Đọc truyện: Ba câu hỏi và Hãy bình luận về bài học rút ra từ câu chuyện

Đọc truyện sau:

Ba câu hỏi

Ngày nọ, có một người đến gặp nhà triết học Xô-cơ-rát (Hi Lạp) và nói: “Ông có muốn biết những gì tôi mới nghe được về người bạn của ông không?”.

- Chờ một chút: - Xô-cơ-rát trả lời - Trước khi kể về người bạn tôi, anh nên suy nghĩ một chút và vì thế tôi muốn hỏi anh ba điều. Thứ nhất: Anh có hoàn toàn chắc chắn rằng những điều anh sắp kể là sự thật không?

- Ồ không - Người kia nói - Thật ra tôi chỉ nghe nói về điều đó thôi và...

- Được rồi - Xô-cơ-rát nói - Bây giờ điều thứ hai: Có phải anh sắp nói những điều tốt đẹp về bạn tôi không?

- Không, mà ngược lại là...

- Thế à? - Xô-cơ-rát tiếp tục - Câu hỏi cuối cùng: Tất cả những điều anh sắp nói về bạn tôi sẽ thật sự cần thiết cho tôi chứ?

- Không, cũng không hoàn toàn như vậy.

- Vậy đấy - Xô-cơ-rát quay sang người khách và nói: “...”.

(Theo Phép màu nhiệm của đời, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004)

Theo anh (chị)

  1. Xô-cơ-rát sẽ nói với người khách như thế nào?
  2. Hãy bình luận về bài học rút ra từ câu chuyện trên.

BÀI LÀM

1. Xô-cơ-rát chắc là đã nói với người khách câu này: “Xin cảm ơn ông”; nói bằng một giọng nhẹ nhàng, lịch thiệp.

2. Bình luận

Xô-cơ-rát là nhà triết học cổ đại Hi Lạp, sống vào khoảng 470-399 trước Công nguyên, nhà tư tưởng của tầng lớp chủ nô Hi Lạp. Ông nêu lên quan điểm: “Hãy nhận thức chính mình”; đối thoại là phương pháp, là con đường cơ bản và tất yếu để đạt tới chân lí. Xô-cơ-rát là người đầu tiên sử dụng thao tác chứng minh bằng quy nạp. Có hàng trăm giai thoại, mẩu chuyện thú vị về Xô-cơ-rát. Ba câu hỏi là một trong những mẩu chuyện thú vị đó, hàm chứa ý vị triết học và đạo đức sâu xa.

Nhà triết học Xô-cơ-rát (Hi Lạp)

Câu hỏi mà “người khách” muốn nêu lên cho Xô-cơ-rát là một sự oái oăm; với người bình thường, tầm thường sẽ có một trong hai cách trả lời là “có” hoặc “không”: “Ông có muốn biết những gì tôi mới nghe được về người bạn của ông không?”.

Rất khoan thai, ông nói với ông khách nọ: “Chờ một chút”. Sau đó, Xô-cơ-rát giành thế chủ động trong cuộc hội thoại bất đắc dĩ, và đã dồn vị khách quý vào thế bị động.

- Anh có hoàn toàn chắc chắn rằng những điều anh sắp kể là sự thật không?

- Ồ không. Thật ra tôi chỉ nghe nói về điều đó thôi và...

- Có phải anh sắp nói những điều tốt đẹp về bạn tôi không?

- Không, mà ngược lại là...

Xô-cơ-rát ngạc nhiên nói: “Thế à?” Rồi nêu lên câu hỏi thứ ba: “Tất cả những điều anh sắp nói về bạn tôi sẽ thật sự cần thiết cho tôi chứ?”.

- Không, cũng không hoàn toàn như vậy.

Qua ba câu hỏi, Xô-cơ-rát đã tìm ra chân lí: Câu chuyện mà ông khách sắp nói chỉ là vu vơ, vì ông ta “chỉ nghe nói”', đó là một câu chuyện để nói xấu bạn mình, cũng là để bôi nhọ danh dự mình; câu chuyện ấy không cần thiết bỏ vào tai.

Người đọc mẩu chuyện sẽ dễ dàng nhận thấy tính triết lí của Ba câu hỏi: nhìn thấy, sờ thấy,... mới là cơ sở đầu tiên để tiếp cận chân lí.

Về mặt đạo đức, Xô-cơ-rát nêu lên bài học: đừng nói xấu vắng mặt người khác, đừng có thói mách lẻo, đừng bỏ vào tai những chuyện nhảm nhí, vu vơ.

Hai mươi bốn thế kỉ đã trôi qua, mẩu chuyện Ba câu hỏi của Xô-cơ-rát vẫn nguyên giá trị, mang tính giáo dục sâu sắc. Trong cuộc sống, ta cần xa lánh những kẻ bịa chuyện, dựng chuyện để nói xấu người khác, vì những kẻ đó có tâm địa đen tối, xấu xa. Giao tiếp là để mở rộng tâm hồn, nâng cao trí tuệ, đâu phải để nghe và nói những chuyện vu vơ.

Nhắc lại mẩu chuyện Ba câu hỏi, ta càng ngưỡng mộ tầm văn hoá, đạo đức và triết lí của Xô-cơ-rát vĩ đại. Ta càng thấm thía lời dạy của ông bà: “Trăm nghe không bằng một thấy”, “Nói xấu người là tự bôi nhọ mặt mình”, “chuyện vu vơ chỉ làm rác tai”, v.v...

Viết bình luận