Bình giảng hai câu thơ thực trong bài Đọc Tiểu Thanh kí: Chi phấn hữu thần liên tử hậu/ Văn chương vô mệnh lụy phần dư. (Son phấn có thần chôn vẫn hận/ Văn chương không mệnh đốt còn vưong)
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
Đó có phải chăng là một lời tự chiêm nghiệm của Nguyễn Du? Một lời chiêm nghiệm mà chính ông đã rút ra được từ biết bao những đau thương của nhân tình thế thái? Một lời chiêm nghiệm xuất phát từ sự “thấy” và “hiểu” được cuộc đời của những kiếp phù dung “sớm nở tối tàn”? Phải, nếu chỉ có “thấy” không thôi thì có lẽ Nguyễn Du đã không vĩ đại đến thế! Vấn đề mà tôi muốn đề cập ở đây chính là cái “hiểu” của Nguyễn Du. Đọc lại hai câu thực trong bài “Đọc Tiểu Thanh kí” của ông, ta sẽ thấy được ngòi bút của Nguyễn Du quả thật đáng nể. Nó có khả năng đột phá vào tận những ngóc ngách sâu thẳm của đáy tâm hồn, để từ đó ông có thể lắng nghe được tiếng nói thủ thỉ của trái tim nhân vật, để có thể phát hiện ra được những tiếng uất ức nghẹn ngào mà người khác muôn đời vẫn không thể nhận ra:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu.
Văn chương vô mệnh lụy phần dư”.
Bạn nhìn thấy và hiểu được những gì từ hai câu thực ấy? Nhiệm vụ của chúng là mô tả lại nỗi oan khuất của cuộc đời Tiểu Thanh, một kiếp hồng nhan “tài hoa” nhưng “bạc mệnh”? Nhưng có lẽ tư tưởng của lời thơ không chỉ dừng lại ở mức độ ấy! Càng đọc và suy ngẫm, ta sẽ nhận ra được rất nhiều những ẩn ý ngầm tồn tại trong tận cùng sâu thẳm của câu thơ. Chính vì vậy, đôi lúc đọc thơ Nguyễn Du, tôi chợt có sự liên tưởng như là mình đang đứng trước một mặt hồ thu. Nhìn cảnh hồ đẹp với cái tĩnh lặng riêng của nó, và nếu ta có thể lặn được xuống đến tận đáy hồ, để rồi từ đó có lẽ sẽ phát hiện ra được muôn vàn những cảnh đẹp hơn!
Trở lại với xuất xứ câu thơ, thì đây là hai câu trong đó Nguyễn Du đang nhắc lại những nỗi đau của Tiểu Thanh qua việc liên hệ đến một số những chi tiết có thực của cuộc đời nàng. Theo truyện “Tiểu Thanh kí” thì trước khi chết, Tiểu Thanh đã cho gọi họa sĩ đến vẽ lại chân dung của mình đến cả ba lần. Và chỉ trong lần thứ ba này, nàng mới chịu chấp nhận bức chân dung của mình, bởi vì theo nàng, đây mới đúng là bức tranh thật sự - vừa có thần, có hình, lại vừa dịu dàng và yểu điệu. Nhưng không hiểu do bi kịch gì mà sau đó Tiểu Thanh đã tự kết liễu cuộc đời mình khi đã ôm ấp tâm sự và tự tế mình với chính bức tranh kia. Chết đi rồi nhưng vẫn chưa yên, những tập thơ và bức hình của Tiểu Thanh cũng lần lượt bị người vợ cả đem ra mà đốt hết. Và duy nhất, chỉ còn lại nguyên vẹn có một bức thứ ba!
