Cảm nhận về bài ca dao sau: "Gió đưa cành trúc la đà... Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ"
Hình ảnh quê hương đất nước được nói đến nhiều trong ca dao, dân ca. Có "đường vô xứ Nghệ quanh quanh - Non xanh nước biếc như tranh họa đồ". Nơi ải Bắc xa xôi là "Đồng Đăng có phố Kì Lừa - Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh", Huế đẹp mộng mơ có "Núi Truồi ai đắp mà cao - Sông Hương ai bới, ai đào mà sâu?...". Và có cảnh sáng sớm mùa thu trên Hồ Tây, nơi kinh thành Thăng Long "ngàn năm văn vật":
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Bài ca dao mang màu sắc một bài thơ cổ điển, đẹp như một bức tranh thuỷ mặc.
Cảnh vật Hồ Tây được miêu tả thật nên thơ: hình ảnh, màu sắc, đường nét, âm thanh hài hòa, sống động. Những khóm trúc ven hồ, cành lá um tùm rậm rạp, đeo nặng sương mai "la đà" sát mặt nước, sát mặt đất, rung rinh, đu đưa trước làn gió nhẹ. Từ láy tượng hình "la đà" - một nét vẽ thoáng và gợi cảm, đầy ấn tượng:
Gió đưa cành trúc la đà
Cây tre, cây trúc rất gần gũi, thân thuộc với con người Việt Nam. Tre, trúc là cảnh sắc làng quê. Tre, trúc là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn người thiếu nữ quê ta:
Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng nơi nào ciĩng xinh.
Sau khi tả cành trúc, tác giả nói về âm thanh gần, xa:
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Câu ca dao ngắt thành hai nhịp chẵn 4-4, hai vế tiểu đối cân xứng, hòa hợp như âm thanh tiếng chuông đền Trấn Vũ và tiếng gà gáy sang canh từ làng Thọ Xương vọng tới. Đền Trấn Vũ còn gọi là đền Quan Thánh nằm cạnh Hồ Tây là nơi thờ đức Huyền Thiên Trấn Vũ. Tiếng chuông Trấn Vũ ngân lên trong sương sớm như ru hồn người vào huyền thoại, lắng hồn núi sông ngàn năm, để ta yêu hơn non nước quê nhà: "Quán Trấn Vu nắng mưa nào chuyển, lưỡi gươm thiêng còn để tích giam Rùa" (Tụng Tây Hồ phú - Nguyễn Huy Lượng). Tiếng gà gáy sang canh... lại làm ta tỉnh mộng, sống lại nhịp sống đời thường dân đã "Lao xao gà gáy rạng ngày, Vai vác cái cày, tay dắt con trâu...".
Cùng với tiếng gà gáy báo sáng là nhịp chày giã đó làm giấy ở phường Yên Thái vang lên rộn rã, nhịp nhàng. Lụa làng Trúc, giấy Yên Thái là sản phẩm nức tiếng kinh kì Thăng Long từ thời nhà Lí xa xưa, là niềm tự hào của nhừng người thợ thủ công tài hoa:
Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng
May áo chàng cùng sóng áo em.
(Ca dao)
Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co
Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ
Thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm...
(Tụng Tây Hồ phú)
Tiếng gà gáy, tiếng chày giã đó đã diễn tả nhịp sống lao động cần mẫn của nhân dân ta nơi ba mươi sáu phố phường. Qua âm thanh ấy, ta cảm nhận được cuộc sống sôi nổi của nhân dân ta một thời thanh bình, no ấm và yên vui.
Nhà thơ dân gian như đang đứng trầm ngâm, lặng ngắm cảnh Hồ Tây lúc sáng sớm.
Mùa thu, sáng sớm cảnh vật phủ mờ sương khói. Phố phường, làng mạc, cảnh vật, cỏ cây "mịt mờ" trong "ngàn sương" và'"khói tỏa". Sương phủ trắng bao la; mênh mông và mịt mù. Huyền ảo và thơ mộng quá. Câu thơ cổ kính, chứa chan thi vị:
Mịt mù khói tỏa ngàn sương.
Từ láy tượng hình "mịt mờ" và hình ảnh ẩn dụ "ngàn sương" đã làm cho câu ca dao mang màu sắc cổ điển, dẫn dắt cảm xúc người đọc liên tưởng đến những vần cổ thi.
Cuối bài ca dao là hình ảnh Hồ Tây trong sương sớm được ví với "mặt gương". Biện pháp tú từ ẩn dụ được vận dụng thần tình, vẽ lên một cảnh sắc tuyệt đẹp: "Mặt gương Tây Hồ". Hồ Tây yên tĩnh mênh mông và bao la, nước trong xanh, phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ. Hồ Tây, qua hàng nghìn năm là một thắng cảnh của thành Thăng Long cố đô của các triều đại Lí, Trần, Lê, chói lọi trong sử sách, biểu tượng thiêng liêng của hồn nước nghìn năm. Ngày nay, nó là Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bài ca dao làm đẹp tâm hồn mỗi con người Việt Nam, nó làm ta thêm yêu Hà Nội. Nhớ Thăng Long nghìn xưa, lòng ta bồi hồi tự hào về nền văn hiến Đại Việt.
Viết bình luận