Phân tích và nói lên những suy nghĩ về bài ca dao sau đây: Làm trai quyết chí tu thân, Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo... Trí khôn sắp để dạ này, Có công mài sắt, có ngày nên kim

Phân tích và nói lên những suy nghĩ về bài ca dao sau đây:

Làm trai quyết chí tu thân,

Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo.

Khi nên trời giúp công cho,

Làm trai năm liệu, bảy lo mới hào.

Trời sinh trời chẳng phụ nào,

Phong vân gặp hội, anh hào ra tay.

Trí khôn sắp để dạ này,

Có công mài sắt, có ngày nên kim.

BÀI LÀM

1. Đây là bài ca dao 8 câu lục bát nói về chí làm trai, chí tu thân ở đời. Đây cũng là bài thơ cuộc đời đã trở thành bài học thuộc lòng của bao thế hệ tuổi trẻ thời áo trắng:

Làm trai quyết chí tu thân,...

Có công mài sắt có ngày nên kim.

Làm trai phải có chí, đó là “chí tu thân”

Mỗi lần đọc bài ca dao này, ta cảm thấy lời căn dặn thiết tha ân tình của ông bà, cha mẹ đang thì thầm bên tai.

2. Làm trai phải có chí, đó là “chí tu thân”: lo học hành siêng năng, lo rèn đức luyện tài, phải kiên nhẫn, bền bỉ trên đường đời. Hai câu đầu nói lên chí nam nhi, chí làm trai:

Làm trai quyết chí tu thân,

Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo.

“Chớ vội”“chớ lo” là lời khẽ nhắc. Đời người là một trăm năm. Con đường công danh của kẻ nam nhi có nhiều gian nan thử thách, phải “thập niên đăng hỏa” (10 năm đèn sách) nên “chớ vội”. “Chớ vội” vì không thể “ăn xổi ở thì”,“dục tốc tất bất đạt”. “Nợ nần” được nói ở đây là nợ đèn sách, nợ công danh, sự nghiệp của kẻ làm trai, của đấng nam nhi trong xã hội ngày xưa.

Phải nhìn cho rộng cho xa, phải nghĩ cho kĩ, sẵn sàng đón nhận cơ hội: “Khi nên trời giúp công cho”. Nói là “trời giúp”, nhưng thực sự là nói lên lòng tin, tự tin trí tuệ, tài năng, phẩm hạnh của mình, của kẻ làm trai có chí khí, bản lĩnh:

Làm trai năm liệu, bảy lo mới hào.

“Năm liệu, bảy lo” là biết kiên trì và nhẫn nại, biết cách sống đẹp, biết nhìn xa trông rộng, biết luyện trí, đua tài, biết “dùi mài kinh sử”. Có sống như thế mới là sống đẹp. “Mới hào” nghĩa là mới vẻ vang. Không thể sống tầm thường. Không thể nhìn bằng đôi mắt của con lươn; không thể quẩn quanh cối xay kiếm đôi ba hạt thóc rơi như con gà; cũng không thể sống theo tiếng mõ của chú lềnh trong cái làng xôi thịt. Kẻ làm trai phải “quyết chí tu thân”, phải “năm liệu, bảy lo” mới có thể làm nên sự nghiệp, mới có thể trả được món nợ công danh, mới vẻ vang, “mới hào”.

Lần thứ hai, nhà thơ dân gian lại nói đến “trời”, lại nhắc đến “trời”. Ở trên là “trời giúp”, ở đây là “trời sinh”, “trời chẳng phụ”:

Trời sinh trời chẳng phụ nào,

Phong vân gặp hội, anh hào ra tay.

Phong vân: phonggió, vânmây, phong vân gặp hội là gặp hội gió mây, hội đua tài, thi cử của kẻ sĩ. Anh hào ra tay. người có chí khí và tài giỏi đem kiến thức, học vân ra thi thố với thiên hạ để chiếm bảng vàng.

