Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu: "Tiếng thơ ai động đất trời... Khúc vui xin lại so dây cùng Người"

Tố Hữu, một nhà thơ chiến sĩ, một người thư kí trung thành của thời đại, trong quá trình làm cách mạng đã đồng thời tiếp cận với thơ ca. Thơ ca đối với ông không ngoài mục đích chính trị, phục vụ cho lí tưởng của Đảng, của cách mạng. Trong nguồn mạch về các đề- tài chính trị của đất nước ấy, Tố Hữu đã tìm về với quá khứ lịch sử của cha ông, của một thế hệ hôm nay vọng về với thế hệ cha ông xưa để đồng cảm, thấu hiểu, để tìm nguồn sinh lực mới cho cuộc kháng chiến hôm nay. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho đề tài này là bài thờ Kính gửi cụ Nguyễn Du, trích trong tập Ra trận.

Tháng 11-1965, khi giặc Mĩ bắn phá ác liệt, nhà thơ có dịp qua quê hương của Nguyễn Du và nhân kỉ niệm đúng hai trăm năm ngày sinh của Người, Tố Hữu xúc động viết lên bài thơ này. Bài thơ đã thể hiện một cách cảm nhận, suy nghĩ và đánh giá của Tố Hữu tiêu biểu cho thế hệ hôm nay nhìn về quá khứ lịch sử của cha ông xưa để từ đó khẳng định cuộc kháng chiến chống Mĩ hôm nay của dân tộc.

Bức tượng đại thi hào Nguyễn Du

Trong tiếng vọng của tấc lòng tri kỉ ấy, Tố Hữu đã thốt lên:

Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người.

Bài thơ của Tố Hữu trừ bốn câu thơ đầu và cuối, tất cả có năm khổ thơ với ba cặp lục bát tương xứng. Bằng hình thức tập Kiều nhuần nhuyễn, sáng tạo, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, giàu hình ảnh, những so sanh bất ngờ... Tố Hữu đã diễn tả thành công tấm lòng của một người cúi mình trước sự vĩ đại của Nguyễn Du, thi hào kì tài đã chấp bút nên Truyện Kiều, một công trình đồ sộ và có giá trị thật lớn lao, góp phần tăng giá trị đạo đức, nhận thức vào kho tàng văn học Việt Nam. Cảm khái và ngưỡng mộ trước tài năng ấy kết hợp với tấm lòng khát vọng tìm về với quá khứ xưa, Tố Hữu đã viết: Tiếng thơ ai động đất trời Nghe như non nước vọng lời ngàn thu.

Tố Hữu đã ca ngợi giá trị nhân bản của tiếng thơ Nguyễn Du, một tiếng thơ vang động đến hồn thiêng sông núi, đến tạo vật muôn loài. Bằng cách sử dụng lối so sánh, ẩn dụ tài tình, nhà thơ đã nâng cao tầm vóc, giá trị của thơ ca Nguyễn Du. Ông đã ví tiếng thơ ấy là "non nước" vọng về từ ngàn năm trước, của thời gian xa xưa, của quá khứ. Tiếng thơ ấy vọng về đây trong niềm tự hào, hân hoan đón nhận của một tấm lòng thật đáng ngưỡng vọng. Hai câu thơ không những khái quát được tầm vóc, giá trị to lớn của tài năng Nguyễn Du mà còn thể hiện sâu sắc tình cảm cao đẹp của Tố Hữu - thế hệ hôm nay ngưỡng vọng về quá khứ của cha ông.

Lối thơ ấy, tiếng lòng hân hoan Tố Hữu lại tiếp tục mở rộng vươn tới những giá trị vĩnh hằng khác:

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

Nghìn năm là khoảng thời gian của hồi tưởng; của ngưỡng vọng, của khát vọng mãnh liệt, của tấc lòng tri kỉ biết ơn của thế hệ hôm nay. Đó còn là khoảng thời gian của thế hệ hôm nay trả lời cho nỗi đau lịch sử của cha ông ta trong quá khứ... Một lần nữa cảm hứng ngợi ca chấp bút cho Tố Hữu cất tiếng lòng tự hào trong khúc hát tràn đầy hân hoan, hứng khởi, trong sự ngưỡng vọng trước một thiên tài. Tiếng thơ của Nguyễn Du được ví như tiếng mẹ, mà tiếng mẹ thì gần gùi, thiết tha quá. Đó là lời ru nhẹ nhàng ân tình, chan chứa tình yêu thương và trong ấy gửi gắm biết bao mơ ước thật đẹp. Và vì thế tiếng thơ của Nguyễn Du là tiếng ru của mẹ ân tình, ngọt ngào thổi vào lòng biết bao thế hệ có sức mạnh thật lớn lao. Tình cảm ấy, khúc hát lại ru ân tình ấy là lời nhắc nhở, thủ thỉ cho con - cho thế hệ hôm nay vững bước trưởng thành.

Tiếng lòng đồng vọng của cõi xưa nhập cùng thế hệ hôm nay để con lại vang lên lời ca tự hào:

Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người.

Trên trục kết câu "xưa- nay", "con - Người" cùng vang lên tiếng lòng khao khát tìm kiếm tri âm. "Con" sẽ cùng "Người" hát tiếp khúc tráng ca ấy chào đón cách mạng. Chữ "cùng" đã thể hiện đầy đủ ước vọng của chúng con và Người. Tình cảm ấy, nghĩa cử ấy thật đáng tự hào và trân trọng.

Vườn nhà Nguyễn Du

Sáu câu thơ, ba cặp lục bát song hành ấy là tình cảm, tiếng lòng của thế hệ chúng con hôm nay đáp lại lời quá khứ. Đó cũng là lời hứa chân thành nhất của thế hệ hôm nay cùng ngân vang theo nhịp đập của quá khứ.
Bằng lối tập Kiều- nhuần nhuyễn, sử dụng hình ảnh có tính gợi hình, giọng điệu ân tình, ngọt ngào, đậm chất dân tộc, khổ thơ đã thể hiện trọn vẹn phong cách thơ Tố Hữu: Khuynh hướng thơ trữ tình - chính trị, một giọng điệu tâm tình ngọt ngào và đậm đà chất dân tộc. Khổ thơ khép lại nhưng lại mở ra một chân trời mới, tương lai mới trong hành trình chống Mĩ hôm nay:

Sông Lam nước chảy bên đồi
Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân.

Viết bình luận