Nêu cảm nhận của em sau khi đọc bài Con đường trở thành "kẻ sĩ hiện đại" của Nguyễn Khắc Viện

Nguyễn Khắc Viện là nhà văn hoá nổi tiếng, là một kẻ sĩ hiện đại đã để lại nhiều công trình văn hoá - khoa học có giá trị. Ông mang tầm vóc một học giả uyên bác, sống giản dị, thanh bạch, rất trung thực và thẳng thắn được nhiều người hâm mộ, kính trọng.

Bài Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại rút trong chương II Noi theo đạo nhà của tác phẩm Bàn về đạo Nho, xuất bản năm 1993.

Nguyễn Khắc Viện

Vấn đề tác giả nêu lên rất "xa lạ" với số đông bạn trẻ chúng ta ngày nay, nhưng lối viết giản dị, dễ hiểu, giọng văn nhẹ nhàng, có lúc như tâm sự, cách biện luận khúc chiết, sắc sảo đã có một sức hấp dẫn, lôi cuốn kì lạ.

Sinh trưởng và lớn lên trong truyền thống một gia đình Nho giáo, tiếp thu tinh thần khoa học thực nghiệm kết hợp được nhiều mặt, đó là con đường hình thành và phát triển nhân cách văn hoá của Nguyễn Khắc Viện - một kẻ sĩ hiện đại.

Tác giả cho biết cơ sở nhân bản của đạo Nho là lấy con người, lấy cuộc sống xã hội làm gốc. Đạo Nho đề cao "xử thế", coi trọng việc "xử thế" mà không có một học thuyết, chủ nghĩa nào đặt vấn đề này đầy đủ và rõ ràng như thế.

Nguyễn Khắc Viện nhắc lại ba mẩu chuyện về nhà nho đối xử với vua chúa, mà trong chúng ta, nhiều người đọc sách đã biết. Đi-ô-gien, nhà triết học đang trần trụi nằm trên vỉa hè (sưởi nắng), bỗng cất tiếng nói rõ to: "Kìa ông kia lùi ra, che hết ánh sáng của tôi" khi vua A-lếch-xan-đơ-rơ đến thăm. Chuyện Hứa Do chạy ra sông Dĩnh rửa tai sau khi nghe phái viên hoàng đế mời ra làm quan! Chuyện một nhà nho tâu với vua: "Nhà vua nên đến thăm tôi hơn là tôi đến thăm nhà vua", để vua thì được tiếng là trọng người hiền, quý kẻ sĩ, còn kẻ sĩ thì không mang tiếng là nịnh vua. Cách kể và minh hoạ về cách ứng xử của kẻ sĩ vừa chọn lọc, hóm hỉnh, vừa ngắn gọn, thú vị. Xưa và nay, thiếu gì những kẻ hám danh và xu nịnh! Ba mẩu chuyện nhỏ mà tác giả "thích", hoặc "thích hơn cả" có ý nghĩa ám chỉ sâu xa.

Nguyễn Khắc Viện viết: "Tôi thích thứ tinh thần có mức độ, ứng xử vừa phải của đạo Nho". Ông chỉ rõ: phải yêu bố mẹ mình, vợ con mình đã rồi mới đến yêu người khác; phải biết lấy ân báo ân, lấy công bằng khi báo oán, không được sống nhẫn tâm... vì "cao hơn pháp luật là tình người, là lòng nhân...". Người đọc cảm thấy "sáng mắt sáng lòng" vì được tiếp thu bao bài học thấm thía về cách đối nhân xử thế!

Kẻ sĩ hiện đại

Cách giải thích chữ "nhân" của tác giả thật giản dị, sâu sắc, dễ hiểu:

"Thế nào là nhân?” Cả đạo Nho xung quanh một chữ. Nhân là tính người, khác với thú vật. Nhân là tình người, nối kết người này với người khác. Có tự kiềm chế, khắc kỉ, khép mình vào lễ nghĩa mới nên người. Có mở rộng tầm nhìn, lấy "văn" mà tô đẹp mới thành người. Có gắn bó với người khác thì mới thật là người. Có thấu hiểu bản thân, tri thiên mệnh mới là con người trưởng thành".

