"Thơ là thơ, nhưng đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng" (Sóng Hồng). Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy phân tích một số bài thơ đã học trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một để làm sáng tỏ ý kiến đó
Dàn ý chi tiết
I. Mở bài
Sóng Hồng là bút danh của Trường Chinh. Thơ Sóng Hồng là tác phẩm thơ duy nhất của Trường Chinh. Bài thơ Đi họp trong tập thơ của ông rất hay, được nhiều người yêu thích. Đặc biệt trong bài lời nói đầu tập thơ Cùng bạn đọc, Sóng Hồng có nhiều ý kiến sâu sắc nói lên quan niệm của ông về thơ.
Đây là một trong những định nghĩa về thơ của Sóng Hồng: “Thơ là thơ, nhưng đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”.
II. Thân bài
1. Giải thích ý kiến trên đây của Sóng Hồng
- "Thơ là thơ" vi thơ là một sáng tạo đặc biệt của con người. "Thơ là thơ" vì thơ là cái đẹp của tư tưởng, tình cảm, là cái đẹp của cuộc sống, là cái đẹp của thiên nhiên tạo vật, là cái đẹp ngôn ngữ trau chuốt, hàm súc và hình tượng được kết tinh qua tâm hồn thi sĩ. "Thơ là thơ" chứ không phải văn xuôi, vì thơ là "tiếng hát của trái tim".
- Thơ là nhạc vì thơ có nhạc điệu, vần điệu, nhịp điệu. Nghe nghệ sĩ đọc thơ, ngâm thơ, tâm hồn ta bị lôi cuốn tưởng như được nghe một khúc ca, một bài hát, lúc lên bổng, lúc xuống trầm, lúc du dương, ngọt ngào, lúc não nùng, thiết tha:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơ mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng...
(Vội vàng - Xuân Diệu)
- Thơ có hình tượng nên thơ là họa, là chạm khắc theo một cách riêng, nghĩa là bằng ngôn ngữ hình tượng rất thơ. Thi sĩ Thế Lữ trong bài thơ Cây đàn muôn điệu đã viết:
Mượn lấy bút nàng Ly tao, tôi vẽ,
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca...
Cảnh chim kêu vượn hót, cảnh mây núi lô xô, cảnh muôn hồng nghìn tía của mùa xuân, cảnh nàng chinh phụ thổn thức dưới trăng, cảnh bộ đội rầm rập hành quân ra trận, cảnh đàn em thơ ríu rít cắp sách đến trường trong ánh bình minh, v.v... đã được nhiều nhà thơ tài hoa vẽ và chạm khắc bằng "ngọn bút thần" để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn người đọc qua nhiều năm tháng.
Đọc những vần thơ sau đây của Nguyễn Trãi, ta tưởng như được đến thăm thú Côn Sơn ngắm tùng xanh, nghe thông reo bên bờ suối, thưởng trăng in bóng trên mặt nước hồ thu, nhìn đàn rùa nằm, nhìn bầy hạc lẩn:
Cây rợp tán che am mát,
Hồ thanh nguyệt hiện bóng tròn.
Rùa nằm, hạc lẩn nên bầy bạn,
Ú ấp cùng ta làm cái con.
(Ngôn chí - 20)
Tóm lại, Sóng Hồng đã nói lên vẻ đẹp của thơ, đặc trưng của thơ - "Bà hoàng nghệ thuật" - một cách đặc sắc, độc đáo. Ông đã đóng góp một ý kiến hay cho định nghĩa về thơ.
2. Chứng minh ý kiến trên đây của Sóng Hồng (qua sự phân tích một số bài thơ trong sách Ngữ Văn 12 Nâng cao, tập I)
- Tình yêu quê hương, yêu thế giới Kinh Bắc được Hoàng Cầm nói lên một cách thiết tha. Quê hương rất đẹp, rất đáng tự hào; tình yêu quê hương của Hoàng Cầm rất tha thiết, rất thơ nên thơ ông rất thơ:
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp...
