Bàn luận về vấn đề Chạy chức
Tại kì họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đã nêu vấn đề với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn: Vì sao tình trạng chạy chức, chạy quyền gia tăng? Làm thế nào để khắc phục? Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nói: Chưa tìm ra trường hợp cụ thể nào chạy chức, và việc chống chạy chức rất khó thực hiện. Thực tế hiện nay, chạy chức, chạy quyền là một hiện tượng mà dư luận xã hội rất quan tâm, và có đại biểu Quốc hội còn nói đó là “căn bệnh di căn”, là “đầu tư siêu lợi nhuận” (đại biểu Lê Văn Cuông, Thanh Hóa).
Lâu nay, tham nhũng vẫn diễn ra ở những ngành liên quan đến cuộc sống của người dân, đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp như: quản lí đất đai, xây dựng, xin giấy phép... Tham nhũng trong lĩnh vực chạy chức chạy quyền được báo động ở diễn đàn Quốc hội là tham nhũng ở mức độ cao, không thể xem nhẹ, vì nó hủy hoại đạo đức công chức và hiệu lực của chính quyền. Nó xuất phát từ hiện tượng công chức không coi cộng vụ là một việc làm để hưởng lương, để phục vụ xã hội, mà coi đó như là một vị trí, điều kiện, thời cơ để mưu lợi... Tình hình chạy chức, chạy quyền lại diễn ra trong khi công tác tổ chức cán bộ ở nước ta tiến hành rất chặt chẽ, thậm chí là thủ tục nhiêu khê với nhiều bước và có sự chấp nhận của cấp ủy cũng như các cấp chính quyền. Khi người được đề bạt và người được thăng chức coi việc đề bạt như một điều kiện để nâng cao quyền lực, hưởng thụ bổng lộc cao hơn, chứ không phải để cống hiến cho xã hội nhiều hơn thì tham nhũng trong việc bổ nhiệm cán bộ sẽ dễ diễn ra. Có khi người được thăng chức phải hối lộ bằng tiền, nhưng cũng có khi họ không hối lộ ngay mà sẽ phục vụ cho lợi ích của người đề bạt mình lâu dài bằng nhiều phương thức khác nhau. Đó mới là vấn nạn đặt ra. Việc chạy chức bắt nguồn từ cơ chế xin-cho trong công tác tổ chức cán bộ: Ban chức là ban bố quyền lợi. Mặt khác, cũng do nạn bè phái. Không ai đề bạt một người xa lạ, không nằm trong “ê-kíp” của mình dù cho người đó có năng lực. Không ít trường hợp khi đề bạt cán bộ này, cán bộ kia đã xảy ra tình trạng đấu đá, tố cáo lẫn nhau vì xung đột giữa những nhóm quyền lực.
Việc đề bạt chỉ có một chiều từ trên xuống, không công khai minh bạch là điều kiện cho tình trạng chạy chức, chạy quyền phát triển. Nếu cho nhiều ứng viên cạnh tranh một vị trí lãnh đạo và các ứng viên này phải lên kế hoạch, trình bày chương trình hành động trước những người bỏ phiếu có lẽ sẽ giải quyết được nạn chạy chức. Nhưng cách làm này chưa được thực hiện trong công tác tổ chức cán bộ ở nước ta. Mặt khác, chúng ta chưa phát huy trách nhiệm đóng góp của tập thể để làm minh bạch quá trình đề bạt, chọn lựa cán bộ.
Phải nói rằng tình hình tham nhũng ở Việt Nam có tính đặc thù vì nó đã trở thành phổ biến trong xã hội. Để chống tham nhũng - trong đó có tham nhũng trong việc bổ nhiệm cán bộ, thì cần phải tôn trọng tiếng nói của các tổ chức xã hội và người dân. Đồng thời, không thể để tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi như hiện nay: Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cũng là chủ tịch chính quyền địa phương. Đảng viên cũng như không đảng viên, cán bộ cao cấp cũng như cấp thấp đều phải bình đẳng trước pháp luật. Nếu cấp càng cao mà khi vi phạm lại xử càng... nhẹ thì không thể đẩy lùi tham nhũng triệt để.
Nếu không cải tiến công tác tổ chức cán bộ theo hướng đề bạt cán bộ công khai, minh bạch và không phát huy vai trò giám sát của người dân, của các cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội thì khó ngăn chặn được nạn chạy chức, chạy quyền.
Viết bình luận