Chuyện kể ra là như vậy! Trong suốt cả cái “kiếp phù dung” mà Tiểu Thanh gánh chịu, dường như chưa từng có được một ngày bình yên sống vui tươi trong hạnh phúc, chưa từng có một ngày để cuộc đời nàng được sưởi ấm bằng ngọn lửa của tình yêu. Có tài, có sắc, có đủ điều kiện để đảm bảo cho một tương lai ngập tràn ánh sáng, thế nhưng... có phải chăng chính cái quy luật “tài hoa bạc mệnh” bất di bất dịch đầy tàn nhẫn ấy đã tạo nên định mệnh khắt khe của số phận nàng? Có phải chính nó đã tạo thành một “nhà ngục trần gian” để giam hãm tuổi xanh và sức sống của người con gái đang độ xuân thì? Như vậy, từ cái tài, cái sắc, cái tinh túy mà mình có được, Tiểu Thanh cũng đã vô tình nhận lấy một cái án chung thân mà Nguyễn Du đã từng chua chát gọi là “cái án phong lưu khách tự mang!” và quả thật, nó đã dai dẳng vây kín cả cuộc đời nàng, một cuộc đời lẽ ra phải ngập tràn niềm vui, những tia nắng huy hoàng rực rỡ của mùa xuâp, thì giờ đây chỉ toàn là cái lạnh thê lương ảm đạm của mùa đông băng giá, một cuộc đời với những chuỗi ngày dài trong buồn bã, mỏi mòn, trong chua chát, đơn côi. Và ngay cả cho đến lúc chết đi, mảnh đời ấy vẫn không được nhận lấy dù chỉ là một ánh mắt quan tâm, một nỗi niềm thương cảm! Chết đi mà chỉ có mình đối diện với bản thân mình! Và nếu xét thực ra thì đó cũng không phải là bản thân nàng nữa, bởi vì nó chỉ là một tấm hình (dù đẹp), cũng chỉ là một thứ đồ vật vô hồn vô cảm mà thôi! Cuộc đời của một kẻ “bạc mệnh” là thế đó, thật chua chát vô cùng!
Nếu chỉ dừng lại ở chi tiết này, thì lời thơ của Nguyễn Du cũng đã đạt ở mức độ cao về cái nhìn nhân đạo. Vậy thì, điều đáng nói ở đây là tại sao Nguyễn Du lại không đưa trực tiếp chi tiết trên vào tác phẩm để gợi lại nỗi niềm cảm thương cho độc giả mà ông lại lưu ý nhiều đến “son phấn”, “văn chương”? Đọc câu chuyện Tiểu Thanh, có lẽ mỗi chúng ta chỉ quan tâm đến cuộc đời và số phận nàng, mà không để ý nhiều đến những sự vật vô tri vô giác đã từng gắn bó với Tiểu Thanh trong những ngày còn sống. Bởi vì thực ra, chúng chỉ là những sự vật nằm ngoài rìa câu chuyện. Thế nhưng Nguyễn Du đã cho chúng xuất hiện thật đàng hoàng ngay trong hai câu thực của bài thơ. Và có phải chăng đây chính là những ẩn ý sâu xa của nhà đại thiên tài Nguyền Du, mà nếu không hiểu sâu sắc được lời thơ thì có lẽ không bao giờ ta nhận ra chúng được?
Kể lại một cách vắn tắt câu chuyện về Tiểu Thanh, Nguyễn Du chỉ lưu ý đến hai chi tiết: vì sắc đẹp có thần nên sau khi chết đi vẫn được xót thương và lưu giữ, còn văn chương vì vô mệnh nên lại chẳng được ai để ý, quan tâm. Vì vậy nên đến bây giờ chúng mới gây ám ảnh và làm lụy đến tâm hồn của một “khách văn chương” cùng hội cùng thuyền, dù thời gian của hai mảnh đời cách xa nhau đã ba trăm năm chẵn!
Trong suốt cả cuộc đời Tiểu Thanh, cho đến lúc chết đi nàng mới được đôi chút sự xót thương và quan tâm của người chồng “hờ”, người chồng trên danh nghĩa. Và như vậy không phải là nàng đã hạnh phúc sao lắm rồi sao?
