Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” đã được thể hiện như thế nào trong đoạn thơ Đất nước (trích Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm?

Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” đã chi phối cách nhìn, cách nghĩ về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm trong những năm tháng chiến tranh chống Mĩ ác liệt. Tư tưởng này làm phong phú thêm cho ý niệm đất nước trong thơ ca hiện đại.

Khái niệm đất nước gắn liền với truyền thống lịch sử văn hoá, phong tục tập quán và đời sống hằng ngày của con người Việt Nam ta, của nhân dân ta. Trước hết, đất nước là những gì gắn bó, gần gũi với mỗi con người, mỗi gia đình. Từ thuở ấu thơ, qua lời ru à ơi, qua những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa” mẹ kể, đất nước hiện lên qua hình tượng mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng trăm con, nguồn gốc của dân tộc Việt, qua truyền thuyết dựng nước và giữ nước của các vua Hùng, của Thánh Gióng qua các sự tích nên thơ như truyện cổ tích Trầu Cau.

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái“ngày xửa ngày xưa”... mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Miếng trầu bà ăn

Trong đoạn thơ này, Nguyễn Khoa Điềm thể hiện những xúc cảm và suy tưởng về đất nước dưới dạng một lối trò chuyện tâm tình. Nhà thơ lấy chất liệu từ nguồn văn hoá dân gian, từ ca dao, tục ngữ, từ đời sống quen thuộc hằng ngày. Bởi vậy không gian nghệ thuật được mở rộng ra nhiều chiều và hình tượng trong thơ trở nên trữ tình, bay bổng:

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

...Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở

Đất nước không chỉ trường tồn trong chiều dài lịch sử mấy ngàn năm cùng với những đặc điểm địa lí, phong tục tập quán, lối sống, tâm hồn và tính cách dân tộc mà nó còn hoá thân vào nhân dân, vào mỗi con người:

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn, to lớn

Đất nước hình thành và tồn tại được là do suy nghĩ, cảm xúc và hành động - tức sự sống của từng con người trong cộng đồng dân tộc. Do đó, sự sống của mỗi cá nhân gắn liền với sự hưng vong của đất nước, quyền lợi cá nhân đi đôi với quyền lợi quốc gia, dân tộc:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời

Đất nước của nhân dân

Khi đất nước đúng là của nhân dân thì trong mắt người dân, nó có những nét đẹp bất ngờ. Thiên nhiên cũng sống đời sống nhân dân dựng nước và giữ nước. Thiên nhiên ghi nhận những nỗi niềm to lớn và sâu sắc trong đời sống tinh thần của nhân dân và con người hoá thân vào đất nước:

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha.

Ổi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta...

Và kì diệu thay, thiên nhiên cũng sống đời sống giống như con người với “những núi Vọng Phu”, “Những hòn Trống Mái”...

Chủ nhân của đất nước này, nói cho cùng không phải là các triều đại vua chúa kế tiếp nhau mà chính là nhân dân, những con người vô danh đã kiến tạo nên mọi giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội. Nhân dân đã làm nên đất nước và giữ gìn đất nước qua bao giai đoạn lịch sử thăng trầm:

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Sự triển khai cảm hứng của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ này có vẻ tự do, phóng túng nhưng thực ra tác giả vẫn tập trung thể hiện ý nghĩa cốt lõi: đất nước là của nhân dân. Nhà thơ đã thể hiện được chiều sâu lịch sử của một đất nước trường tồn trong đời sống nhân dân và vẻ đẹp vĩnh hằng của nó. Bài thơ khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm công dân đối với đất nước trong mỗi chúng ta.

Viết bình luận