Hai câu 5, 6 của bài ca dao là lời động viên kẻ làm trai, chỉ ra một mục tiêu đẹp, một niềm mơ ước đẹp. Thư sinh, hàn sĩ phải nâng cao chí khí, phải dùi mài kinh sử bền bỉ, kiên trì mới có thể trở thành anh hào.

Kẻ làm trai phải có chí khí, bản lĩnh

Cuối thế kỉ XIX, Nguyễn Khuyến đã thi Hương, thi Hội, thi Đình, đã đỗ đầu cả 3 khoa thi. Ông mới tự hào nói:

Học chẳng có rằng hay chi cả,

Cưỡi đầu người kể đã ba phen.

(Di chúc)

“quyết chí tu thân”, có bền bỉ phấn đấu nhiều năm tháng, từng “năm liệu, bảy lo” mới có thể chiếm được bảng vàng trong “hội phong vân”, mới có thể “cưỡi đầu người” như Nguyễn Khuyến và nhiều bậc tài danh khác. Đến thăm Văn Miếu Thăng Long, chiêm ngưỡng 84 bia Tiến sĩ, ta mới xúc động nghĩ về hội phong vân và các bậc anh hào ngày xưa.

Hai câu cuối bài ca dao khẳng định một chân lí, mượn câu tục ngữ mài sắt nên kim để nêu lên một bài học về tinh thần bền bỉ, kiên trì nhẫn nại đối với kẻ làm trai trong cuộc đời:

Trí khôn sắp để dạ này,

Có công mài sắt có ngày nên kim.

Lời ca cất lên như một tiếng reo vui. Bài học về chí làm trai, về sự tu thân trở nên thấm thía, có tác dụng động viên và giáo dục sâu sắc đối với kẻ nam nhi, đấng tài trai mọi thời.

3. Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) nhà thơ lớn trong thế kỉ XIX, đã từng đỗ thủ khoa trường Nghệ, khoa thi Hương (1820). Ông để lại nhiều bài thơ nói về Chí nam nhi, Nợ tang bồng, Chí anh hùng, Đi thi tự vịnh, v.v... Bài thơ nào cũng đầy chí khí hăm hở của kẻ nam nhi, của đấng tài trai:

Đi thi há lẽ trở về không?

Cái nợ cầm thư phải trả xong!

(Đi thi tự vịnh)

Nợ đèn sách đem nghiên bút trả xong,

Cầu xe ngựa lúc đi về mới tỏ.

(Nợ tang bồng)

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,

Nợ tang bồng vay giả, giả vay.

Chí làm trai nam bắc tây đông,

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

(Chí anh hùng)

Đã mang tiếng ở trong trời đất,

Phải có danh gì với núi sông.

(Đi thi tự vịnh)

Đọc những câu thơ ấy của Nguyễn Công Trứ, ta mới hiểu và cảm sâu hơn bài ca dao “Làm trai quyết chí tu thân” này.

4. Bài ca dao trên đây đã ra đời trong xã hội phong kiến ngày xưa. Đối tượng được nói đến chỉ là kẻ làm trai, đấng nam nhi. Lời khuyên chỉ là tu thân, mài sắt nên kim để đua tài trong hội phong vân, nhưng thế hệ trẻ ngày nay (cả nam lẫn nữ) vẫn cảm thấy rung động thấm thía. Bài học “quyết chí tu thân”, “năm liệu bảy lo”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim” vẫn có nhiều ý nghĩa và tác dụng giáo dục tích cực, không hề cũ kĩ.

Tuổi trẻ chúng ta lớn lên trong một hoàn cảnh thuận lợi, tốt đẹp: đất nước hòa bình, đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa,... Hội phong vân đã mở rộng cánh cửa, các trường đại học, cao đẳng đón chào tuổi trẻ đem tài năng, học vấn để đua tranh, để thi thố, để hiến dâng,...

Không thể sống tầm thường. Tương lai đẹp đang chờ đón chúng ta. Có bền bỉ học tập, có kiên trì rèn luyện mới trở nên tài giỏi để phục vụ và hiến dâng, để được vẻ vang, hạnh phúc.

Viết bình luận