Nghị luận về vấn đề: Nói không với túi nilông trên cả nước
Tôi đọc truyện Ông bí thư tuyên chiến với túi nilông (Tuổi trẻ ngày 6/12/2009) mà thấy sướng trong lòng. Chúng ta nói nhiều về bảo vệ môi trường nhưng ít khi thấy một kết quả đẹp như vậy. Đồng thuận trong lãnh đạo, quyết liệt và hiệu quả trong triển khai, hưởng ứng của quần chúng, lâu bền trong nỗ lực. Và như vậy, loại bỏ túi nilông đã trở thành một nếp sống ở Cù Lao Chàm chứ không là một phong trào chết yểu.
Do công việc, tôi có dịp đến nhiều vùng ven biển, ven sông, ven hồ, vùng đầm lầy trên cả nước. Hầu như ở đâu tôi cũng thấy ngập tràn rác khó phân hủy như túi nilông, chai nhựa, hộp xốp, vật dụng bằng nhựa như lưới, phao, dây thừng, thùng chứa, giày dép,... Rác đầy khắp mọi nơi, đặc biệt ở những nơi mà lẽ ra chất lượng môi trường cần được triệt để duy trì như các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển. Rác trên cạn còn có cơ hội được xử lí chứ còn rác trôi dạt ở các vùng ven bờ hình như chỉ phó mặc cho thiên nhiên... tự giải quyết. Không ít lần tôi rất xấu hổ khi đi cùng đồng nghiệp nước ngoài làm việc ở những nơi nói trên.
Tuy nhiên, thương tổn về thể diện không quan trọng bằng những thương tổn về sinh thái mà rác thải khó phân hủy đang gây ra cho môi trường của chúng ta. Đơn cử một ví dụ nhỏ: nghiên cứu ở vườn quốc gia Côn Đảo cho thấy rùa biển ở đây ăn phải rất nhiều túi nilông mà có lẽ chúng lầm tưởng là cá hay mực.
Chúng ta có bờ biển dài hơn 3.000 km, hơn 2.000 sông rạch lớn nhỏ, nhiều vùng ngập nước rộng lớn như Đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long. Rác thải khó phân hủy như cách chúng ta đang quản lí thật sự là mối đe dọa.
Cù Lao Chàm đã thành công khi loại túi nilông khỏi môi trường của đảo, liệu chúng ta có làm được điều đó ở những địa phương khác trong cả nước? Mong rằng sẽ có nhiều bí thư, chủ tịch kiên quyết, hiệu quả, có tầm nhìn và có tấm lòng như ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An.
Viết bình luận