Trong truyện ngắn Trăng sáng (1943) Nam Cao viết “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than’’. Hãy giải thích và bình luận...

Trong truyện ngắn Trăng sáng (1943) Nam Cao viết: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than...’’. Hãy giải thích và bình luận ý kiến trên.

Bài làm

Nam Cao không chỉ là một nhà văn hiện thực kiệt xuất mà còn là một nhà văn thường hay băn khoăn trăn trở về quan điểm sáng tác văn học. Trải qua thể nghiệm và suy ngẫm của bản thân về văn chương và hiện thực cuộc đời, Nam Cao đã mượn lời nhân vật Điền trong Trăng sáng để phát biểu: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than...”. Ý kiến này xứng đáng là một tuyên ngôn nghệ thuật của trường phái hiện thực, dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa lãng mạn thoát li để trở về với chủ nghĩa hiện thực chân chính.

Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối

Trước hết, Nam Cao muốn khẳng định nghệ thuật chân chính phải bắt rễ trong đời sống hiện thực, không được thoát li đời sống để trở thành lừa dối.

Tìm hiểu cuộc đời nhà văn, chúng ta thấy từ khi còn là một cậu học sinh, Nam Cao đã từng mơ ước sáng tác. Thời kì này, ông đã có nhiều thơ, truyện đăng báo với các bút danh Thuý Rư, Xuân Du, Nhiêu Khê, Nguyệt... Cũng như bao học sinh tiểu tư sản đương thời, Nam Cao chịu ảnh hưởng nặng của văn thơ lãng mạn thoát li. Nhưng do được tiếp xúc với cuộc sống cùng khổ của nhân dân, lại là nhà văn có lương tri, giàu tình yêu thương quần chúng, Nam Cao đã sớm nhận ra tính chất giả dối phù phiếm của thứ văn chương “thơm tho” đó, nó rất lạc lõng, xa lạ đối với cuộc sống của hàng triệu quần chúng lầm than và bản thân tác giả hồi bấy giờ. Điền, nhân vật chính trong tác phẩm Trăng sáng chính là hình bóng cuộc đời của tác giả. Cuộc đời Điền là cuộc đời của một ông giáo khổ trường tư với đồng lương chết đói không nuôi nổi bản thân, còn nói gì đến chuyện nuôi gia đình. Con Điền, đứa thì phải đi chăn trâu, đứa thì phải chạy chợ kiếm ngày mấy xu rau; vợ Điền thì cuộc sống lầm than, cái nghèo đói đã làm cho tầm hồn thị trở nên nhỏ nhen, ích kỉ, cằn cỗi, tàn nhẫn.

Chính cái sự thật nghiệt ngã ấy đã giết chết bao nhiêu ước mơ lãng mạn của Điền. Nhiều khi Điền phải quên cái mộng vãn chương để kiếm tiền; cơm áo đã ghì Điền sát đất: Nhìn cảnh vợ vì cùng quần, túng thiếu mà “đánh con lớn, chửi con nhỏ, quăng cái chổi, đá cái thúng, vừa dẫm chân bành bạch, vừa kêu trời”, Điền thấy mình gần như tủi cực. Với tâm trạng ấy, nhìn lên trời “Trăng nhởn nhơ như một cô gái non vừa có nhân tình. Gió nhẹ nhàng đặt lên lá những bước chân vũ nữ. Trăng tỏa mộng xuống trần gian... cho những tâm hồn khát khao ngụp lặn...”, Điền mới nhận ra rằng “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối”. “Ánh trăng lừa dối” ở đây là hình ảnh tiêu biểu cho văn chương lãng mạn thoát li, lấy “mây gió trăng hoa” làm nguồn thi hứng chủ yếu. Ánh trăng lừa dối gợi nhớ đến mặt trời chân thực. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, khi mà đất nước đang đau dưới gót giày giặc ngoại xâm, nhân dân đang chịu cảnh lầm than đau khổ, thì thứ văn học chỉ đi tìm cái thi vị, tìm cái đẹp trong thiên nhiên thuần túy, trong ảo ảnh của ánh sáng vay mượn, chỉ là thứ văn chương thoát li, hưởng lặc, thi vị hóa cuộc sống.

Thứ nghệ thuật đó giống như ánh trăng kia, nó thơ mộng lắm, huyền ảo lắm “nó làm đẹp ra những cái thực ra chỉ là tầm thường xấu xí. Trong những căn lều dột nát mà ánh trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình”. Trong tình hình ấy, thứ văn chương nghệ thuật như ánh trăng huyền ảo kia chỉ là thứ “nghệ thuật vị nghệ thuật”, quay lưng lại với đời sống nhân dân. Nó chỉ có ý nghĩa là “món giải trí của những người đàn bà nhàn nhã đặt mình trên những chiếc ghế xích đu nhún nhảy..., chỉ biết ăn ngon mặc đẹp chăm sửa thịt da và chẳng làm gì cả” (Trăng sáng). Còn đối với hàng triệu quần chúng lầm than đói khổ lúc bấy giờ, thứ văn chương ấy chỉ là “những ánh trăng lừa dối”, chẳng có ích gì, lạc lõng, phù phiếm.

Như vậy, qua câu nói “Nghệ thuật không cần phải là ánh trảng lừa dối”. Nam Cao kịch liệt phê phán tính chất thoát li, phi hiện thực của các xu hướng lãng mạn tiêu cực đương thời. Đó cũng là sự cự tuyệt của ông đối với khuynh hướng văn học thoát li khỏi đời sống.

