Trình bày những nguyên nhân làm xuất hiện các câu hát than thân trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, qua đó làm rõ nội dung bài ca dao: Thân em như trái bần trôi/ Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, các câu ca dao chiếm một vị trí đáng kể. Nội dung của các bài ca dao thường ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu nam nữ... Bên cạnh đó có rất nhiều bài ca dao than thân, trách phận, nhất là thân phận của người mẹ, người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Sự ra đời cúa nhửng câu hát than thân xuất phát từ thực tế cuộc sống, quan niệm, tư tưởng trong xã hội phong kiến. Có thế nêu ra một số nguyên nhân như sau:

- Sự áp bức bóc lột của những người có thế lực đối với người dân. Dân chúng là những người có địa vị thấp kém nên không đủ sức phản kháng lại và chỉ biết tỏ thái độ bằng những câu hát than thân trách phận.

Những câu hát than thân nói về người con gái, người phụ nữ xưa

- Những vất vả trong cuộc sống lao động, những bất hạnh mà người lao động chịu đựng được thể hiện qua những lời than vãn. Đó là nguồn gốc của những câu hát than thân.

- Chiếm đa số trong những câu hát than thân là những câu hát nói về người con gái, người phụ nữ. Xã hội phong kiến là xã hội trọng nam, khinh nữ. Chính vì vậy người phụ nữ bị xã hội xem thường, đôi lúc bị khinh bỉ, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô là quan niệm trong thời kì này. Người phụ nữ không có quyền quyết định số phận của mình mà phụ thuộc vào cha mẹ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Chính quan niệm này đã giết chết bao cuộc đời, bao cuộc tình của người con gái. Khi người con gái rơi vào tình trạng như thế, họ chỉ còn biết than cho thân phận nữ nhi của mình. Và từ đó, những câu hát về thân phận của họ ra đời.

Bài ca dao: Thân em như trái bần trôi /Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu chỉ có hai câu, nói lên thân phận của người con gái trong xã hội phong kiến. Đây là bài ca dao trong số nhiều bài ca dao nói về thân phận của người con gái. Hai từ thân em trong câu ca dao cho thấy một số phận hẩm hiu, trôi nổi. Hai từ thân em đi liền với từ trái bần trôi càng cho thấy sự trôi nổi đó. Trong bài ca dao, cô gái tự ví thân mình như trái bần trôi. Một hình ảnh so sánh khá cụ thể và nhiều ấn tượng. Cây bần sông ở bờ các sông rạch, trái bần khi chín rụng xuống dòng nước của các sông rạch và dập dồi theo dòng nước không biết trôi dạt hoặc tấp vào bến nào. Người con gái trong xã hội cũ cũng như thế, thân phận của họ trôi nổi theo sự sắp đặt của cha mẹ. Trái bần trong bài ca dao nếu tấp vào một bến đục cũng không ảnh hưởng gì nhưng nếu người con gái rơi vào cảnh bất hạnh thì thật đau xót. Chính điều này làm cho cô gái thấy lo lắng cho cuộc đời của mình trong tương lai.

Có rất nhiều bài ca dao thể hiện nỗi niềm lo lắng đó:

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

Lời cô gái trong bài ca dao trên cũng như nhiều bài ca dao khác cũng chính là những lời phản kháng, đòi quyền bình đẳng của những cô gái trong xã hội phong kiến.

Viết bình luận