Dùng ba bài thơ tự chọn của Lí Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị (mỗi tác giả một bài) để phân tích và chứng minh nhận định: “Đặc trưng của Đường thi là hàm súc, nói ít gợi nhiều, trong thơ có nhạc và có họa”

Lí Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị là ba nhà thơ lớn của Trung Quốc. Mỗi người có một phong cách thơ riêng: thơ Lí Bạch thì phóng túng; thơ Bạch Cư Dị thì u buồn; Đỗ Phủ có lẽ là người trung hòa giữa Lí Bạch và Bạch Cư Dị. Nhưng cả ba đều có một đặc điểm tương đối giống nhau, đó là “nói ít, gợi nhiều”, trong thơ họ “có nhạc và họa”. Đây cũng là nét đặc trung của thơ Đường và thơ ca phương Đông.

“Ta đi ta nhớ quê nhà”.

Câu ca dao trên hoàn toàn Việt Nam, nhưng tôi xin được viết vào, vì theo tôi nghĩ, không chỉ có người Việt Nam mới nhớ quê da diết khi phải đi xa, mà đó là đặc tính chung của bất cứ ai. Ta hãy đọc thơ của Lí Bạch:

“Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương”.

(Tĩnh dạ tứ)

Trong một đêm trăng êm ả, có một người khách xa quê hương không ngủ được

Qua hai câu thơ, người đọc có thể tưởng tượng ra một cảnh: Vào một đêm trăng, có một lữ khách đang nghỉ trọ, nhưng ánh trăng sáng kia lại “rọi” ngay đầu giường, khiến lữ khách không ngủ được. Mở mắt ra, thì ánh sáng của trăng chiếu xuống lại không sáng trong nữa, mà chỉ mờ mờ trong sương phủ. Và:

"Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương”.

(Tĩnh dạ tứ)

Ngẩng đầu nhìn trăng, có lẽ Lí Bạch đang ngắm nó với đôi mắt đắm đuối lắm, bởi vì từ nhỏ, tác giả đã từng lên núi ở quê nhà ngắm trăng và theo giai thoại, ông chết cùng vì trăng kia mà! Nhưng không, chợt nhìn trăng đó, rồi bất chợt cúi đầu xuống: “Cúi đầu nhớ cố hương”.

Nhìn trăng, tác giả lại nhớ đến quê nhà.

Một bài thơ ngắn, nhưng nó hiện lên một bức tranh: Trong một đêm trăng êm ả, có một người khách xa quê hương không ngủ được. Trước mắt người ấy, ánh trăng mờ mờ, trải rộng trên không gian bao la, lữ khách ngẩng nhìn trăng say đắm, rồi chợt cúi xuống, đôi mắt như đờ đẫn vì nhớ quê hương.

Bài thơ thật hàm súc, chỉ bốn câu thơ, nhưng tác giả đã vẽ được một bức tranh tuyệt đẹp, đồng thời cùng bộc lộ được tấm lòng yêu quê hương tha thiết của mình. Thơ Lí Bạch thường như vậy. Trong thơ luôn có họa, chi một vài nét chấm phá, đã nói được bao điều.

Suốt trong thời loạn li, phải chịu nhiều đau khổ, Đỗ Phủ luôn luôn mơ ước nhân dân mình được ấm no. Thơ ông “nói ít, gợi nhiều”:

“..Xóm Nam lũ trẻ khinh già yếu

Nỡ cướp liền tay trước mặt ta

Ôm tranh, chúng chạy vội về nhà”.

Vì sao phải “cướp tranh”, “chạy vội về nhà”? Trong cảnh nghèo khổ, con người trở nên liều lĩnh, không biết sợ là gì. Sâu xa hơn, Đỗ Phủ tố cáo bọn người đã gây ra cho nhân dân chịu cuộc sống cơ hàn, tối tăm. Trong bài thơ “Bài hát gió thu tốc nhà", Đỗ Phủ đã bộc lộ ý tưởng của mình:

“Ước gì ngàn vạn gian nhà rộng

Che khắp thế gian, dân rét mừng”.

