mũ dầm mưa rách hết giày;

Lại khổ thâu đêm không chỗ ngủ

Ngồi trên hố xí đợi ngày mai.

(Mới đến nhà lao Thiên Bảo)

Trở lại câu nói của Nguyễn Bá Học, sau khi chỉ rõ "đường đi khó", ông dùng lời phủ định "không khó vì ngăn sông cách núi" để khẳng định một sự thật "mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Cái khó "ngăn sông cách núi" là cái thử thách khó khăn khách quan, con người có thể vượt qua được. Cái khó chủ quan lúc đi đường là "lòng người ngại núi e sông". Ông đã sử dụng biện pháp phân hợp ngôn ngữ để làm nổi bật tư tưởng thoái chí nản lòng của người đi đường. Không viết "lòng người e ngại núi sông" mà lại viết "lòng người ngại núi e sông", đó là một dụng ý khá thâm thuý. Không có quyết tâm cao, không có chí khí ngoan cường sao có thể khắc phục được mọi khó khăn trên đường đi, trên đường đời. Nếu nản lòng, thoái chí, nếu sợ vất vả gian khổ thì sao có thể đi đường và đến đích được? Con đường đời, con đường mưu sinh có muôn vàn cái khó, đúng là "khó vì lòng người ngại núi e sông".

Qua câu nói, nhà giáo Nguyễn Bá Học vừa chỉ cho học trò không nên ngại khó ngại khổ mà phải rèn luyện chí khí quyết tâm trong học hành, trong mưu sinh trên đường đời. Tác giả có một lối nói nhẹ nhàng, giàu hình ảnh và tương phản, nên lời khuyên, bài học đạo lí càng trở nên sâu xa, thấm thía.

Nhắc lại câu nói trên đây của Nguyễn Bá Học, tuổi trẻ chúng ta lại nhớ đến bài thơ Khuyên thanh niên của Bác Hồ kính yêu:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền.

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên.

Bài học đi đường, bài học về lòng quyết tâm, rèn luyện ý chí, nghị lực đối với học sinh chúng ta thật vô cùng quan trọng, lúc nào cũng mới mẻ và giàu ý nghĩa.

Viết bình luận