Một đoạn văn gồm 8 câu, mà 4 câu không có chủ ngữ. Ý tưởng được đúc lại, nén lại như những châm ngôn, cách ngôn về chữ nhân của đạo Nho, về cách sống, cách ứng xử của ông bà, tổ tiên chúng ta, của những nhà nho chân chính.

Phần tiếp theo, Nguyễn Khắc Viện tâm sự về cách xử thế, cách sống của mình. Năm 1992, ông được Viện Hàn lâm Pháp tặng thưởng vì đã có công to lớn quảng bá văn hoá và ngôn ngữ Pháp. Lúc bấy giờ có một số người khuyên ông "không nên nhận". Nhưng ông vẫn nhận. Có người cho ông là "thay đổi ý kiến nhiều lần". Ông đã giải thích việc làm của mình thật đàng hoàng và minh bạch: "Đúng, thời thế biến chuyển, tôi có thay đổi chính kiến, nhưng không hề thay đổi đạo lí. Đã gọi là đạo lí, không thể xa rời dù là chốc lát. Không vì giàu sang mà sa đoạ, không vì nghèo khó mà xa rời, không khuất phục trước uy quyền, thời buổi nào cũng giữ được đường đi".

Như nhiều người đã biết, Nguyễn Khắc Viện đã dùng phần lớn số tiền giải thưởng đó hiến vào quỹ từ thiện. Một cách ứng xử đàng hoàng của kẻ sĩ hiện đại.

Ông nói về con đường ông đã lựa chọn và đi suốt cuộc đời, đó là góp phần mình cho cuộc đấu tranh cứu nước, xây dựng dân chủ. Ông đã "luyện mình" theo ba hướng: dưỡng sinh, xử thế, tu thân. Thân phụ của tác giả là một nhà khoa bảng, 20 tuổi đã đỗ tiến sĩ, mà ông gọi là thầy. Ông tâm sự: "Hình tượng thầy tôi, đạo lí nhà nho, đã góp phần không nhỏ, tuy không phải tất cả, giúp tôi nên người”. Nguyễn Khắc Viện tôn vinh Khổng Tử, tuy không phải là một ông thánh nhưng "là một trong những bậc thầy lớn nhất đã giúp cho loài người tiến lên thành người".

Nguyễn Khắc Viện đã tốt nghiệp y khoa tại Pháp, đã sống nhiều năm Pháp, tiếp thu nền văn hoá Pháp mà thành tài. Khi học về Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Ngô Thì Nhậm, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu,... , ông cho biết "chủ yếu là nhớ đến những con người, những thân phận mà xã hội xưa gọi là nho sĩ".

Truyền thống đạo lí là cái gốc cho ứng xử. Bài học mà Nguyễn Khắc Viện nêu lên thật chân thành, thấm thía: "Nhờ truyền thống ấy mà, dù có hấp thụ sâu sắc chủ nghĩa tự do cá nhân, tôi vẫn thấy mình nặng nợ với đất nước với xóm làng, với phố phường, thấy mình có gốc, có rễ...".

Tác giả chỉ rõ: mặc dù đạo Nho đã "cùng đường lịch sử", nhưng "truyền thống đạo lí" vẫn còn. Đất nước ta "đã sang trang lịch sử", đang tiến mạnh vào thời kì mời công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Con đường mới đang mở rộng ra phía trước để những nho sĩ ngày nay trở thành những kẻ sĩ hiện đại. Đó là một niềm tin đẹp, sáng ngời nhân văn.

Bài "Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại" đã mở rộng tầm nhìn, cách sống và cách nghĩ cho tuổi trẻ chúng ta. Bài học về chữ "nhân", về cách ứng xử, về "nếp nhà" và truyền thống đạo lí đôi với tuổi trẻ chúng ta thật vô cùng sâu sắc.

Hãy sống trung thực trên cái gốc đạo lí. Hãy học giỏi để lao động sáng tạo. Hãy phấn đấu và rèn luyện để trở thành kẻ sĩ hiện đại. Nguyễn Khắc Viện như đang tâm tình và động viên thế hệ trẻ chúng ta vươn lên phía trước.

Viết bình luận