Thì ra, không chỉ có gia đình Đỗ Phủ chịu cảnh “rét cắt da cắt thịt”, mà còn biết bao người đồng cảnh với nhà thơ. Tấm lòng của ông thật bao la, có lẽ tình thương của Đỗ Phủ còn rộng lớn hơn nhiều “gian nhà rộng” mà ông hằng ao ước!

Chỉ qua vài câu, tác giả đã tố cáo xã hội phong kiến thối nát, đồng thời bộc lộ tấm lòng nhân đạo đối với những người khốn khổ; đức hi sinh của nhà thơ khiến ông sẵn sàng “chết cóng" nếu như bao người được hưởng hạnh phúc ấm no:

“Dẫu lều tan, riêng ta chết cóng cũng cam lòng”.

Thơ Đỗ Phủ nói ít, gợi nhiều. Nội dung thật sâu sắc.

Tiếng đàn của người kĩ nữ

Riêng Bạch Cư Dị, ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với thơ ông (dù chỉ qua bản dịch Tì bà hành của Phan Huy Vịnh), đó là giai điệu của một bản nhạc trầm bổng réo rắt, da diết đến cồn cào lòng người. Trong “Tì bà hành" nồi tiếng, Bạch Cư Dị miêu tả tiếng đàn của người kĩ nữ:

“Tiếng cao thấp lựa chen lần gảy

Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu

Trong hoa oanh ríu rít nhau

Nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh

Nước suối lạnh, dây mành, ngừng đứt

Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ”.

Tác giả dùng những từ láy âm “ríu rít”, “róc rách” để miêu tả tiếng đàn của người kĩ nữ. Tiếng đàn nghe réo rắt như oanh hót, như nước suối chảy xuống ghềnh. Đang réo rắt như thế, chợt “dây mành ngừng đứt”, im lặng, nó làm cho người đọc cảm thấy hụt hẫng:

“Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay”.

Thật tuyệt diệu! Tác giả dùng cái im lặng để miêu tả cái không im lặng. Những biến tấu âm nhạc: khi réo rắt, khi lặng im, khi nỉ non... Mà Bạch Cư Dị miêu tả đã làm cho người nghe xúc động. Đặc biệt tiếng đàn được miêu tả về tác dụng của nó:

“Cung đàn trọn khúc thanh tao

Tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây

Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt

Một vầng trăng trong vắt dòng sông”.

Sau khi “lặng ngắt” bây giờ “tiếng buông xé lụa” nổi lên. Tiếng đàn làm cho cảnh vật xung quanh trở nên lặng im. Mọi người trong bàn tiệc, nhất là Giang Châu Tư Mã, đã hiểu thấu tâm tình của người kĩ nữ. Không gian cũng lặng im để thưởng thức tiếng đàn. Những chiếc thuyền như ngừng trôi theo dòng nước, chỉ còn “một vầng trăng trong vắt dòng sông”. Vũ trụ như ngừng chuyển động, chỉ vì tiếng đàn quá hay, làm xúc động cả những vật vô tri. Nguyễn Du cũng từng miêu tả tác dụng của tiếng đàn của Thúy Kiều:

“Ngọn đèn khi tỏ khi mờ

Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu”.

Ngọn đèn cùng biết tỏ khi tiếng đàn của Thúy Kiều sôi nổi, cũng biết mờ khi tiếng đàn dìu dặt trầm lắng... Vâng, Bạch Cư Dị cũng thế: Tác dụng của tiếng đàn đã làm cho ngoại cảnh trở nên thơ hơn. Ánh trăng như sáng hơn, thuyền ngừng trôi, người nghe được đối diện với chính mình hơn. Mọi vật như bị thôi miên bởi tiếng đàn kì diệu...

Thế giới của Đường thi là thế giới của màu sắc, của âm thanh, của vô số những cung bậc tình cảm của con người.

Nhưng thơ của ba nhà đại thi hào vĩ đại của Trung Hoa là Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị thường hạn chế tối đa về lời nhưng có thể phát xạ vô vàn những ý nghĩa tiềm ẩn. Ở thơ họ, ngôn ngữ chỉ tồn tại như một hình thức, một cái cớ, và qua hàng loạt các liên tưởng, người đọc có thể rung động sâu thẳm với những tình sâu ý hiếm...

Viết bình luận