Hãy bình luận câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách

Dân tộc ta lớn lên trên dải đất hình chữ S-bên bờ Thái Bình Dương sóng gió. Người Việt Nam chịu đựng không biết bao nhiêu tai trời ách nước: giặc ngoại xâm, bão lụt, hỏa hoạn, mất mùa, đói kém... Cứ mỗi lần vượt qua một khó khăn, nhân dân ta lại nhắc nhở nhau một cách sống:

Lá lành đùm lá rách.

Ta cần hiểu ý nghĩa và giá trị của câu tục ngữ này như thế nào để thấm nhuần lời nhắn gửi của ông cha ta để lại?

Đón Tết vùng cao

Câu tục ngữ gợi lên một bài học về đạo lí làm người, về quan hệ giữa con người với nhau. Người ta ở đời, có lúc gặp phải khó khăn, thiếu thôn, hoạn nạn. Lúc ấy nếu tự một mình xoay xở lấy thì thật khó mà vượt qua. Trong hoàn cảnh đó, sự giúp đỡ của người khác, sự chia sẻ của người khác là rất quan trọng. Sự đùm bọc lẫn nhau, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn là một cách sống cần thiết, đầy nhân ái.

Xét về giá trị của câu tục ngữ, ta thấy có một giá trị thiết thực. Nói "Lá lành đùm lá rách" là nói đến thái độ nhường cơm sẻ áo giữa những người cùng chung cảnh ngộ, trong cùng một cộng đồng trên cùng một đất nước. Tuy có "lành", có "rách" nhưng cũng là "lá". Đây là chia sẻ, là thông cảm. Khi một người bị hoạn nạn, thì những người không bị hoạn nạn cùng nhau giúp đỡ, đó là "lá lành, đùm lá rách", sự giúp đỡ có thể là không nhiều, nhưng nhiều lúc rất có ý nghĩa, có thể giúp cho người hoạn nạn vượt qua cơn hoạn nạn. Khi một phường, một vùng gặp hoạn nạn thì những vùng bên cạnh cùng hợp lại, mỗi người một ít, mỗi nhà một ít, mỗi phường, mỗi huyện, mỗi tỉnh một ít, kết quả tạo ra một sự góp sức rất to lớn.

"Lá lành đùm lá rách", đó là cách sống và đạo lí đã có tự ngàn xưa của nhân dân Việt Nam. Có lẽ chính vì thế mà nhân dân Việt Nam đã vượt lên bao khó khăn có lúc tưởng chừng không vượt nổi để mãi mãi tồn tại vững vàng. Người ta nói: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Trong khi gặp hoạn nạn, người bị ít khó khăn còn chia sẻ cả với người nhiều khó khăn hơn. Giá trị nhân bản là ở đó.

Trải qua hơn ba mươi năm chiến tranh, rồi gần hai chục năm trở lại đây, truyền thống "Lá lành đùm lá rách" đã được nhân dân ta phát huy một cách mạnh mẽ. Chỉ nói riêng mấy năm gần đây, trên đất nước ta đã bao nhiêu lần thiên nhiên gây ra tai họa ghê gớm. Những trận bão ở miền Trung, rồi lũ lụt ở đồng bằng Nam Bộ..., làm cho nhiều đồng ruộng bị tàn phá. Lúa, hoa màu bị mất sạch, bao nhiêu nhà cửa, bệnh viện, trường học... bị phá huỷ. Những khi miền Trung, miền Nam gặp hoạn nạn, khó khăn, cả nước quan tâm theo dõi, kịp thời chia buồn và cứu trợ. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của cả nước, dần dần nỗi đau mất mát được xoa dịu, người dân trở lại với cuộc sống có cơm ăn áo mặc. Những tin tức về trận bão đã được loan báo, những lời kêu gọi đã được phát đi thì những hành động hưởng ứng đã đáp lại ngay. Có người góp vào quỹ cứu trợ hàng triệu đồng, cũng có bạn nhỏ tự mình mang đến một hai nghìn bạc vốn dành dụm từ món tiền ăn sáng của mình để góp vào phần nhỏ bé.

Một khía cạnh nào đó, hành động "Lá lành đùm lá rách" không phải chỉ có ý nghĩa giúp đỡ người khác, mà còn chính là giúp đỡ mình. Thường khi gói bánh, lá lành nằm bên ngoài, lá rách nằm bên trong để gói. Gói như vậy thì chiếc bánh mới kín, mới cứng. Giúp người khác, chia sẻ với người khác cũng chính là giúp mình, làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn. Vượt lên khó khăn, đứng vững, chính là góp phần cho đất nước đứng vững, vượt lên. Cuối cùng, cái kết quả tốt đẹp ấy, mỗi người đều được hưởng. Bởi vậy, "Lá lành đùm lá rách" không còn là phương châm cho những hành động nhất thời, đặc biệt mà đã trở nên một cách sống tốt đẹp trong cuộc sống chúng ta. Hằng ngày, vẫn có người lặng lẽ quyên góp chút ít tiền bạc, quần áo cho một trại phong, một trại nuôi dưỡng người già neo đơn, một trại trẻ mồ côi, một gia đình khó khăn, một người tàn tật... Nhân những dịp tết, những người trong phường lại chạnh nhớ để chia sẻ với những bà con nghèo còn thiếu thôn.

"Lá lành đùm lá rách", câu nói ngày xưa chỉ mang một ý nghĩa hẹp, nhằm kêu gọi sự đùm bọc lẫn nhau trong một nhà, một họ hay rộng lấm là một làng. Càng ngày, cùng với sự phát triển của đời sống, sự hiểu biết của con người, ý nghĩa của câu nói càng mang một nội dung nhân đạo sâu sắc và rộng rãi. Đây là một câu nói của tình thương đầy tính nhân đạo. Trong một xã hội, không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của tình thương. Tình thương phát triển thành tình cảm chung của mọi người, thành nếp sông phổ biến của xã hội thì tội ác cũng sẽ thu hẹp lại, xã hội sẽ ổn định hơn, tốt đẹp hơn. Cái thiện sẽ đẩy lùi cái ác.

Lá lành đùm lá rách

Riêng bản thân em, câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" cũng gợi cho em nhiều suy nghĩ. Trong trường, trong lớp em, có không ít bạn hoàn cảnh khó khăn. Nhiều bạn đi học với chiếc áo vá, với cái bụng lép, ngoài giờ học còn phải vất vả phụ giúp cha mẹ kiếm sống hoặc tự nuôi mình. Nếu em bỏ đi một món mua sắm, tiêu xài chưa cần thiết, em cũng có thể giúp cho bạn mình đỡ chút khó khăn. Nhiều người làm được như vậy chắc chắn sẽ có ý nghĩa lớn hơn.

"Lá lành đùm lá rách" thật là một cách nói đầy sáng tạo và sâu sắc của người xưa. Tục ngữ không chỉ là văn chương mà còn là triết lí, sống là phải quan tâm đến người khác, phải chia sẻ khó khăn cùng người khác. Đạo lí ấy thật là tốt đẹp mà ngày nay ta cần nuôi dưỡng phát huy.

Viết bình luận