Nếu như đọc các tác phẩm của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan... chúng ta được chứng kiến những khung cảnh hiện thực của nông thôn náo động tiếng thúc thuế dồn sưu, những tiếng kêu than ai oán vì phải bán vợ đợ con, cùng những kiếp sống Tắt đèn, Bước đường cùng của người nông dân, thì sau những trang sách văn học lãng mạn, ta lại thường bắt gặp khung cảnh đồng quê yên ả dìu dịu, cùng những cặp vợ chồng địa chủ như Hạc - Bảo suốt ngày chỉ ra sức làm giàu để cải thiện sinh hoạt cho nông dân nghèo và sống hòa thuận với họ. Những bức tranh và cảnh đời ấy chỉ là sản phẩm tưởng tượng chủ quan, xa lạ với hiện thực cuộc sống và đúng là “ánh trăng lừa dối” đối với biết bao người nông dân đang “dưới đồng khô, buồn lo méo mặt nặng ách trâu cày”

Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than

Trở lại với ý kiến của Nam Cao, ta thấy một mặt, nhà văn phê phán tính chất thoát li, lừa dối của văn học lãng mạn; mặt khác, ông đòi văn học phải bắt rễ từ hiện thực, nghĩa là trở về với cuộc sống của hàng vạn, hàng triệu con người đau khổ: “Nghệ thuật chỉ có thể là những tiếng lòng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”. Nghệ thuật phải “vị nhân sinh”, phải là “Vũ khí phấn đấu cho tình thương, lòng bác ái và sự công bằng” (Đời thừa). Người cầm bút có trách nhiệm, có lương tri phải “đứng trong lao khổ mà mở hồn ra đón lấy tất cả những vang vọng của cuộc đời” (Trăng sáng). Nói cách khác, nghệ thuật phải có tính nhân dân, phải miêu tả được những vấn đề có ý nghĩa đối với cuộc sống của nhân dân, phải thể hiện được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Nghệ thuật phải có tính chất nhân đạo và hiện thực. Mà hiện thực to lớn nhất khi đó là tình trạng thống khổ của hàng triệu người lao động lầm than. Nghệ thuật chân chính phải nhìn thẳng vào sự thực đó, nói lên nỗi khốn khổ của nhân dân và vì nhân dân mà lên tiếng.

Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn, gốc nhân đạo rất sâu. Trăng sáng được coi là một tuyên ngôn nghệ thuật sâu sắc và rất tiến bộ của ông. Không lí lẽ, Nam Cao đã nói lên thật tâm huyết quan điểm nghệ thuật nhân đạo của mình. Trặng sáng giống như lời tâm niệm chân thành của nhà văn tiểu tư sản nguyện từ bỏ con đường nghệ thuật thoát li, hưởng lạc, trở về chung thuỷ với quần chúng nghèo khổ, vì họ mà sáng tác.

Từ những ý nghĩ thiết tha ấy, Nam Cao đã đi đến hành động thực tế bằng những tác phẩm đầy sức thuyết phục của mình. Trong khi các nhà văn lãng mạn, hoặc là thi vị hóa cuộc sống hoặc là thoát li hiện thực để tâm hồn “ru với gió, mơ theo trăng..” thì Nam Cao đã cùng với các nhà vãn hiện thực khác giương cao lá cờ hiện thực và nhân đạo, dùng ngòi bút phanh phui thực trạng xã hội đương thời. Các tác phẩm của họ không chỉ là những bản cáo trạng đanh thép lên án chế độ thực dân phong kiến tàn bạo thối nát, mà còn là những tiếng kêu thương tha thiết và cảm động về số phận khổ đau tăm tối của những người dân nghèo thôn quê và thành thị. Đó là cuộc đời của những Lão Hạc, Lang Rận... cùng khổ đói rách, của những Chí Phèo bị xã hội giày xéo, lăng nhục, cướp hết nhân tính lẫn nhân hình. Đó là những Hộ, những Thứ, San phải sống một cuộc sống “mù xám, cứ mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra” không lối thoát.

Tóm lại câu nói của Nam Cao thật hàm súc, đã nói lên được một cách thật thấm thía và sâu sắc quan điểm nghệ thuật của xu hướng văn học hiện thực “vị nhân sinh” tiến bộ đương thời. Tuy chưa phải là quan điểm tiên tiến nhất lúc bấy giờ, nhưng chính kiến của một nhà văn tiểu tư sản mà dám đấu tranh chống lại mọi thứ nghệ thuật phản hiện thực, xa rời cuộc sống nhân dân của văn chương lãng mạn tiêu cực, đòi nghệ thuật phải trở về với chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo, thì phải nói đó là một quan điểm rất tiến bộ, một đóng góp to lớn của Nam Cao trong trào lưu văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945.

Đặt trong hoàn cảnh xã hội đầy bất công và cảnh văn học rất phức tạp, các khuynh hướng tiêu cực đang phát triển tràn lan gây tác hại không nhỏ lúc bấy giờ, ý kiến của Nam Cao chẳng những rất tiến bộ mà còn mang ý nghĩa chiến đấu tích cực. Nó vừa có tác dụng cảnh tỉnh dòng văn học lãng mạn thoát li lầm đường, vừa khích lệ động viên các nhà văn hiện thực hãy dũng cảm nhìn thẳng vào thực trạng xã hội, dùng ngòi bút của mình khám phá sâu hơn những cái hiện thực bần cùng và khổ đau của hàng triệu quần chúng dưới ách phong kiến thực dân.

Ngày nay, ý kiến của Nam Cao vẫn có giá trị góp phần nhắc nhở các nhà văn quan tâm hơn, gắn bó hơn với cuộc sống hiện thực để phản ánh được những vấn đề quan trọng và cấp bách của xã hội.

Viết bình luận