Suốt cuộc đời nàng chỉ đợi chờ và mong ước được có thế thôi mà? Giờ đây, lại còn được người chồng ấy lưu giữ lại bức hình mà mình yêu quý nhất, vậy là đã đủ cho mình mãn nguyện rồi! Có phải vậy không Tiểu Thanh? Tôi không biết nàng có hạnh phúc vì điều đó không, nhưng riêng tôi sao thấy lời thơ Nguyễn Du chua chát quá! Người chồng của nàng quả thật chẳng sai khác tí nào trên danh nghĩa một thương buôn - một thương buôn họ Phùng có lẽ cho đến suốt đời cũng không thể nào đổi thay được về bản chất. Hắn vẫn sẽ mãi mãi là một con người giả dối và tàn nhẫn. Hắn đã cưới nàng về làm vợ, đã bỏ rơi nàng trong sự cô đơn ghẻ lạnh, và đến bây giờ, khi nàng đã chết đi, hắn lại đến bằng vài giọt nước mắt để xót thương cho một kiếp người đã từng bị hắn lãng quên và rẻ rúng, và để rồi cuối cùng, hắn đã giấu vợ giữ lại một bức tranh. Lời thơ dường như chất chứa một cái gì đó như là sự mỉa mai, cay đắng! Tên thương buôn kia giữ lại bức hình của Tiểu Thanh để làm gì? Hắn thương xót cho nàng sao? Hay hắn ân hận với những gì mình làm nên giữ lại chân dung của nàng để mà thương nhớ? Không! Không có ý nghĩa gì cả! Đơn thuần chỉ vì hắn tiếc! Sự tiếc nuôi đối với một sắc đẹp, một đồ vật quý giá mà hắn đã không sớm nhận ra giá trị để mà hưởng thụ, sự ân hận muộn màng vì mình đã không đã không phát hiện ra được một nụ hoa thầm lặng để bây giờ nụ hoa ấy đã tàn phai. Điều đó không khác nào một sự xót thương vì đánh vỡ một đồ vật quý. Phải, người chồng kia có bao giờ quan tâm đến nỗi niềm tâm sự, những nỗi đớn đau riêng đang âm thầm ngày đêm bức phá trong tâm hồn của nàng Tiểu Thanh bạc mệnh! Chính vì vậy đã thản nhiên để cho người vợ cả đốt ra tro những vần thơ, những dòng tâm sự sâu kín nhất của nàng. Khi sống đã không được ai hiểu, đến lúc chết đi thì những gì lưu lại của một tâm hồn, một kiếp người cũng bị người đời đem hủy diệt đi. Một đời người của Tiểu Thanh còn lại được gì? Thà rằng tất cả bị thiêu đốt hết đi, thì còn đỡ đau đớn hơn khi biết mình chỉ là một vật để cho người thương tiếc! Mà tiếc ở đây là tiếc những gì? Sắc đẹp ư! Phải, nhưng đó không phải là sắc đẹp từ con người thật, từ khuôn mặt thật của Tiểu Thanh! Đó chỉ là “son phấn” mà thôi, chỉ là lớp vật chất hình thức bên ngoài, là lớp trang trí hoa hòe giả tạo, dễ phôi phai theo năm tháng! Có lẽ ta sẽ xúc động đến dường nào nếu thấy tên thương buôn kia ôm lấy những tập thơ của Tiểu Thanh mà khóc, ta sẽ rơi nước mắt đi được nếu hắn đau buồn vì thương nhớ đến một vết sẹo nào đó (giả sử có) trên khuôn mặt Tiểu Thanh. Tình cảm chỉ có thể chân thật khi nó xuất phát từ con tim! Hiểu được điều đó, ta mới thấu hiểu được nỗi đau vạn lần ở trong tận đáy sâu tâm lương của nàng Tiểu Thanh, và lại càng cảm nhận được sâu sắc hơn về cái “lụy” mà Nguyễn Du đang mang nặng: “Văn chương vô mệnh lụy phần dư”.
“Phần dư” ở đây là phần văn chương còn sót lại sau khi người vợ cả đem đốt đi, nó tồn tại âm thầm và lặng lẽ theo thời gian, theo năm tháng để đóng vai trò như là một minh chứng, một dấu vết khắc ghi lại của một quãng đời. Nó tồn tại trong cõi yên lặng thiên thu, sống vất vưởng trên cõi đương gian để đợi đến ba trăm năm sau, để có một người nghe và hiểu được nỗi lòng của nó, nỗi lòng nặng mang từ người chủ mệnh bạc mà ba trăm năm trước đã vĩnh viễn năm xuống trong lòng đất lạnh...! Và giờ đây, người duy nhất có thể nghe và hiểu được tiếng nói ấy không ai khác hơn chính là nhà thơ Nguyễn Du.
Và phải chăng chính sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” giữa hai kẻ phong lưu đã đem đến trong lòng Nguyễn Du sự đớn đau nhức buốt, đã làm cho trái tim vốn đã từng chịu nhiều cái “lụy” kia giờ lại thêm một lần nữa phải ưu phiền!
Hai câu thơ tưởng chừng có vẻ đơn giản, nhưng hàm chứa bên trong là tất cả một tư tưởng nhân đạo thật vô cùng to lớn. Thật ngẫu nhiên, đọc thơ Nguyễn Du, tôi bỗng có cảm giác như gặp lại đâu đây nguyên lí “tảng băng trôi”, nét tương đồng giữa một nhà thơ cổ điển Việt Nam và nhà văn hiện đại E.Hemingway của Mỹ, với lối viết “một phần tám nổi, bảy phần tám chìm”, luôn tạo được sức hút đặc biệt với nhiều thế hệ độc giả.
Viết bình luận