Nghị luận về Tài ứng đối

Những người thông minh, tài trí, mẫn tiệp, làm chủ tình thế mới ứng đối giỏi. Chuyện cổ tích Cậu bé thông minh đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Chuyện cổ tích này, chúng ta đã được nghe bà kể, đã được học ở trường.

Xin kể thêm hai mẩu chuyện lí thú sau đây.

Chuyện thứ nhất: Thời Tam Quốc, chúa Đông Ngô là Tôn Quyền mở đại tiệc mừng xuân. Trong số tân khách có Gia Cát Tử Du cùng con trai là Gia Cát Lạc. Gia Cát Tử Du là một danh sĩ, nhưng có khuân mặt dài, trông khác người. Giữa buổi tiệc, Tôn Quyền uống nhiều Mĩ tửu nên đã có phần chếnh choáng... Lúc cao hứng muốn đùa với Gia Cát Tử Du, bèn cho người dẫn vào một con cừu đực, lông trắng như tuyết, tuyệt đẹp; trên mặt con cừu dán một tờ giấy hồng điều, có bốn chữ rõ to: “Gia Cát Tử Du”. Mọi người nhìn thấy không nhịn được, rồi cùng phá lên cười. Không khí buổi đại tiệc thật là vui.

Tài ứng đối

Trong lúc người cha đang bối rối, thì Gia Cát Lạc vội đặt chén rượu xuống bàn tiệc, cầm cây bút chấm vào nghiên mực, đứng dậy đi về phía con cừu. Hàng trăm cặp mắt đổ dồn về. Gia Cát Lạc ung dung viết thêm vài chữ “Cừu của” trước bôn chữ “Gia Cát Tử Du”.

Tôn Quyền ngẩn ra một chút rồi cười lớn, sau đó tặng con cừu cho Gia Cát Tử Du. Các vị tân khách dự đại tiệc hôm ấy đều xôn xao bàn tán ngợi khen đứa con trai của Gia Cát Tử Du là cực kì thông minh mẫn tiệp. Gia Cát Lạc đã tuỳ cơ ứng biến giỏi không những gỡ được thể diện cho cha mình mà còn kiếm được một con cừu vô giá.

Chuyện thứ hai: Cuối đời Đường có tù trưởng bộ lạc Sa Đà là Lí Khắc Dụng. Khi mới sinh ra, ông chỉ có một mắt, nhưng vô cùng anh dũng, giỏi võ nghệ. Ông được mọi người gọi là “Độc nhãn long”, nghĩa là Rồng một mắt. Ông là một thiện xạ bách phát bách trúng. Có lần ông gọi một họa sĩ tài danh đến vẽ chân dung mình và nói: “Nếu vẽ không giống ta, không đúng ý ta thì nhà ngươi phải chết!”. Hoạ sĩ ngắm nhìn ông, quan sát cây cung và bó tên một lúc, rồi bắt đầu vẽ. Sau đó, bức chân dung đã được vẽ xong. Đó là hình ảnh Lí Khắc Dụng ngồi trên mình ngựa ô, tay trái cầm cung, tay phải cầm mũi tên và căng dây, nghiêng đầu, nhắm bắn. Bức tranh này là sự tuyệt diệu của thuật tuỳ cơ ứng biến, khiến mọi người phải ngợi khen.

Bức tranh đầy thần khí của vị tướng “độc nhãn long”. Cái nghiêng mình của Lí Khắc Dụng là một nét vẽ rất sáng tạo. Vị tù trưởng của bộ lạc không phải chột mắt mà là đang nghiêng mình, nheo mắt, nhắm bắn.

Lí Khắc Dụng ngắm nghía bức tranh rồi mỉm cười. Ông rót Mĩ tửu mời hoạ sĩ, sau đó còn hậu thưởng nhiều vàng ngọc.

Qua hai mẩu chuyện trên đây, ta càng thấy rõ những bậc tài danh trong thiên hạ thật đáng khâm phục.

Viết bình luận