Học giả Chu Quang Tiềm (Trung Quốc) có viết: “Học vấn không chỉ là việc đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn”. Hãy bình luận ý kiến trên

Trong bài Bàn về đọc sách, học giả Chu Quang Tiềm (Trung Quốc) có viết: “Học vấn không chỉ là việc đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn”. Có thể coi đây là một ý kiến sâu sắc, khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách đối với mọi người.

Học vấn là quá trình học hỏi, tiếp nhận kiến thức để phát triển tâm hồn, trí tuệ và nhân cách. Học vấn có nhiều con đường, nhiều hình thức, rất phong phú và đa dạng, liên tục và kéo dài, trong đó có việc đọc sách; đọc sách không phải là hình thức duy nhất, nhưng đọc sách là con đường quan trọng của học vấn. Đó là điều mà kẻ sĩ thời nào cũng nên biết và phải biết.

1. Tại sao “học vấn không chỉ là việc đọc sách”?

Học vấn không chỉ là việc đọc sách

Trong xã hội cũ được phân chia thành bốn đẳng cấp: sĩ, nông, công, thương. Chỉ có sĩ mới đọc sách - sách của Thánh hiền, “thập niên đăng hỏa” để thi cử, để làm quan, để thành nho sĩ. Còn các đẳng cấp khác (nông, công, thương) bước vào đời, sinh sống và làm ăn đều bằng lao động chân tay, bằng kinh nghiệm từ đời này truyền sang đời khác. Phần đông trong số họ không biết chữ. Ông bà, cha mẹ dạy dỗ con cháu về hiếu, đễ, lễ, nghĩa, ... cũng chỉ bằng nêu gương, làm gương.

Công việc cày cấy... do thói quen, do kinh nghiệm mà trở thành “nghiệp nông gia”:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.

Làm thợ, đi buôn, làm ruộng,... tất cả đều do truyền nghề. Chỉ khi nền sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa, điện khí hóa,... người nông dân mới học kĩ thuật gieo trồng, chăn nuôi bằng sách.

Về quân sự, về quốc phòng, quân đội ta hiện nay đã được hiện đại hóa, có đủ thủy, lục, không quân. Kĩ thuật huấn luyện và chiến đấu đều được đúc kết thành sách khoa học. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), quân dân ta đánh giặc bằng lòng yêu nước và tinh thần quả cảm, chứ làm gì có sách vở, binh thư. Đọc đoạn thơ sau đây, ta thấy rõ sự thật đó:

Lũ chúng tôi

Bọn người tứ xứ

Gặp nhau hồi chưa biết chữ

Quen nhau từ thuở “một... hai”

Súng bắn chưa quen, quân sự mười bài

Lòng vẫn cười vui kháng chiến

Lột sắt đường tàu, rèn thêm đao kiếm...

(Nhớ - Hồng Nguyên)

Học vấn của nhân dân ta thuở ấy, chủ yếu bằng kinh nghiệm, bằng cách học hỏi trong thực tế cuộc sống: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Học thầy không tày học bạn”, “đi một buổi chợ, học một mớ khôn”, v.v...

Đất nước ta hiện nay đã có nhiều đổi mới, nền sản xuất đã được công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Học vấn của nhân dân ta, nhất là của thanh thiếu niên đều bằng việc đọc sách. Nhưng bên cạnh trang sách học đường, người học còn được đọc, được học bằng trang sách xã hội, trang sách cuộc sống. Đúng như học giả Chu Quang Tiềm đã nói: “Học vấn không chỉ là việc đọc sách”.

Để không trở thành “con mọt sách”, không trở thành người “lí thuyết suông”, “giáo điều”,... cho nên người học đã biết gắn nhà trường với xã hội, với thực tế cuộc sống, “học đi đôi với hành”, qua đó ta càng thấy rõ: “Học vấn không chỉ là việc đọc sách”.

2. “Nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn”. Những năm học cấp I, cấp II, học và đọc sách giáo khoa để biết đọc, biết viết, biết tính toán,... làm nền, làm cơ sở cho học vấn sau này. Càng học lên cao, sách là nguồn sống của học sinh, sinh viên. Sách bộ môn, sách giáo trình, sách chuyên ngành, sách tham khảo,... là nguồn sống và sáng tạo của học sinh, sinh viên, của người trí thức. Sách là kết tinh trí tuệ, tài năng... của bao thế hệ, của các nhà khoa học, nhà văn hóa qua hàng ngàn năm lịch sử. Đọc sách để học tập, để kế thừa nền văn minh nhân loại. Đọc sách để phát triển văn hóa, khoa học kĩ thuật. Nhờ “đứng trên vai các nhà khoa học” mà có biết bao nhân tài xuất hiện, giành được Giải thưởng Nobel, được tôn vinh, được ca ngợi. Đọc sách để “trả món nợ” mà lớp người hậu sinh mang ơn sâu nghĩa nặng đối với tiền nhân, với ông cha.

Đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn

Học ngoại ngữ, học tiếng Anh,... nếu không đọc sách, nghe băng đĩa thì làm sao tiến bộ được. Sách tham khảo, sách chuyên ngành là những nấc thang bước lên cao trên con đường nghiên cứu, để sáng tạo và phát minh.

Trong xã hội xưa nay chưa có người nào không hề đọc sách mà trở thành nhà bác học. Không có sách thì không có trí thức, không có nhân tài. Đó là một sự thật, hầu như ai cũng rõ.

Đọc sách là con đường quan trọng của học vấn. Thời đi học, nhờ thầy dạy bảo mà học sinh biết đọc sách, biết chọn sách để đọc và học, nâng dần thành thói quen tốt: yêu sách và ham đọc sách. Bước vào đời, sách là người thầy, người bạn giúp ta tự học mà vươn lên, không bị lạc hậu trước thời cuộc và sự đổi mới không ngừng của khoa học kĩ thuật, để tiến bước trên con đường vạn dặm của học vấn.

Đọc sách là cả một nghệ thuật. Đọc sách để tích lũy kiến thức. Phải đọc sâu, đọc kĩ, đọc nghiền ngẫm, đọc và ứng dụng, đọc và thực hành. Tránh lối đọc sách để khoe mẽ, để tỏ vẻ uyên bác, nhưng kì thực không chuyên sâu một ngành nghề nào, thậm chí học thức nông cạn, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. “Bất chuyên tất hất năng” - không chuyên sâu thì không thành thạo, đó là một lời khuyên của cổ nhân về đọc sách.

Đọc sách phải gắn liền với việc ghi chép; ghi chép những điều mà mình tâm đắc, ghi chép những đoạn, những điều mà mình nghi vấn. Đọc sách để học tập, nhưng không nô lệ theo sách. Mạnh Tử đã từng căn dặn: “Tận tín ư thư, bất như vô thư” (Tin hết vào sách, thà rằng không có sách).

Đọc sách để mở mang trí tuệ, nâng cao kiến thức, để bồi dưỡng tâm hồn. Sống trong thời đại mà khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão, việc đọc sách và làm theo sách đã và đang trở thành nhu cầu sống của bao người, nhất là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của Tố quốc.

Người trí thức mới là người có tầm văn hóa cao. Đọc sách để trở thành người trí thức mới. Hơn bao giờ hết, ta càng thấm thía ý kiến của học giả Chu Quang Tiềm: “Học vấn không chỉ là việc đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn”.

Và tôi không bao giờ quên câu thơ trong Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi hơn 600 năm về trước: “Đọc sách thì thông đòi nghĩa sách”.

Viết bình luận