Mác-xim Go-rơ-ki (nước Nga) nói: “Tiếng cười là thuộc tính đẹp nhất của con người”. Hãy bình luận ý kiến đó

Thời thơ ấu, cậu bé Pê-scốp mồ côi bố, mẹ; trải qua những năm dài cô đơn, rồi lang thang kiếm sống. Một cuộc đời cay đắng, đầy nước mắt và tiếng thở dài. Bằng trí thông minh bẩm sinh, bằng trải nghiệm và tự học, mà cậu sớm trở thành một nhà văn Nga lỗi lạc, với bút danh Mác-xim Go-rơ-ki (1868 - 1936). Cuộc đời nhiều bất hạnh khiến tiếng cười đối với tuổi thơ và cuộc đời của ông thật có nhiều màu sắc ý nghĩa. Ông đã nói về tiếng cười bằng một câu giản dị mà nhiều người đây đó gần xa thường nhắc tới: “Tiếng cười là thuộc tính đẹp nhất của con người”.

Tiếng cười là thuộc tính đẹp nhất của con người

“thuộc tính của con người” nên tiếng cười vốn mang tính bản năng, tính sinh lí cũng như tiếng khóc. Đứa bé sinh ra đã biết khóc, và chẳng bao lâu đã biết cười. Khôn lớn dần lên, tiếng cười của bất cứ người nào cũng mang tính tâm lí; nghĩa là tiếng cười biểu hiện tình cảm, thái độ. Tiếng cười biểu hiện niềm vui, lòng yêu đời, thái độ khen, chê, châm biếm, v.v... Đúng “tiếng cười là thuộc tính đẹp nhất của con người” như Mác-xim Go-rơ-ki đã nói.

Vậy, tại sao “tiếng cười là thuộc tính đẹp nhất của con người”?

1. Tiếng cười biểu hiện niềm vui. Khi buồn thì người ta than thở, khóc lóc. Khi vui thì người ta cười. Cười vì vui sướng, hạnh phúc. Cười trong giao tiếp, ứng xử để san sẻ, để yêu thương, để gắn bó, làm cho tình người đẹp hơn, cận nhân tình hơn. Ta cười khi nghe một bé hát hoặc nói một câu ngộ nghĩnh. Ta cười vui khi làm được một việc tốt, khi gặp gỡ người thân, khi được bạn bè yêu thương quý mến. Giữa sân trường, trong giờ ra chơi của hàng trăm, hàng ngàn học sinh, có bao tiếng cười, reo cất lên. Tiếng cười của tuổi thơ là tiếng cười hồn nhiên nhất, trong sáng nhất và đẹp nhất. Đọc một truyện vui dân gian (như truyện Nam mô boong, Đến chết vẫn hà tiện, Bây giờ thì thối thật!, v.v...), ta cười, ta thấy vui quá! Xem một tiết mục hài, nghe một giọng ca “mùi mẫn”, khán giả, thính, giả reo lên, vỗ tay, cất tiếng cười tưởng như “vỡ” cả rạp hát, cả hội trường.

Qua đó, ta càng thấy rõ, lúc tiếng cười vui cất lên là lúc con người được sống những giây phút hạnh phúc nhất; lúc ấy con người đáng yêu nhất.

2. Tiếng cười thể hiện khát vọng sống, yêu đời, lạc quan. Cười lúc gặp khó khăn gian khổ. Cười để xua tan những bất trắc, bất hạnh trước cuộc đời. Trước vành móng ngựa của Tòa án Quân sự Sài Gòn thời Mĩ - ngụy, chị Võ Thị Thắng đã cười khi nghe bọn quan tòa tuyên phạt chị với cái án chục năm trời tù đày khổ sai! Trong những năm dài chiến tranh, các chiến sĩ, các anh chị thanh niên xung phong, trong gian khổ vẫn lạc quan yêu đời, đối với họ thì “tiếng hát át tiếng bom”, tiếng cười để nâng cao dũng khi và tinh thần chiến đấu quả cảm:

Không có kính, ừ thì có bụi

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha!

Phạm Tiến Duật

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính)

Tiếng cười thể hiện niềm tin, ước mơ đẹp về tương lai, một tương lai hạnh phúc, một tương lai thắng lợi huy hoàng. Ngồi trong phòng thi đại học, cô nữ sinh mỉm miệng cười, vừa say sưa làm bài, vừa nghĩ đến giờ phút hạnh phúc nhát: thi đỗ.

Đọc bài thơ Chúc Tết của Bác Hồ, ta thấy vui, thấy lạc quan tin tưởng:

Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc Nam sum họp vui nào vui hơn!

Ngày 30/4/1975, một nhà báo phương Tây đã viết: “Tiếng cười của Việt cộng đã hòa cùng tiếng cười của hàng triệu người dân làm rung chuyển phố phường Sài Gòn”.

Tiếng cười thể hiện khát vọng sống, yêu đời, lạc quan

Tiếng cười chiến thắng là tiếng cười của sức mạnh, tiếng cười hân hoan hạnh phúc, là “thuộc tính đẹp nhất của con người”.

3. Trong cuộc sống, lại có tiếng cười châm biếm. Châm biếm, phê phán những thói hư, tật xấu đã và đang diễn ra quanh ta. Khán giả cười khi nghe một vị quan tham đứng trước tòa án “khoe” là có bao nhiêu bằng khen, huân chương! Cười một quan chức có nhiều bồ nhí. Cười một dâm phụ nhưng lên mặt “chính chuyên”. Cười những cô gái, chàng trai ăn chơi đua đòi, sa đọa. Cười những kẻ vì dại, vì tham mà bị lừa! v.v... Truyện tiếu lâm, ca dao trào phúng là cả “một rừng cười”, ở những trường hợp này, tiếng cười “đẹp nhất” vì tiếng cười đã trở thành một vũ khí phê phán sắc bén, nhằm bảo vệ đạo lí và thuần phong mỹ tục.

4. Tiếng cười phải cất lên, bật ra đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng. Không nên cười trước nỗi đau khổ của đồng loại. Có tiếng cười mỉm, có tiếng cười hả hê, có tiếng cười reo, v.v... Con người có nhân cách văn hóa mới có nụ cười cận nhân tình, mới có tiếng cười nhân văn. Trong cuộc sống, không chỉ “học ăn, học nói, học gói, học mở” mà còn phải nhớ:

Ai ơi, chớ vội cười nhau,

Cười người hôm trước, hôm sau người cười.

Có lúc trước những bi kịch, ngang trái, nghịch lí cuộc đời, lại có tiếng cười thay cho tiếng khóc. Đó là tiếng cười chua chát, phủ định:

Ngồi buồn mà trách ông xanh,

Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.

Kiếp sau xin chớ làm người,

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!

(Nguyễn Công Trứ)

Tóm lại, suy ngẫm về tiếng cười để biết sống và sống đẹp hơn. Sống lạc quan, sống yêu đời, sống hạnh phúc. Cười cũng phải học để sống văn minh lịch sự. Nhiều cụ già hiện nay hay nhắc lại câu “Sống khỏe, sống vui, sống có ích” làm phương châm sống.

Mỗi chúng ta hãy mở rộng tâm hồn hòa cùng tiếng cười vui của người thân, của bạn bè và đồng bào. Vì “tiếng cười là chén thuốc bổ” vô giá.

Viết bình luận