(Bên kia sông Đuống)
- Các bài thơ tình tuyệt tác xưa nay đã khẳng định "thơ là thơ". Tình yêu là một trong những tình cảm đẹp nhất trong cõi đời. Nỗi nhớ thương, tình yêu say đắm của những chàng Kim, những nàng Kiều xưa nay, lúc nào cũng mới mẻ, nồng nàn "Thơ là thơ" nên Xuân Diệu, mới nói thật hay lời nguyện cầu được hóa thân kì diệu: "Anh xin làm sóng biếc - Hôn mãi cát vàng em - Hôn thật khẽ thật êm - Hôn êm đềm mãi mãi" (Biển). "Thơ là thơ" nên Xuân Quỳnh mới nói lên thật đẹp, thật sôi nổi: "Nỗi khát vọng tình yêu - Bồi hồi trong ngực trẻ". Thuyền nhớ bến, sóng nhớ bờ, cũng như "Lòng em nhớ đến anh - Cả trong mơ còn thức" (Sóng).
- "Thơ là thơ", và thơ là nhạc, là bài ca tình người, là khúc hát nơi đầu sông ngọn núi. Nhạc của thơ là điệu nhạc tâm tình được thể hiện ở vần điệu, nhịp điệu. Việt Bắc của Tố Hữu là bản tình ca nhiều man mác, bâng khuâng. Tình yêu Việt Bắc của mình và ta vô cùng thắm thiết, sắt son, chung thuỷ nên lời thơ Việt Bắc là tiếng nói yêu thương, là khúc nhạc lòng người:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Thơ là nhạc. Nguyễn Đình Thi nói thật hay cái "xao xác" của lá thu bay nơi phố cũ yêu thương, tiếng "Gió thổi rừng tre phấp phới" trên núi rừng chiến khu, tiếng "Trong biếc nói cười thiết tha" của những chàng trai cô gái trên "những ngả đường bát ngát" thời kháng chiến.
- Ta tưởng như đang được nghe tiếng khèn "man điệu" trong điệu xoè của các thiếu nữ Mai Châu, Pha Luông,... tiếng hát của các chiến sĩ Tây Tiến trong đêm lửa trại thắm thiết tình quân dân:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ...
(Tây Tiến - Quang Dũng)
- Tôi mê thơ vì thơ là họa, là chạm khắc theo một cách riêng, bằng một thứ ngôn ngữ tinh luyện, giàu hình tượng.
Nguyễn Đình Thi đã "kí họa" một cách tài tình bức tranh Tổ quốc hùng vĩ mà nên thơ:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa...
(Đất nước)
Bức tranh bốn mùa của Việt Bắc với màu xanh của núi rừng, màu đỏ tươi của hoa chuối mùa đông, màu trắng của hoa mơ mùa xuân, màu vàng của rừng phách mùa hè, màu xanh mát dịu của vầng trăng mùa thu... cho ta bao ấn tượng đẹp về sức sống mãnh liệt của Việt Bắc, của quê hương đất nước ta. Hình ảnh Bác Hồ "áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường", hình ảnh đoàn quân đi chiến dịch "Đèm đêm rầm rập như là đất rung" được Tố Hữu nói đến trong Việt Bắc càng làm cho ta thấm thía nhận định "thơ là họa”.
- Thơ là chạm khắc nên Quang Dũng dựng lên một tượng đài bất tử của các anh hùng liệt sĩ trong đoàn binh Tây Tiến "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh":
Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm...
Còn đây là hình ảnh người bà "cơ cực" được Nguyễn Duy "chạm khắc" vào tâm hồn tuổi thơ, mãi mãi in sâu vào kí ức:
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.
III. Kết bài
- Đọc thơ và học thơ, những bài thơ hay trong sách Ngữ văn 12 Nâng cao, ta mới cảm nhận và thấm thía ý kiến của Sóng Hồng: "Thơ là thơ, nhưng đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng".
- Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca, vẻ đẹp của lí tưởng, của tình yêu nước, thương dân,... mà thơ đã bồi đắp cho tâm hồn mỗi chúng ta, đã làm cho mỗi chúng ta ý thức một cách sâu sắc "thơ là thơ".
- Chính vì yêu thơ mà ta thấy cuộc đời thêm dẹp, tuổi trẻ thật đáng yêu:
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt
Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt
Mỗi con sông đều muốn hoá Bạch Đằng...
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? - Chế Lan Viên)
Viết bình luận